Về miền nắng gió Phan Rang

Nghe nhiều về Ninh Thuận, miền đất được xem như một điểm nhấn trong bức tranh du lịch miền Trung nên mặc dù biết mùa hè nơi đây 'nắng như rang...', chúng tôi vẫn nhằm hướng Phan Rang - Tháp Chàm thẳng tiến. Đi để biết, để được thưởng lãm, trải nghiệm những đặc sản 'hiếm có khó tìm' ở vùng đất đa sắc màu này.

Du khách tham quan, trải nghiệm điểm du lịch hang Rái thuộc xã Vĩnh Hải, huyện Ninh Hải, tỉnh Ninh Thuận.

Ninh Thuận là tỉnh thuộc vùng duyên hải Nam Trung Bộ, nằm trong cụm du lịch quốc gia thuộc tam giác du lịch Đà Lạt - Nha Trang - Phan Rang. Bởi thế, vùng đất lắm nắng, nhiều gió này được các nhà lữ hành đánh giá là điểm đến khác biệt trong chuỗi sản phẩm du lịch khu vực Nam Trung Bộ.

Điểm đến đầu tiên của chúng tôi là vịnh Vĩnh Hy thuộc huyện Ninh Hải, cách TP Phan Rang - Tháp Chàm khoảng 40km. Chạm chân tới bờ vịnh, chúng tôi ngỡ ngàng khi thấy nơi đây còn giữ được vẻ đẹp hoang sơ, hùng vĩ của núi rừng và biển cả, được người dân bản xứ ví là nơi "sơn cùng thủy tận” của tỉnh Ninh Thuận. Đi tàu đáy kính ra vịnh Vĩnh Hy ngắm san hô rồi lên bè thưởng thức các món ăn đặc trưng được chế biến từ các loài hải sản nghe tên đã thấy lạ, nhiều du khách trầm trồ: Đây thực sự là một trong những địa điểm du lịch hấp dẫn trên dải đất hình chữ S!

Trên đường trở về Phan Rang, chúng tôi ghé thăm hang Rái, một điểm du lịch đẹp thuộc xã Vĩnh Hải, huyện Ninh Hải. Sở hữu vẻ đẹp tự nhiên hùng vĩ, ấn tượng, hang Rái được ví như một "thiên đường” hiếm có. Bờ biển xanh ngắt thơ mộng, những bãi cát trắng trải dài cùng những kè đá như được bàn tay con người thời cổ đại xếp chồng lên nhau. Một nửa hang Rái là dãy núi đá sừng sững, khối đá vàng hoe tạo nên sự uyển chuyển lạ kỳ. Một nửa còn lại là khối đá lộn xộn, vui mắt. Gọi là hang Rái nhưng đi mãi chẳng thấy cái hang nào, anh Ngô Minh Quốc, cán bộ Vườn Quốc gia Núi Chúa cho hay: Trước kia nơi đây có nhiều loài rái cá sinh sống nên người dân địa phương gọi là hang Rái. Vốn dĩ, hang Rái là một hang sâu, rộng, dù có nhiều cá mực nhưng không ai dám đến đánh bắt, vì thế những chú rái cá coi đây là lãnh địa "bất khả xâm phạm”. Đến những năm 80 của thế kỷ trước, với tác động của con người cùng sự biến đổi của địa chất, loài rái cá biến mất hoàn toàn. Nhờ sự kiến tạo của địa chất trong các tảng đá vôi và sự bào mòn của gió và nước biển đã tạo nên những bãi san hô, bãi tắm tuyệt đẹp. Khi chúng tôi tới đây nắng đã lên cao, rải xuống mặt biển những tia sáng long lanh. Cả một vùng biển như bừng sáng, các du khách tranh thủ ghi lại những khoảnh khắc đẹp ở nơi có phong cảnh đẹp, tên địa danh độc và lạ này.

Thẳng tiến về Phan Rang - Tháp Chàm, chúng tôi không quên rẽ xuống vườn nho thưởng thức những trái nho tươi, mứt nho và những chén mật, si rô nho đậm vị. Chiều về tản bộ trên bãi biển Ninh Chữ (người dân địa phương gọi là biển Ninh Chử) để được đắm mình trong làn nước xanh màu ngọc, vui đùa cùng những con sóng xô bờ, cảm nhận không gian thoáng đãng, thư thái đến lạ thường. Buổi tối thưởng thức bữa ăn ngoài trời và giao lưu với các nghệ sỹ để tìm hiểu về văn hóa của dân tộc Chăm.

Một ngày với nắng, gió và sự xoa dịu của sóng biển, đêm về chúng tôi có một giấc ngủ ngon lành để 7h30 phút hôm sau tiếp tục hành trình thăm quan khu di tích quốc gia đặc biệt: Tháp Chăm Poklong Garai. Tháp Poklong Garai là một công trình kiến trúc độc đáo được xây dựng vào cuối thế kỷ XIII, đầu thế kỷ XIV. Nơi đây thờ thần Poklong Garai - một vị vua của dân tộc Chăm trị vì từ năm 1151 - 1205.

Được biết, ngày 29/11/2022, Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) đã ghi danh "Nghệ thuật làm gốm của người Chăm” vào danh sách di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp. Trong hành trình tìm hiểu văn hóa Chăm chúng tôi đến với làng gốm Bàu Trúc, một làng nhỏ thuộc thị trấn Phước Dân, huyện Ninh Phước chiêm ngưỡng sự đa dạng về mẫu mã cũng như độ tinh xảo của các sản phẩm gốm mang tên Bầu Trúc. Cũng trên cung đường đó đến với làng Mỹ Nghiệp - làng nghề dệt thổ cẩm truyền thống của người Chăm mua sắm và làm quà cho người thân những chiếc khăn, túi, mũ, ví, băng đô xinh xắn, họa tiết bắt mắt. Khi ráng chiều buông, chúng tôi tiếp tục hành trình để ngắm những cánh đồng điện gi, đàn cừu thong dong trở về chuồng, tận hưởng những phút giây thư giãn.

Về miền "nắng như rang, gió như phang” trong buổi giao mùa, chúng tôi đã được thưởng lãm những sắc màu đẹp nhất của Ninh Thuận. Dù là vùng đất thừa nắng, thiếu mưa, nhưng TP Phan Rang - Tháp Chàm đêm ấy đã tiễn chúng tôi bằng một cơn mưa rào mát lạnh. Cơn mưa hiếm hoi ấy đã đi vào thơ của tác giả Thế Hiển: "Mưa đầu mùa hối hả/ Ào ạt trong đêm/ Cả nỗi niềm tháng hạ/ Xôn xao rơi bên thềm/ Đất cựa mình khao khát/ Như uống mấy chẳng vừa/ Cây nở bừng mắt lá/ Ngây ngất và say sưa”. Còn chúng tôi ngây ngất vì tiếng trống Paranưng và tiếng hát vút lên như có lửa, vì vẻ đẹp của vịnh Vĩnh Hy lộng lẫy mà hiền hòa, của Tháp Chàm uy nghi mà cuốn hút… Mong ngày trở lại!

Thúy Hằng (CTV)

Nguồn Hòa Bình: http://www.baohoabinh.com.vn/276/177686/ve-mien-nang-gio-phan-rang.htm