Về đất Tổ xem lễ hội lớn chưa từng có

Giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng năm nay kéo dài nhất từ trước tới nay, với nhiều hoạt động được xã hội hóa, nhiều hoạt động quy mô lớn chưa từng có.

Các đội kiệu lần lượt tiến vào sân trung tâm lễ hội. Ảnh: Thu Hương.

Theo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Phú Thọ, Giỗ tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng và Tuần văn hóa Du lịch Đất Tổ 2024 đã diễn ra từ ngày 10/4, và sẽ kéo dài hơn so với những năm trước là 10 ngày.

Mùa lễ hội năm nay Phú Thọ hướng tới xây dựng một lễ Giỗ Tổ mẫu mực cho cả nước. Theo đó, phần lễ trang nghiêm, thành kính, đảm bảo an toàn và phần hội cũng tổ chức nhiều hoạt động văn hóa, thể thao, du lịch cùng các sự kiện để phục vụ đông đảo nhân dân và du khách.

Đặc biệt, trong vòng 10 ngày diễn ra lễ hội, Phú Thọ tăng cường xã hội hóa các sự kiện biểu diễn, văn nghệ dân gian và hàng loạt các chương trình nghệ thuật về đêm tại thành phố Việt Trì nhằm phục vụ đông đảo du khách.

Chuỗi hoạt động lễ hội ở các xã, vùng ven đền Hùng như đình cổ Hùng Lô, khu du lịch Bạch Hạc - Bến Gót được mở rộng quy mô lớn chưa từng có và thu hút đông đảo con dân của làng cũng như du khách thập phương.

Bên cạnh những địa danh mang đậm dấu ấn lịch sử của Khu di tích lịch sử Đền Hùng, các du khách được trải nghiệm và hòa mình vào những hoạt động văn hóa đặc sắc như lễ hội làng Hùng Lô, lễ hội đền Tam Giang-Bạch Hạc gắn với sự tích rước nước ở ngã ba sông...

Hội thi “Gói, nấu bánh chưng và giã bánh giầy” tỉnh Phú Thọ lần thứ XI năm 2024. Ban Tổ chức lựa chọn sản phẩm bánh chưng, bánh giầy đạt giải Nhất để dâng cúng Vua Hùng trong dịp Giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng năm 2025. Ảnh: Ngọc Lam.

Trước đó, ngày 15/4 (tức 7/3 âm lịch) tại Khu di tích lịch sử Đền Hùng đã diễn ra lễ rước kiệu về Đền Hùng của các xã, phường, thị trấn vùng ven Khu di tích.

Đông đảo người dân tham gia lễ rước kiệu về Đền Hùng của các địa phương vùng ven Khu di tích. Ảnh: Thu Hương.

Lễ rước kiệu năm nay, có 7 xã, phường, thị trấn vùng ven Khu di tích, gồm: Xã Hy Cương, Hùng Lô, Kim Đức, Chu Hóa, phường Vân Phú - thành phố Việt Trì; thị trấn Hùng Sơn, xã Tiên Kiên, huyện Lâm Thao. Đây là hoạt động mang tính cộng đồng nhằm tái hiện lại các hình thức sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng của cư dân vùng Đất Tổ gắn với tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên.

Chương trình du lịch tâm linh “Đêm Đền Hùng” cũng diễn ra tại Khu di tích lịch sử Đền Hùng với nhiều hoạt động tâm linh độc đáo, thu hút đông đảo du khách từ các tỉnh, thành tham gia.

Đền Hùng buổi đêm ngoài nét trang nghiêm vốn có càng thêm phần lung linh, kỳ ảo. Mỗi đoàn được phát một chiếc đèn lồng mang theo, mang lại cảm giác thiêng liêng, huyền diệu cho chuyến hành trình.

Hành trình dâng hương lên núi Nghĩa Lĩnh của du khách sẽ lần lượt qua đền Hạ, đền Trung, đền Thượng và trải nghiệm sự linh thiêng, tĩnh mịch của không gian thờ tự tại Đền Hùng.

Đồng hành cùng du khách là hướng dẫn viên của Khu di tích để đảm bảo cung cấp những thông tin hữu ích và thú vị liên quan tới các đời Vua Hùng và hướng dẫn thực hành tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương một cách trang trọng và ý nghĩa.

Sáng 14/4 (tức ngày 6/3 âm lịch) tại Khu di tích lịch sử văn hóa Đình Hùng Lô, UBND xã Hùng Lô cũng đã long trọng tổ chức khai mạc Lễ hội truyền thống - Lễ hội Đình Hùng Lô năm Giáp Thìn 2024.

Là một nét văn hóa độc đáo trong đời sống cộng đồng của cư dân Hùng Lô, mang đậm giá trị Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương, năm 2022, Lễ hội truyền thống - Lễ hội Đình Hùng Lô được Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia. Ảnh: Bích Ngọc.

Hùng Lô (thành phố Việt Trì) xưa có tên gọi là Khả Lãm Trang. Tương truyền, vào một ngày trời đẹp Vua Hùng cùng công chúa và các quần thần ngược triền sông Lô đi du ngoạn, săn bắn và thăm thú non sông. Đến vùng đất Hùng Lô, Vua thấy cảnh sắc thiên nhiên tươi đẹp, đất đai màu mỡ, cây cối xanh tươi lại có khí thiêng bèn dừng chân nghỉ lại. Các bô lão và thần dân thấy vậy liền sửa soạn lễ vật nghênh đón Đức Vua. Nhà Vua rất mừng và khuyên bảo dân chúng khẩn hoang vỡ đất xây dựng xóm làng, quê hương... Từ đó về sau, dân làng Hùng Lô lập đình thờ để ngàn năm hương khói và cứ dịp mùng 10/3 (âm lịch) hằng năm lại tổ chức lễ hội để tưởng nhớ ơn Vua.

Lễ hội Đình Hùng Lô năm 2024 diễn ra trong 5 ngày từ 13/4 đến hết 18/4 (tức ngày 5 đến 10/3 âm lịch) với chủ đề “Tôn vinh giá trị di sản văn hóa vật thể, phi vật thể trên quê hương làng cổ. Nỗ lực đưa xã Hùng Lô ngày càng đổi mới, hội nhập và phát triển”; bao gồm các nghi lễ và hoạt động như: Lễ tế dâng hương, lễ vật tại đình làng; trình diễn Hát Xoan làng cổ và giao lưu văn nghệ; thi gói bánh chưng, thi lễ gà; trưng bày, giới thiệu sản phẩm làng nghề; giao lưu bóng chuyền hơi, chơi cờ tướng, thi kéo co, chọi gà; tổ chức tọa đàm với các đại biểu, hội đồng hương xã Hùng Lô; tổ chức yến tiệc...Được biết, năm 2012, “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ” đã được UNESCO ghi danh là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại là niềm tự hào vô hạn của cộng đồng dân tộc Việt Nam. Kết quả kiểm kê bước đầu năm 2005 do Cục Văn hóa cơ sở (Bộ VH,TT&DL) công bố, cả nước có 1.417 địa điểm thờ cúng Vua Hùng và các nhân vật lịch sử thời đại Hùng Vương dựng nước; trong đó tỉnh Phú Thọ có trên 300 di tích.

Lễ hội Đình Hùng Lô năm 2024 diễn ra trong 5 ngày từ 13/4 đến hết 18/4 (tức ngày 5 đến 10/3 âm lịch). Ảnh: Bích Ngọc.

Lễ dâng hương tưởng niệm các Vua Hùng năm nay do tỉnh Phú Thọ tổ chức sẽ diễn ra vào 7 giờ ngày 18/4 (tức mùng 10/3 âm lịch).

Như Ngọc

Nguồn Du lịch TP.HCM: https://tcdulichtphcm.vn/le-hoi/ve-dat-to-xem-le-hoi-lon-chua-tung-co-c9a72047.html