Về cuộc gặp Ngoại trưởng Anh - Trung Quốc

Ngoại trưởng Anh David Cameron sẽ có cuộc gặp quan trọng với người đồng cấp Trung Quốc Vương Nghị ngày 17 và 18/2. Đây là cuộc gặp gỡ đầu tiên của ông Cameron với người đồng cấp Trung Quốc kể từ khi ông được Thủ tướng Anh Rishi Sunak bổ nhiệm làm Bộ trưởng Ngoại giao. Liệu quan hệ Anh-Trung có được 'hâm nóng' lại hay tiếp tục nguội lạnh?

Người của thời “vàng son”

Điểm đáng chú ý nhất của cuộc gặp ngoại giao Anh-Trung chính là việc ông Cameron từng là Thủ tướng Anh. Đối với Trung Quốc, việc ông Cameron quay trở lại chính trường trên cương vị Bộ trưởng Ngoại giao Anh được xem như một dấu hiệu tích cực đáng quan tâm. Ngay sau khi ông Cameron được bổ nhiệm vào trung tuần tháng 11/2023, truyền thông Trung Quốc đồng loạt đưa tin theo chiều hướng tích cực, đánh giá đây là cơ hội tốt cho ngoại giao hai nước. Một bài xã luận trên tờ Global Times cho biết, ông Cameron “có khả năng đóng một vai trò mang tính xây dựng, cả trong việc hàn gắn mối quan hệ của Vương quốc Anh với Trung Quốc cũng như trong việc xây dựng lại và thúc đẩy bối cảnh ngoại giao hậu Brexit của Vương quốc Anh”.

Ông Cameron làm Thủ tướng Anh trong giai đoạn từ năm 2010 đến 2016. Đây được xem là “thời vàng son” của quan hệ Anh-Trung. Khi nhà lãnh đạo Trung Quốc thực hiện chuyến thăm cấp nhà nước tới Vương quốc Anh năm 2015 - một chuyến đi gây nhiều chú ý. Kết quả của chuyến đi đó là việc ký kết các thỏa thuận thương mại và đầu tư ước tính trị giá 30 tỷ bảng Anh.

Ông David Cameron tiếp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình khi còn làm Thủ tướng Anh.

Một trong những diễn biến quan trọng nhất của chuyến thăm đó là quyết định cho phép Trung Quốc tham gia chương trình hạt nhân dân sự của Vương quốc Anh. Tổng Công ty Điện hạt nhân Trung Quốc (CGN), một tập đoàn năng lượng thuộc sở hữu nhà nước, đã đồng ý đầu tư 6 tỷ bảng Anh vào Hinkley Point C, nhà máy điện hạt nhân mới đầu tiên được xây dựng ở Anh trong gần 30 năm. CGN cũng nắm giữ 20% cổ phần trong dự án hạt nhân Sizewell C.

Sau khi rời chức vụ tại số 10 Phố Downing vào năm 2016, ông Cameron đã tham gia thành lập quỹ đầu tư Anh-Trung trị giá 1 tỷ USD, nhằm thúc đẩy sự tham gia của Anh vào sáng kiến Vành đai và Con đường, chính sách đối ngoại hàng đầu của Bắc Kinh nhằm mở rộng ảnh hưởng thương mại và quân sự trên toàn cầu.

Tuy nhiên, quỹ này đã phải bị hủy bỏ khi mối quan hệ giữa Bắc Kinh và London trở nên xấu đi kể từ năm 2018, đặc biệt là sau khi nước Anh chỉ trích Bắc Kinh trong việc xử lý vụ “biểu tình dù” ở Hong Kong. Bên cạnh đó, nước Anh cũng chỉ trích Bắc Kinh trong việc đối xử với cộng đồng người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương, cũng như lo ngại an ninh quốc gia về sự tham gia của Trung Quốc vào cơ sở hạ tầng quan trọng của Anh.

Năm ngoái, khi lên làm Thủ tướng Anh, ông Rishi Sunak tuyên bố “thời vàng son” của quan hệ Anh-Trung đã “kết thúc”, khi Chính phủ Anh mua lại cổ phần của Công ty CGN tại Công ty Sizewell. Tương lai của Hinkley Point cũng có vẻ không chắc chắn khi các nhà lập pháp Anh ngày càng lo ngại về tác động an ninh khoản đầu tư của Trung Quốc vào cơ sở hạ tầng quan trọng của nước Anh.

Ông Cameron cũng bị chỉ trích vì ủng hộ đầu tư của Trung Quốc vào các dự án phát triển cảng ở Sri Lanka. Ông đã phát biểu tại hai sự kiện ở Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất nhằm mục đích thúc đẩy đầu tư vào dự án Port City Colombo, một đặc khu kinh tế ở Sri Lanka do Công ty Kỹ thuật cảng Trung Quốc phát triển.

Nhưng, bất chấp bầu không khí chính trị ngày càng cứng rắn ở Anh, mối quan hệ thương mại với Trung Quốc vẫn được cải thiện trong 5 năm qua. Từ năm 2017 đến năm 2022, giá trị thương mại của Anh với Trung Quốc đã tăng từ 71,3 tỷ bảng lên 112,6 tỷ bảng, mặc dù Anh đã tụt hạng khỏi danh sách đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc trong giai đoạn đó.

Trong bài xã luận của Global Times tháng 11 năm ngoái, các học giả Trung Quốc bày tỏ lo ngại rằng bất chấp việc bổ nhiệm ông Cameron, đảng Bảo thủ sẽ “có xu hướng cứng rắn hơn với Trung Quốc”, ngay cả khi điều đó đi ngược lại lợi ích của Anh.

Ông Cameron đã nói chuyện với ông Vương Nghị qua điện thoại vào ngày 5/12/2023 và đồng ý theo đuổi một “mối quan hệ mang tính xây dựng”. Trong một bài đăng trên X vào thời điểm đó, ông Cameron cho biết: “Vương quốc Anh sẽ tiếp tục hợp tác với Trung Quốc khi điều đó thúc đẩy lợi ích của chúng tôi”.

Những áp lực ngoại giao mới

Kể từ khi trở thành Ngoại trưởng Anh, ông Cameron đã phải chịu áp lực về mối liên hệ của ông với Trung Quốc. Và, trong cuộc gặp sắp tới với ông Vương Nghị, ông Cameron phải đối mặt với áp lực từ phái diều hâu cứng rắn ở Anh đòi ông phải nêu lên những lo ngại về nhân quyền và an ninh quốc gia. Đặc biệt, phái diều hâu tại Anh luôn nhấn mạnh vấn đề người Duy Ngô Nhĩ, các nhóm dân tộc không phải người Hán như người Tạng, vụ xét xử nhà hoạt động Jimmy Lai, người Hong Kong có quốc tịch Anh.

Về phần mình, ông Cameron đã công khai kêu gọi chấm dứt “cuộc truy tố có động cơ chính trị” đối với nhà hoạt động Jimmy Lai. Nhưng, trong các cuộc phỏng vấn riêng, ông nhấn mạnh tầm quan trọng của việc hợp tác với Trung Quốc.

Tờ Global Times của Trung Quốc viết: “Cách tiếp cận thực dụng của ông Cameron đối với Trung Quốc trong quá khứ có thể mâu thuẫn với lập trường ngày càng cứng rắn của đảng Bảo thủ ngày nay, và giờ đây ông ấy phải đối mặt với một tình hình địa chính trị căng thẳng, phức tạp hơn”.

Với những áp lực ngoại giao mới này, liệu ông Cameron sẽ khẳng định được vai trò của mình trong việc làm “ấm lại” mối quan hệ hai nước Anh-Trung qua cuộc gặp với người đồng cấp Trung Quốc sắp tới, hay phải thuận theo áp lực từ phái cứng rắn trong nước để quan hệ hai bên tiếp tục nguội lạnh?

Trương Hùng (Tổng hợp)

Nguồn ANTG: https://antg.cand.com.vn/su-kien-binh-luan-antg/ve-cuoc-gap-ngoai-truong-anh-trung-quoc-i723004/