Về "đặc sản kỳ quặc" bún mắng cháo chửi ở Hà Nội: Bán sự xúc phạm thì ai sẽ mua?

Những thứ bún chửi, cháo mắng, phở quát hay chất lượng dịch vụ kém sẽ càng lúc càng “mai một” dần do dân trí cao hơn, khách hàng trải nghiệm nhiều chất lượng dịch vụ cao hơn. Chỉ còn những vị khách hiếu kỳ đến xem “biểu diễn” nhiều hơn là ăn.

Hà Nội vốn đã có “truyền thống lâu đời” về món XÚC PHẠM KHÁCH trong menu với Phở Quát, Bún Chửi , Cháo Mắng. Bún chửi bà Thảo chỉ là một trong số đó. Còn hằng hà sa số những quán khác tương tự bún chửi bà Thảo. Thế nên, là người Hà Nội, chẳng thấy gì ngạc nhiên khi chương trình của Anthony Bourdain đề cập đến. Bởi nếu không phải Anthony Bourdain, chắc chắn sẽ có nhiều người khác làm chương trình về sự “kỳ quặc” nhất hành tinh này. Có thể sẽ không phải bún chửi bà Thảo mà là Phở Quát, Cháo Mắng, Xôi Lườm, Miến Nguýt… đến cả quần áo, giày dép,… cũng có màn “đốt vía” khách. Hà Nội là thế rồi!

Chủ quán bún chửi trả lời khi khách chọn món.

Tôi là người sinh ra và lớn lên ở Hà Nội được 4 đời rồi. Từ thời các cụ tôi, đến ông bà tôi, bố mẹ tôi và ngay chính bản thân tôi đều có nhiều “chất Hà Nội” trong người. Đó là tính “Kẻ Chợ” buôn bán. Cụ tôi, bà tôi, mẹ tôi đều là dân buôn bán phố cổ. Tôi còn nhớ bà tôi có một hiệu guốc Thăng Long nổi tiếng vô cùng ở phố Hàng Bồ. Hồi bé xíu, tôi đã chứng kiến bà mình mắng khách xơi xơi khi khách mua guốc mà kỳ kèo. Khách không kỳ kèo cũng bị mắng. Vậy mà khách vẫn cứ đông. Có hồi, khách xếp hàng để mua guốc của bà dài đến tận đầu phố. Đến mẹ tôi bán kim chỉ phụ kiện may mặc ở Hàng Bồ. Hồi bé, tôi hỏi bà vì sao lại thế, bà bảo bà làm giống cụ thôi. Là một trong những “cô hàng xén” đầu tiên mở ra “ngành buôn bán phụ kiện may mặc” ở Hàng Bồ những năm 1988, 1990. Mẹ tôi cũng hay chửi khách. Tôi hỏi mẹ vì sao lại thế? Mẹ tôi bảo mẹ tôi học từ bà tôi thôi.

Tôi nghĩ nếu như tôi không ra làm báo, tôi cũng giống bạn bè phố cổ của tôi, ở lại bám vỉa hè mở cửa hàng chắc tôi cũng vậy: Cũng chửi khách như hát hay. Hà Nội vốn nhiều những gia đình như gia đình tôi. Hầu như mua hàng hóa, ăn uống ở phố cổ sẽ gặp cái cách bán hàng kiểu đó: Mắng khách xơi xơi. Nhẹ thì im lặng không thèm trả lời khi khách mặc cả. Nguẩy mông bỏ vào trong. Trái ngược hẳn với kiểu đon đả chào mời khách lúc ban đầu. Nặng hơn là “đốt vía” ngay trước mặt khách. Đốt tờ giấy rồi quay nó lòng vòng qua háng năm đến bảy lần. Và chửi. Vậy mà khách vẫn cứ đông. Nhiều khách giận tím mặt nhưng lần sau vẫn đến mua. Hà Nội không hiếm!

Bà chủ quán không ngượng miệng khi đuổi khách đến ăn bún "cút ra khỏi đây".

Ngày xưa tôi kỳ lạ một thì lớn lên, đi nhiều, hiểu nhiều tôi thấy kỳ lạ mười, kỳ lạ trăm. Ngày xưa tôi chỉ nghĩ đó là “nét văn hóa Hà Nội” nhưng đi nhiều hiểu nhiều tôi mới thấy nó là… “đặc sản kỳ quặc của Hà Nội”. Tôi từng đổ lỗi cho thứ thời tiết khắc nghiệt của Hà Nội nói riêng và miền Bắc nói chung đã khiến người Hà Nội trở nên đanh đá.

Tôi cũng từng đổ lỗi cho việc “Kẻ Sĩ Thăng Long” khiến những người “nghệ nhân” Hà Nội trở nên “sang chảnh” vì chỉ mình họ làm ra được những món đặc biệt đến thế. Khách không thể tìm thấy món nào ngon hơn họ làm. Khách phải ăn, phải mua nên bị mắng cũng phải chịu.

Tôi cũng từng đổ lỗi cho nhiều thứ khác nữa nhưng rồi nhận ra sự coi thường khách hàng bắt nguồn từ sự dễ dãi của khách hàng, tâm lý bị ức hiếp, chịu ức hiếp của nhiều khách hàng quá cao. Khách hàng cam chịu và chấp nhận chất lượng phục vụ thấp (thậm chí kém) vì tâm lý được “món hời”. Có khi vì giá rẻ. Thử nâng giá lên đi, nhiều quán bún chửi, phở mắng, cháo quát mất khách vì nâng giá chứ không phải vì chất lượng phục vụ. Có khi vì thiếu tự tin, tâm lý đám đông cứ nghe người ta nói chỗ đó hàng mới chuẩn, ăn mới ngon thì nhất nhất mà nghe, mà tin.

Có những khách mặc kệ bị chửi chỉ để thưởng thức bát bún này có hương vị thế nào.

Việc chửi mắng khách hàng lại trở thành phương tiện truyền thông hữu hiệu để chứng minh rằng đồ ăn ở đó ngon đến nỗi bị chửi mà vẫn phải ăn, hàng chất lượng đến nỗi bị mắng mà vẫn phải mua. Rồi khách người này rỉ tai người nọ, ăn thấy dở chẳng dám chê vì sợ mình khác người khác, khác đám đông. Người thiếu tự tin, sự thua kém bạn bè vẫn thường sống theo đám đông, nghĩ theo đám đông là thế.

Nhưng. Nay là 2016 rồi. Những thứ bún chửi, cháo mắng, phở quát hay chất lượng dịch vụ kém sẽ càng lúc càng “mai một” dần do dân trí cao hơn, khách hàng trải nghiệm nhiều chất lượng dịch vụ cao hơn. Những hàng quán còn tồn dư lại ấy cũng sẽ dần dần mà vãn khách, mà vắng khách. Có đi lại một vòng những quán đó sẽ thấy lượng khách sẽ ít dần. Chỉ còn những vị khách hiếu kỳ đến xem “biểu diễn” nhiều hơn là ăn. Như những đám đông bu quanh tai nạn, va chạm, cãi nhau, chửi nhau, đánh ghen nhau ngoài phố. Chỉ là hiếu kỳ không hơn.

Rồi người Hà Nội đang làm dịch vụ cũng sẽ dần phải thay đổi chất lượng phục vụ nếu như muốn có khách. Tôi đã thấy nhiều ông chủ, bà chủ thay đổi cung cách bán hàng như thế. Và “văn hóa kỳ quặc” sẽ ít dần đi và trở về đúng nghĩa Kỳ Quặc của nó thay vì được “vinh danh” Kỳ Lạ như trước đây. Chỉ là khách hàng tinh và tỉnh hay không? Chỉ là khách hàng thay vì cắm đầu ăn cùng sự xúc phạm sẽ biết ngẩng đầu lên và ngoảy mông đi. Lòng tự trọng của bạn giá bao nhiêu?

*Bài viết thể hiện quan điểm của tác giả*

Nguồn aFamily: http://afamily.vn/ve-dac-san-ky-quac-bun-mang-chao-chui-o-ha-noi-ban-su-xuc-pham-thi-ai-se-mua-20161007025454563.chn