Về chung một nhà

Gần hai tháng nay vợ chồng Thương sống ly thân. Thương quyết định dắt hai con ra khỏi nhà, lên thị trấn thuê một căn nhà nhỏ để bắt đầu cuộc sống mới, không có Thuận.

Thương quyết định dùng “biện pháp mạnh” với hy vọng chồng có thể thay đổi, tu chí làm ăn để cùng nhau nuôi dạy hai đứa con nên người thì cuộc hôn nhân của họ mới có cơ hội hàn gắn. Sức chịu đựng có giới hạn nên Thương cương quyết dứt áo ra đi để hai vợ chồng có thời gian bình tâm suy xét xem họ có thể sống bên nhau mãi mãi được không.

Hai người yêu nhau từ hồi còn là sinh viên đại học. Thuận giỏi giang, đẹp trai, ga lăng nên Thương dễ xiêu lòng. Ra trường, Thương chưa xin được việc đã gật đầu theo Thuận về quê. Dù là gái thành phố chính hiệu nhưng Thương chấp nhận rời xa phố thị, về sống ở miền quê hẻo lánh. Sau này chính chú ruột của Thuận đã xin việc cho Thương, cái ơn ấy đến giờ Thương vẫn còn nhớ nên nhà chú hễ có công to việc lớn nào là Thương đều xắn tay vào làm giúp, coi việc nhà chú như việc nhà mình. Chú khuyên gì Thương vẫn lắng nghe, lần nào hai vợ chồng xích mích, mâu thuẫn, chú đều đứng ra hòa giải nhưng lần này chú ủng hộ quyết định của Thương. Chú bảo: “Phải cương quyết mới được, gần bốn mươi tuổi đầu mà thằng đàn ông vẫn thích lêu lổng, không chịu tu chí thì bỏ cũng không tiếc cháu ạ!”.

Lúc yêu nhau thì vượt qua mọi trở ngại, Thuận thường nói những lời có cánh, những cử chỉ quan tâm, yêu chiều dành cho Thương nhưng từ khi về chung một nhà rồi thì bao nhiêu thói hư tật xấu của Thuận mới dần dần bộc lộ ra. Thuận là con trai một, bố mất sớm nên được mẹ nuông chiều từ bé, cưng như cục vàng, chăm chút như chăm một đứa trẻ, từ bữa ăn đến giấc ngủ. Thương cảm thấy khó chịu vì sự nuông chiều con trai thái quá của mẹ chồng nhưng góp ý thế nào cũng không được. Thuận sinh ra ỷ lại, làm được bao nhiêu tiền lương thì tiêu hết bấy nhiêu, thậm chí còn sa vào lô đề, cờ bạc, mắc nợ hàng trăm triệu đồng. Thương cứ nai lưng ra làm để trả nợ đậy cho chồng. Hễ Thương nhắc đến trách nhiệm của người đàn ông trụ cột trong gia đình, trách nhiệm của người chồng, người cha là y như rằng Thuận sẽ nổi khùng lên:

- Cô lúc nào cũng tiền, tiền với tiền.

- Không có tiền thì uống nước lã với hít không khí mà sống được à? Anh phải góp tiền nuôi con chứ. Anh còn để vợ anh nuôi anh đến bao giờ nữa.

Vợ chồng Thương va chạm, cãi nhau cũng chỉ vì chuyện tiền nong như thế. Một mình Thương phải gánh vác kinh tế cho cả gia đình, từ việc nhỏ đến việc lớn, từ chi tiêu ăn uống đến học hành, cỗ bàn… không biết bao nhiêu khoản phải lo. Nhiều lúc Thương nhịn chồng như nhịn cơm sống, hễ rảnh rỗi là Thương tìm việc làm thêm. Thương đảm đang, hoạt bát nên thu nhập cũng kha khá. Tích cóp được bao nhiêu thì Thuận lại chơi bời, phá hết bấy nhiêu. Nhiều lúc Thương nản, nghĩ công lao của mình đổ xuống sông xuống biển, chỉ muốn buông tay cho nhẹ nợ nhưng nghĩ đến hai đứa con lại nhắm mắt, gồng mình để lo toan, kiếm sống.

Buổi tối, Thương vẫn nhận việc làm thêm online tại nhà, đến lúc ngả lưng xuống giường thì mệt rã rời, thiếp đi lúc nào không biết. Vợ chồng cứ thế lạnh nhạt dần với nhau, ăn cùng mâm, ngủ cùng giường nhưng chẳng mấy khi trò chuyện, tâm tình. Vì thế Thuận có người đàn bà khác lúc nào mà Thương chẳng hề hay biết, đến khi cơ quan đồn ầm lên thì Thương mới giật mình, tìm hiểu. Thuận cặp với con bé vừa bỏ chồng, bán quán ăn sáng. Thương uất ức, vì Thuận lười nhác, cục cằn, thiếu trách nhiệm còn có thể bỏ qua nhưng đằng này Thuận phản bội thì Thương không thể chấp nhận được. Thương dắt hai con ra khỏi nhà trong sự níu giữ của mẹ chồng:

- Mẹ xin con hãy bình tâm lại, đàn ông nó chỉ chơi bời qua đường thôi. Vợ cái con cột, con cứ ở đây, không phải đi đâu hết.

Thương không nhẫn nhịn được nữa mà thẳng thắn nói với mẹ chồng:

- Nếu mẹ vẫn tiếp tục nuông chiều và hậu thuẫn thì anh Thuận không thể trưởng thành được đâu.

Bạn bè thân thiết giúp ba mẹ con Thương dọn dẹp, sắp xếp lại ngôi nhà thuê gọn gàng, ngăn nắp để ổn định cuộc sống. Từ hôm chuyển nhà, thi thoảng Thuận lại tạt qua, mua đồ ăn cho ba mẹ con rồi lân la nấu nướng, ở lại ăn cùng. Vì con nên Thương vẫn để chồng ăn cùng các con. Tuần trước, Thuận cũng nhận việc đi họp phụ huynh cho con, tự móc tiền túi đóng học cho con. Thương nhận thấy chồng bắt đầu thay đổi nên tờ đơn ly hôn vẫn ở trong máy vi tính, chưa in ra.

Chiều nay, mẹ chồng Thương lên thăm cháu, rủ rỉ khuyên ba mẹ con dọn về quê ở để cả nhà được quây quần, đoàn tụ, con cái có đủ cha đủ mẹ. Bà còn rỉ tai Thương:

- Con bé bán ăn sáng lấy chồng rồi, con không tin cứ đi kiểm tra, vừa cưới hôm chủ nhật xong.

Thương im lặng, nhìn theo bóng dáng lầm lũi của mẹ chồng. Hai đứa con chạy lại, níu cánh tay Thương, con lớn thủ thỉ: Mẹ cho chúng con về quê với bà, với bố, mẹ nhé!

Nghe hai đứa con nói thế, Thương lại mủi lòng, ôm hai con và hứa:

- Được rồi, chúng ta sẽ về chung một nhà nhé!

NAM HỒNG

Nguồn Hải Dương: http://baohaiduong.vn/doi-song/ve-chung-mot-nha-196035