Về Ngọc Lặc nghe âm vang cồng chiêng

Từ bao đời nay, với người Mường, cồng chiêng không chỉ là nhạc khí, mà còn là 'báu vật' của dân tộc. Tiếng cồng chiêng ngân vang mang theo bao khát vọng, mong ước về cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Và, không biết từ bao giờ, cồng chiêng đã trở thành 'món ăn tinh thần' không thể thiếu trong đời sống văn hóa, tín ngưỡng của người dân bản Mường.

Cồng chiêng là nét văn hóa độc đáo của người Mường Ngọc Lặc.

Chúng tôi đến thôn Thuận Hòa, xã Quang Trung vào một buổi sáng mùa xuân. Trên con đường đến nhà nghệ nhân cồng chiêng Phạm Vũ Vượng đã thấy vang lên thanh âm trầm bổng. Cùng với tiếng gió vi vút nơi núi rừng, tiếng cồng chiêng ngày càng rõ từng nhịp như gọi mời. Một cảm giác bình yên xen lẫn náo nức tràn về...

Nhắc đến văn hóa của người Mường chắc không thể bỏ qua cồng chiêng. Đây là loại hình văn hóa đặc sắc, đầy sức hấp dẫn của dân tộc Mường nói chung và dân tộc Mường ở Ngọc Lặc nói riêng. Âm thanh của cồng chiêng luôn gắn liền với cuộc đời và cuộc sống sinh hoạt, lễ hội, các nghi thức của người dân. Xưa kia dân cư sống thưa thớt, tiếng cồng chiêng giúp người dân xua đuổi muông thú. Khi chống giặc ngoại xâm, tiếng cồng chiêng trở thành tiếng thôi thúc những người con bản mường đứng lên. Và không biết từ bao giờ, người Mường đã thổi hồn cho cồng chiêng, gắn cồng chiêng với những bản nhạc, bài hát, điệu múa, nghi lễ, phong tục đặc trưng của dân tộc mình. Để rồi, những thanh âm ấy dần chiếm trọn cả bản mường, đi sâu vào mọi mặt của cuộc sống, gắn bó suốt cuộc đời mỗi người dân Mường.

Vào dịp tết, cồng chiêng theo những Phường Chúc (Sắc bùa) mang may mắn đến cho mỗi nhà, mỗi bản mường. Cồng chiêng chào đón sự xuất hiện của con người và tiễn biệt cuộc hành trình nơi dương gian của con người. Cồng chiêng chúc phúc cho những đôi uyên ương trong ngày cưới; thúc giục những bước chân trẩy hội, xuống đồng, xua tan những điềm dữ trong cuộc sống và mang đến những ước vọng về cuộc sống ấm no, hạnh phúc...

Nghệ nhân ưu tú Phạm Vũ Vượng chia sẻ: “Với người dân tộc Mường, cồng chiêng là sợi dây kết nối giữa người với người. Và hơn thế, đó là ngôn ngữ để giao tiếp với trời, đất, thánh thần, tổ tiên để gửi gắm những ước vọng”.

Cũng theo ông Vượng, mỗi chiếc cồng chiêng được xem là tài sản quý giá của mỗi gia đình và cộng đồng. Bởi vậy, ông luôn có ý thức và trách nhiệm gìn giữ sưu tầm. Đến nay, ông luôn tự hào với vốn tài sản quý của mình. Đó là 20 cái cồng chiêng thường xuyên phục vụ cho các hoạt động văn hóa - văn nghệ, lễ hội và sự kiện lớn của địa phương.

Trải qua bao thế hệ, đến nay cồng chiêng vẫn luôn tồn tại trong tâm thức lẫn đời sống văn hóa, tinh thần, tín ngưỡng của người Mường. Và càng vui hơn, khi người dân tộc Mường ngày càng nhận thức được vai trò và giá trị của cồng chiêng. Từ già trẻ, gái trai, ai ai cũng chung tay bảo tồn, phát huy giá trị của cồng chiêng.

Tình yêu với cồng chiêng và niềm vui khi âm vang cồng chiêng vang lên không chỉ hiện rõ trên gương mặt rạng ngời, tươi vui của người con đất Mường đã ngoài 80 tuổi. Mà đó là niềm vui chung, niềm tự hào và trách nhiệm của người dân tộc Mường.

Bà Trương Thị Phi ở xã Quang Trung, người gắn bó lâu năm với Câu lạc bộ văn hóa dân gian dân tộc Mường Ngọc Lặc cho biết: “Trước đây, việc vận động mọi người tham gia câu lạc bộ gặp không ít khó khăn. Nhưng nay, người dân ai cũng nhận thức được vai trò của cồng chiêng cũng như các giá trị văn hóa khác nên rất tích cực tham gia. Ai cũng vui khi được tham gia trình diễn cồng chiêng. Nhiều gia đình, cả nhà tham gia thực hành, ngày càng nhiều trẻ em yêu thích, tham gia các hoạt động văn hóa dân gian”.

Trò chuyện cùng các thành viên Câu lạc bộ văn hóa dân gian dân tộc Mường Ngọc Lặc, chúng tôi mới hiểu tình yêu của họ dành cho cồng chiêng và văn hóa dân tộc là rất lớn. Cũng nhờ tình yêu và tâm huyết của họ, văn hóa cồng chiêng Mường ở Ngọc Lặc đã vang xa ra khỏi giới hạn địa lý, không gian núi rừng.

Nói về văn hóa cồng chiêng, Trưởng Phòng Văn hóa, Thông tin huyện Ngọc Lặc Phạm Đình Cường cho biết: “Trải qua quá trình lao động, sáng tạo và được trao truyền, kế thừa qua nhiều thế hệ, đến nay cồng chiêng đã trở thành di sản văn hóa đặc trưng mang đậm bản sắc dân tộc và là điểm tựa tinh thần của dân tộc Mường. Để bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa cồng chiêng, cấp ủy, chính quyền và người dân Ngọc Lặc đã tích cực triển khai nhiều hoạt động góp phần tạo “đất sống” cho cồng chiêng. Nhờ đó, những thanh âm của cồng chiêng luôn vang mãi trong tâm thức và đời sống của người dân, trở thành động lực để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương”.

Bài và ảnh: Quỳnh Chi

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/van-hoa-giai-tri/ve-ngoc-lac-nghe-am-vang-cong-chieng/210153.htm