Về miền ấm no

Vĩ Kẽm vốn là vùng núi đồi hoang vu. Tuy nhiên, nhờ sự cần mẫn ươm trồng của các hộ dân người Dao tuyển, nơi đây đã có nhiều đổi thay, không chỉ mang lại thu nhập ổn định, mà còn dần thay đổi tư duy phát triển kinh tế cho người dân.

“Dù còn nhiều gian khó, nhưng chính nhờ sự chịu thương, chịu khó, không ngại đổi thay trong phát triển kinh tế của bà con nên cuộc sống ở Vĩ Kẽm thay đổi từng ngày…”, đứng trên đỉnh núi cao, anh Lý Văn Nện, Trưởng thôn Vĩ Kẽm, xã Cốc Mỳ (Bát Xát) chỉ ra vùng núi rừng xanh thẫm, hồ hởi.

Dựng xây quê hương mới

Theo tiếng địa phương, Vĩ Kẽm có nghĩa là vùng đất có mỏ đồng. Trước đây, Vĩ Kẽm là vùng đất núi đồi hoang vu. Năm 1979, những hộ người Dao tuyển đầu tiên từ trung tâm xã Cốc Mỳ về đây lập nghiệp. Nhiều người khi ấy khuyên nên sang các xã khác, huyện khác tìm nơi bằng phẳng để định cư, nhưng phần lớn các hộ vẫn muốn gắn bó với mảnh đất “chôn nhau, cắt rốn” Cốc Mỳ, nên quyết định khai hoang, lập làng dù đất đai có cằn khô, đường sá có gập ghềnh, không thuận tiện. Cứ kiên định vậy, nên từ hơn chục nóc nhà thuở ban sơ, giờ Vĩ Kẽm đã là nơi quần cư của 66 hộ người Dao tuyển với 297 nhân khẩu. Hơn 40 năm qua, người Vĩ Kẽm lớp cha trước, lớp con sau cứ cần mẫn ươm trồng, để rồi từ cuộc sống khốn khó ban đầu với bắp ngô, củ sắn, Vĩ Kẽm giờ đã nhiều đổi thay với sự hiện hữu của những cây trồng mới như chuối, quế, không chỉ mang lại kinh tế ổn định, mà còn dần thay đổi tư duy phát triển kinh tế cho người dân.

Cùng trưởng thôn đi thăm đồng đất Vĩ Kẽm, từ những trùng điệp núi đồi vang tiếng nói cười rôm rả, tiếng dao phát cỏ, tiếng cuốc làm đất ràn rạt gần, xa. Nhớ khi nãy đi dọc tuyến đường vào thôn, 2 bên là những ngôi nhà xây san sát, cửa đóng im lìm, anh Nện bảo: Bà con đi làm hết rồi nhà báo ạ. Giờ đi dọc thôn cũng khó tìm thấy có người ở nhà, trừ các cụ già sức yếu, không thể lên nương.

Tôi thầm nghĩ, đúng là “đất Vĩ Kẽm cả làng chăm chỉ”.

Miền ấm no

Ông Trần Văn Đằng, Bí thư Đảng ủy xã Cốc Mỳ cho biết: Vĩ Kẽm là điển hình của xã về xây dựng nông thôn mới, tiêu biểu là nâng cao tiêu chí thu nhập cho các hộ. Đời sống của người dân không ngừng được nâng lên, nhiều hộ đã xây nhà khang trang, mua sắm các trang - thiết bị, phương tiện hiện đại phục vụ cuộc sống. Chúng tôi luôn lấy Vĩ Kẽm là điển hình để nhân rộng ra các thôn khác của xã, cùng thúc đẩy phong trào xây dựng nông thôn mới tại địa phương.

Một trong những minh chứng sinh động cho việc thay đổi tư duy phát triển kinh tế của người dân Vĩ Kẽm là việc chuyển đổi diện tích trồng ngô, sắn kém hiệu quả sang trồng chuối cấy mô. Cách đây gần chục năm, thực hiện mô hình sản xuất liên kết với doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm, 10 hộ của thôn đã trồng thử nghiệm cây chuối cấy mô trong vườn nhà. Chuối bén duyên đất, duyên người nên sinh trưởng, phát triển tốt và cho thu nhập cao. Sau thành công của những hộ đầu tiên, các hộ trong thôn đẩy mạnh trồng loại cây mới. Vĩ Kẽm “nổi danh” khắp vùng, tiếng lành đồn xa, người dân nhiều thôn, xã lân cận đến học hỏi kinh nghiệm trồng chuối, phát triển kinh tế hộ ở “mảnh đất ấm no”.

Trưởng thôn Lý Văn Nện là một trong những người tiên phong trong phát triển kinh tế tại thôn Vĩ Kẽm.

"5 - 6 năm nay, đất Vĩ Kẽm khá lên là nhờ trồng chuối. Những năm “hoàng kim”, tất cả các ngọn đồi, đỉnh núi của thôn đều phủ xanh màu của cây chuối. Người dân còn tận dụng cả những khu vườn cạnh nhà để mở rộng diện tích, cả thôn khi ấy có gần 100 ha chuối. Nhiều hộ thu hàng trăm triệu đồng mỗi năm từ trồng loại cây này", Trưởng thôn Lý Văn Nện vui vẻ chia sẻ.

Tuy nhiên, cũng như nhiều vùng trồng chuối khác trong tỉnh, những năm gần đây, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, đầu ra khó khăn nên bà con không mở rộng diện tích trồng mà thu hẹp và chuyển dần sang những loại cây khác. Một trong những cây trồng chuyển đổi đang đem lại hy vọng cho bà con là cây quế.

Năm 2015, những cây quế đầu tiên được trồng thí điểm tại thôn theo Dự án trồng rừng sản xuất của Ban Quản lý rừng phòng hộ huyện hỗ trợ. Ngày ấy, đang thời “hoàng kim” của cây chuối, những khu đất đẹp đều được dành cho loại cây này, nên quế chỉ trồng ở những khu đất dốc, nơi không thể canh tác chuối. Sau gần chục năm bén duyên, những diện tích quế đầu tiên đã cho thu hoạch, mang lại nguồn thu bước đầu cho bà con.

Tính đến nay, 100% hộ trong thôn trồng quế. Bà con ưu tiên loại cây quý trồng trong vườn nhà, trên những vạt đồi màu mỡ. Bình quân mỗi hộ trồng khoảng 1 ha quế, Những hộ trồng nhiều, như gia đình ông Lý Văn Khoái 6 ha, ông Đặng Thanh Toàn 5 ha, ông Lý Văn Nện 4 ha… Tổng diện tích quế toàn thôn là hơn 60 ha. Hiện cả thôn còn hơn 30 ha trồng chuối, nhưng dự tính những diện tích này sẽ được chuyển đổi sang quế và các cây lâm nghiệp khác.

Màu xanh no ấm ở Vĩ Kẽm.

Cũng nhờ năng động trong phát triển kinh tế, chủ động vượt qua khó khăn nên phần lớn các hộ trong thôn người Dao tuyển ở Vĩ Kẽm có kinh tế khá. Đây cũng là thôn đầu tiên của xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới vào năm 2016. Cuộc sống ở mảnh đất khó đang đổi thay từng ngày, đem đến những hy vọng về cuộc sống mới trên miền đất ấm no.

Nguồn Lào Cai: http://www.baolaocai.vn/bai-viet/365187-ve-mien-am-no