Về miền Đất Tổ

Phú Thọ, điểm đến của 2 di sản văn hóa thế giới gồm Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương và Hát Xoan, rất độc đáo và hấp dẫn thu hút khách du lịch. Thương hiệu du lịch Phú Thọ 'Về với cội nguồn dân tộc' đang tạo ấn tượng tốt đẹp trong lòng du khách những năm qua.

Nô nức Lễ hội Đền Hùng. Nguồn: TTXVN.

Vùng đất có tới 12 di sản văn hóa phi vật thể, 5 bảo vật quốc gia, và đặc biệt là 2 di sản nhân loại được UNESCO ghi danh, là những nguồn tài nguyên du lịch hấp dẫn; Phú Thọ rất chú trọng phát triển du lịch trên cơ sở phát huy nền tảng di sản để trở thành điểm đến ấn tượng, an toàn của du khách trong nước và quốc tế.

Du lịch Phú Thọ luôn gắn với khai thác các giá trị di sản văn hóa thời đại Hùng Vương, trong đó 2 di sản Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương và Hát Xoan là kho báu tiềm năng nhất. Từ Hà Nội qua đất Ba Vì, hoặc từ đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai rẽ vào, du khách dễ dàng đến với Đền Hùng hoặc Việt Trì - không gian thành phố cội nguồn dân tộc Việt Nam. Trải nghiệm làng du lịch cộng đồng Hùng Lô, xem hát Xoan ở miếu Lãi Lèn, thăm làng cổ Sơn Vi, đình làng Cổ Tích, làng nón Sai Nga, thác Mơ, du khách còn có thể tận hưởng nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí ở vùng khoáng nóng Thanh Thủy, đầm Ao Châu, đầm Vân Hội, đồi chè Long Cốc, Vườn quốc gia Xuân Sơn…

Vùng đất trung du xác định du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn đang đẩy mạnh các hoạt động nâng cao giá trị của các khu, điểm du lịch, bảo tồn và phát huy di sản, lịch sử, văn hóa. Hiện Phú Thọ đang dành ưu tiên vượt trội đầu tư phát triển hạ tầng then chốt tại các trung tâm du lịch, hỗ trợ tố đa doanh nghiệp, và thực sự nỗ lực xây dựng TP Việt Trì là thành phố du lịch.

Ông Nguyễn Đức Hòa - Giám đốc Trung tâm xúc tiến du lịch tỉnh Phú Thọ cho biết, địa phương đã tăng cường liên doanh, liên kết giữa các doanh nghiệp lữ hành hoạt động theo chuỗi sản phẩm ở trong và ngoài tỉnh, xây dựng các tour du lịch hấp dẫn. Tỉnh khuyến khích các cơ sở, đơn vị kinh doanh du lịch tăng cường đào tạo và thu hút nguồn nhân lực du lịch chất lượng. Phú Thọ đã xây dựng sản phẩm tour du lịch an toàn và tổ chức chương trình "Business Matching". Nơi đây kết nối các đơn vị kinh doanh du lịch, các làng nghề giới thiệu sản phẩm OCOP tỉnh Phú Thọ, làm tour du lịch nông nghiệp, liên kết tour “Về miền Đất Tổ”... Thậm chí người Phú Thọ còn tham gia Hội thi bánh dân gian Nam Bộ tổ chức tại TP Cần Thơ, Ngày hội du lịch TPHCM và Hội chợ du lịch quốc tế tại Hà Nội. Năm ngoái, ngay khi đại dịch Covid-19 lắng xuống, Phú Thọ đã có bước đi ấn tượng khi lần đầu tiên quy tụ được 15 di sản nhân loại của toàn quốc về phô diễn tại Việt Trì để du khách có thể cùng lúc trải nghiệm, thưởng thức tất cả tinh hoa di sản Việt Nam.

Thi gói, nấu bánh chưng tại Lễ hội Đền Hùng ngày 10/3 âm lịch (ngày 17/4/2024). Nguồn: Báo Phú Thọ.

Du khách đổ về Đất Tổ

Ngay những ngày đầu năm nay, chỉ riêng tại Đền Mẫu Âu Cơ ở huyện Hạ Hòa, lượng du khách tăng gấp nhiều lần so với ngày thường, lên đến hàng chục nghìn người. Tại đây có lễ nghi trang trọng, truyền thống, diễn ra nhiều hoạt động văn hóa, thể thao, hội thi nấu bánh chưng, giã bánh giầy... rất hấp dẫn du khách. Nhiều du khách đến từ TPHCM, Đà Nẵng, Tây Nguyên, Huế, Nghệ An... Trong chuyến "phượt" dài ngày, nhiều du khách đã chọn Đất Tổ là điểm đến đầu tiên cho hành trình, và dĩ nhiên không thể bỏ qua việc dâng hương tưởng niệm các Vua Hùng ở TP Việt Trì. Sau Tết Nguyên đán, tại các khu, các điểm đến như Đền Lăng Sương, Đền Tam Giang, Khu khoáng nóng Thanh Thủy... luôn tấp nập du khách.

An ninh trật tự, an toàn giao thông, vệ sinh môi trường, tạo điểm nhấn cảnh quan, và nâng cao ý thức của các hộ dân, doanh nghiệp làm du lịch, đã tạo nên những chuyển biến rõ nét về số lượng khách du lịch đến với Phú Thọ thời gian qua. Trong cái nắng oi ả với lượng khách có ngày lên tới 700 nghìn người đổ về Đền Hùng dịp Giỗ Tổ, người ta có thể nhìn thấy những đoàn viên thanh niên cùng các chiến sỹ công an chăm sóc người bị mệt, nhặt rác, hướng dẫn du khách.

Nếu như trong năm 2023, du lịch Phú Thọ đã đón 776.000 lượt khách lưu trú (trong đó có hơn 11.000 khách nước ngoài) với doanh thu đạt khoảng 3.365 tỷ đồng, thì chỉ trong dịp trong dịp Tết vừa qua tỉnh này đã đón khoảng 564,2 nghìn lượt du khách, tăng gần ba lần so với cùng kỳ năm 2023. Điều này báo hiệu một năm tràn đầy hy vọng và bùng nổ cho du lịch Đất Tổ trong bối cảnh kinh tế trong nước và thế giới vẫn còn nhiều khó khăn.

Tiết mục hát Xoan trong tour du lịch

Biến di sản thành tài sản

Năm 2024, Du lịch Phú Thọ đặt mục tiêu đón 800 nghìn lượt khách lưu trú, trong đó có 8.860 lượt khách quốc tế với kỳ vọng doanh thu hơn 3.700 tỷ đồng. Với vai trò là trưởng nhóm “Hợp tác phát triển du lịch 8 tỉnh Tây Bắc mở rộng và TPHCM”, cùng với sự kiện “Năm Du lịch Quốc gia Tây Bắc - Điện Biên gắn với Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ”, sẽ có nhiều cơ hội thuận lợi để Phú Thọ làm kinh tế du lịch với các loại hình sản phẩm đặc trưng của vùng Đất Tổ. Và Đền Hùng sẽ đạt tới 3 triệu lượt khách như một điểm nhấn lớn nhất du lịch tỉnh này, theo ông Lê Trường Giang - Giám đốc khu di tích lịch sử Đền Hùng.

Du khách có thể dễ dàng đặt tour “Hát Xoan Làng cổ”, “City tour Việt Trì”, "Photo tour Đồi chè Long Cốc", "Tour khám phá Xuân Sơn kỳ thú", "Du lịch nghỉ dưỡng khoáng nóng". Và thậm chí có cả tour “Du lịch học đường” dành cho học sinh, sinh viên từ khắp các tỉnh thành đến đây hoạt động trải nghiệm ngoại khóa về văn hóa, du lịch về nguồn nhằm giáo dục truyền thống lịch sử.

Ông Nguyễn Đắc Thủy - Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Phú Thọ cho biết, quyết tâm của địa phương biến di sản thành tài sản không chỉ khẳng định giá trị to lớn của Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương và ngày Giỗ Tổ, mà còn là nhiệm vụ gìn giữ, bảo tồn di sản, giáo dục thế hệ trẻ về lịch sử cội nguồn dân tộc. Phú Thọ hiện đã có chất lượng nguồn nhân lực gắn với ứng dụng công nghệ 4.0 và chuyển đổi số. Ưu tiên phát triển du lịch trải nghiệm, nghỉ dưỡng, đây còn là địa chỉ tổ chức những giải bóng chuyền danh tiếng trong nước và cả tầm cỡ quốc tế khá hấp dẫn.

Đền Hùng là địa chỉ đặc biệt trong tâm khảm người Việt. Ngọc phả Hùng Vương chép thời Hồng Đức các nhà Đinh, Tiền Lê, Lý, Trần, Hậu Lê vẫn hương khói Đức Thánh Tổ. Đời vua Lê Thánh Tông năm 1470 và đời vua Lê Kính Tông năm 1601 sao chép đóng dấu kiềm để tại Đền Hùng, chọn ngày 11 và 12 tháng Ba âm lịch làm ngày Giỗ Tổ. Sau này thời nhà Nguyễn đã chính thức chọn ngày giỗ là mùng 10 tháng Ba để tưởng nhớ các Vua Hùng, nhắc nhở con Rồng cháu Tiên tri ân thờ cúng Tổ Tiên. Sau cách mạng Tháng Tám, ngày 18/2/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh 22/SL-CTN công nhận ngày Giỗ Tổ Hùng Vương hàng năm. Trước ngày bộ đội tiếp quản Thủ đô (tháng 10/1954), Bác Hồ đã chọn Đền Hùng làm nơi gặp gỡ, căn dặn những người chiến sĩ: "Các Vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ nước". Câu nói nổi tiếng khái quát cả 4.000 năm dựng địa giữ non, và dành cho toàn quân, toàn dân cùng hậu thế khắc ghi, gìn giữ, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Hơn 20 năm nay, ngày Giỗ Tổ Hùng Vương càng trở nên đặc biệt khi Chính phủ có Nghị định số 82/2001/NĐ-CP quy định đây là ngày Quốc lễ, và UNESCO công nhận “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương” là Di sản của nhân loại.

Tùng Duy

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/ve-mien-dat-to-10277851.html