Vẻ đẹp văn hóa của người Cống giữa đại ngàn sương mây

Xuất hiện từ thế kỉ thứ 17, người Cống tìm đến những ngọn núi và con suối xa xôi để xây dựng một nền văn hóa đậm đà bản sắc trên lãnh thổ Việt Nam. Từ những trang phục sặc sỡ, duyên dáng, đến lễ hội…tất cả đã tạo nên vẻ đẹp văn hóa ẩn mình giữa đại ngàn sương mây.

Dân tộc Cống hay còn gọi là dân tộc Xá, Màng... cư trú tập trung ở khu vực Tây Bắc, chủ yếu ở các tỉnh Lai Châu và Điện Biên. Đây là một trong các dân tộc có số dân dưới 10 nghìn người vẫn còn lưu giữ nhiều nét văn hóa truyền thống đặc sắc.

Trang phục truyền thống cũng là nét đẹp bản sắc của người dân tộc Cống. (Ảnh: Trần Công Đạt)

Độc đáo ẩm thực, trang phục

Bữa ăn hàng ngày của dân tộc Cống chủ yếu là cơm tẻ hay cơm nếp, cùng với các loại thịt, rau giống như các dân tộc khác trên địa bàn. Ngoài ra, cuộc sống gắn bó với thiên nhiên, các món ăn của dân tộc Cống cũng xuất phát từ tự nhiên. Những ngày lễ, tết mầm cơm cúng tổ tiên phải đầy đủ các món gồm có thit lợn, xôi, gà để nguyên con, bánh ngô và rượu.

Theo nghệ nhân Lý Thị Gióng ở xã Nậm Khao, huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu, bánh ngô, bánh củ mài, bánh giày, các món cua nhồi ngô, cá sấy khô, thịt khô… là những ẩm thực đặc trưng của người Cống, nhất là trong các dịp lễ hội. Người Cống ai cũng biết làm các loại bánh này và mời thầy mo về cúng mỗi dịp lễ. Ngoài ra, món cha khả cha vàng cũng là món ăn phổ biến của người Cống. Được nấu từ tiết lợn với lá vón vén, rau đắng, món ăn này thường dùng để chữa bệnh dạ dày hay ăn khi bị đau bụng.

Cua đá cũng được người Cống xử lý khá đặc biệt. Do quan niệm cua là loài vật bảo vệ mùa màng, cua phải được bắt từ dòng suối trong, rửa sạch, tách đôi, moi hết thịt, sau đó nhồi bột ngô rồi ghép lại thành hình con cua như cũ, đem đồ chín bày lên mâm. Tháng 8 Âm lịch, lễ Tết cúng cơm mới, người Cống cũng thường buộc cua lên các vật dụng săn bắt hái lượm để thầy mo làm lễ cúng dụng cụ.

Trang phục truyền thống cũng là nét đẹp bản sắc của người dân tộc Cống. Nam giới mặc bộ màu chàm đen, cúc được thắt bằng nút vải. Nữ giới cầu kỳ hơn và kết hợp với cả phục sức. Phụ nữ chưa có chồng sẽ búi tóc ở phía sau, phụ nữ đã có chồng búi tóc trên đỉnh đầu. Trên búi cài trâm hai bên đối xứng, có đính những đồng bạc.

Khăn đội đầu của phụ nữ người Cống là chiếc khăn Piêu giống của người Thái Đen. Họ hay sử dụng trang sức bạc hoặc vàng để tăng thêm vẻ đẹp nữ tính và bảo vệ sức khỏe của mình. Phụ nữ Cống mặc hai loại áo. Một loại dài bao gồm các mảng màu xanh, đỏ, vàng, trắng được xếp xen kẽ kết hợp với những đường chỉ thêu họa tiết độc đáo ở phần gấu áo. Một loại cánh tay chỉ màu đen, áo xẻ ngực, cài khuy dọc theo nẹp áo có trang trí cúc bạc và các đường chỉ mầu. Người Cống mặc áo kết hợp với váy hoa hoặc váy đen, hoa văn theo lối cổ.

Khi đến xã Nậm Khao, các cô gái nơi đây đều tự hào nhà nào cũng có chiếc Bem. Đây là vật dụng hồi môn của mẹ dành cho con gái đựng vải, quần áo và trang sức. Bem luôn được đặt dưới bàn thờ và không bao giờ được di chuyển. Bằng kỹ thuật đan lát giỏi của người Cống, chiếc Bem không hề mục nát hay ẩm mốc theo thời gian mà lúc nào cũng luôn dày dặn, tươi mới.

Nét văn hóa dân tộc đặc sắc

Ngoài lễ Tết cúng cơm mới, người Cống còn nhiều dịp lễ Tết đặc sắc khác. Lễ cúng bản, được tổ chức vào tháng Ba âm lịch, trước vụ gieo hạt, bản làm cổng, cắm dấu hiệu kiêng kị một ngày không ai được vào bản. Lễ vật chỉ có cá, cua, cầu mong chim thú không phá hại, trồng vài khóm kiệu cầu xin lúa tốt, xanh tươi.

Cúng “ma rừng” hút thuốc, người Cống thường lấy thuốc lào đặt trên lá rồi cho lên một tảng đá, cúng xong rồi mới tắm. Theo tín ngưỡng của người Cống "ma rừng” là con ma mạnh nhất hay làm hại người. Khi được mời hút thuốc ma rừng vui sẽ không làm hại người nữa. Ngày xưa nhà ai có người ốm đau cũng sẽ cúng ma rừng. Bị bệnh gì sẽ con vật tương ứng theo chỉ định bệnh đó.

Tết Ngô(cuối tháng 5 đầu tháng 6 Âm lịch) khi mùa ngô đã được thu hoạch. Ngô là cây lương thực chính của người Cống từ hàng trăm năm qua, bởi vậy đồ lễ chính trong Tết Ngô hầu hết đều được chế biến từ ngô.

Ngày xưa người Cống có tục ở rể 8-12 năm để chăm sóc bố mẹ vợ như thể hiện lòng biết ơn sinh thành, ngày nay rút lại còn 2-3 năm, thậm chí không còn tục ở rể nữa. Lễ cưới được tổ chức vào mùa nông nhàn, khoảng tháng 11, 12 Am lịch. Cô dâu được bố mẹ cho của hồi môn gồm: chăn, đệm, quần áo, dao, cuốc, thuổng, một con lợn, một con gà mái.

Ngoài lễ Tết cúng cơm mới, người Cống còn nhiều dịp lễ Tết đặc sắc khác. (Nguồn: Báo Lai Châu)

Người Cống đặc biệt coi trọng phần nghi lễ: Làm lý. Trước khi tiễn con gái về nhà chồng, nhà gái sẽ làm lý với những nghi thức trang trọng và thiêng liêng nhất. Ý nghĩa chính của việc làm lý ở nhà gái là “cắt hóng” cô gái khỏi bàn thờ của gia đình nhà gái (tức là cô gái không còn thuộc bàn thờ tổ tiên, gia đình nữa). Sau khi đón con dâu về, nhà trai cũng phải làm lý “nhập hóng” để “nhập” cô dâu vào bàn thờ gia đình, tổ tiên nhà chú rể...

Sinh ra từ vạt rừng, lớn lên từ khe núi, vì thế người Cống Nậm Khao, huyện Mường Tè, có kho tàng văn hóa mang đậm màu sắc của núi rừng, của cỏ cây, hoa lá, chim muông. Họ mượn lời ca tiếng hát để giải tỏa nỗi mệt nhọc trong lao động, để chia sẻ sự quan tâm quý mến nhau, để bày tỏ tình cảm với người mình yêu thuơng. Kết hợp với các điệu dân ca Cống là các điệu múa dân gian như như điệu múa Py Luym, múa vòng, hòa nhập giữa các thành viên với cộng đồng, giữa các thành viên với nhau, từ đó có sức cuốn hút kỳ lạ.

Trải qua tiến trình lịch sử, người Cống (Mường Tè, Lai Châu) đã và đang phát huy những giá trị bản sắc dân tộc để “hòa nhập mà không hòa tan”, góp phần thúc đẩy kinh tế, xã hội. Hiện nay 100% các hộ đều có đất canh tác và được Nhà nước hỗ trợ xóa đói giảm nghèo, học nghề mây, tre, đan xuất khẩu nước ngoài; buôn bán các mặt hàng đặc thù dân tộc như lương thực, thuốc gia truyền, nhờ đó rút ngắn được khoảng cách với các dân tộc khác.

Thanh Chúc

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/ve-dep-van-hoa-cua-nguoi-cong-giua-dai-ngan-suong-may-255054.html