Về chốn bình yên, chọn làm nông nghiệp tử tế

Câu chuyện khởi nghiệp với nông nghiệp của vợ chồng Lê Đình Quả và Lê Thị Thanh Thủy dễ truyền cảm hứng, nhưng phía sau đồng nội lãng mạn đầy rau xanh, trái ngọt ấy từng là những thất bại, khó khăn tưởng như không thể vượt qua.

Năm 2016, khi những câu chuyện bỏ phố về vườn còn chưa thịnh hành như bây giờ, một cặp vợ chồng trẻ có học hành bài bản, công việc ổn định, lương 'ngàn đô', lựa chọn bỏ việc để về với ruộng đồng. Câu chuyện tưởng như chỉ có trong những cuốn sách truyền cảm hứng nhưng lại có thật.

Bán nhà, về vườn

Gần 8 năm kể từ ngày quyết định bị nhiều người đánh giá là điên rồ ấy được đưa ra, những cánh đồng đất cằn nay đã hóa trang trại xanh mướt, với đủ các loại rau, củ VietGAP, hữu cơ làm không đủ bán.

Hai nhân vật chính trong câu chuyện ấy là anh Lê Đình Quả và chị Lê Thị Thanh Thủy, cặp vợ chồng quê xã Hòa Trạch, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình, từng là nghiên cứu viên tại Viện Khoa học kỹ thuật nông nghiệp duyên hải Nam Trung bộ (TP.Quy Nhơn, Bình Định).

Trang trại của vợ chồng anh Lê Đình Quả 100% là các loại thực phẩm hữu cơ, thuần tự nhiên.

Anh Quả chia sẻ, rất nhiều người đã hỏi anh sao tự nhiên lại có một quyết định kỳ lạ thế? Nhưng theo anh, mọi chuyện bắt đầu đều có lý do, không có gì là tự nhiên. Sau gần 10 năm làm công tác nghiên cứu, đi nhiều nơi, gặp nhiều người, anh và bạn đời thấy ám ảnh với nông nghiệp lạm dụng hóa chất.

“Làm việc tại viện nghiên cứu, chúng tôi nhận thức rõ thực trạng sản xuất rau, củ, quả dùng quá nhiều chất kích thích tăng trưởng, thuốc trừ sâu, diệt cỏ, phân bón hóa học, giống biến đổi gen... đẩy nông nghiệp vào vòng xoáy hóa chất, đất đai bạc màu, ô nhiễm môi trường”, anh Quả nói.

Chính hiện thực tàn khốc, đau đớn ấy đã thôi thúc hai vợ chồng anh phải làm gì đó. Nhưng làm gì là làm gì? Câu hỏi này khiến “cặp đôi họ Lê” phải mất nhiều năm tìm tòi, tích lũy để tìm ra câu trả lời.

Thế rồi, năm 2016, anh Quả, chị Thủy quyết định bán nhà ở phố biển Quy Nhơn mộng mơ để trở về quê hương dấn thân vào làm nông nghiệp sạch, một “cuộc chơi” đầy thách thức, gai góc.

Khoản tiền 600 triệu đồng từ bán nhà, theo Lê Đình Quả, chỉ đủ để vợ chồng anh mua một mảnh đất rộng 3 ha. Mọi chi phí còn lại để xây dựng trang trại đều phải đi vay mượn. Sau những khó khăn về tiền lại đến những khó khăn trong quá trình sản xuất.

Làm nông không thể mộng mơ

Nhận bó rau hữu cơ từ tay chồng, chị Thủy vừa bỏ vào giỏ vừa kể, lúc mới nhận khu vườn, cả hai vợ chồng đều không biết phải bắt đầu từ đâu. Rồi những nhát cuốc đầu tiên được thực hiện, những con giống bắt đầu được gieo xuống, nhưng thổ nhưỡng, thời tiết địa phương vô cùng khắc nghiệt.

“Đất toàn sỏi đá, chúng tôi phải cày lên rồi nhặt từng viên một, sau đó cải tạo lại. Sau đất đai là thời tiết, khí hậu vô cùng khó chịu. Những trận gió Lào nóng khủng khiếp gần như khiến các loại rau, củ không thể sống nổi, sinh trưởng vô cùng khó”, chị Thủy nhớ lại.

Những khó khăn về khí hậu, thổ nhưỡng đã khiến vợ chồng xứ Quảng mất tới 3 năm để giải hết bài toán nan giải, số tiền thu về bằng 0. Trước hết, hai vợ chồng xây dựng một vành đai chắn gió bằng cách trồng các loại cây lâm sản dài ngày để che chắn gió cho cây nông nghiệp ngắn ngày.

Đồng thời, anh chị lao vào nghiên cứu các loại cây có thể sống tốt tại môi trường khắc nghiệt mà không phụ thuộc vào hóa chất. “Làm nông không có chỗ cho mộng mơ, chúng ta phải thực sự kiên trì, không đủ quyết tâm là thất bại liền”, anh Quả bộc bạch.

Dù đối diện với nhiều khó khăn, vợ chồng anh Quả, chị Thủy vẫn chọn làm nông nghiệp tử tế.

Sau những nỗ lực để tìm ra lời giải cho bài toán sản xuất, những khu sản xuất hữu cơ trên trang trại rộng 3ha bắt đầu hình thành, cho thu hoạch. Đến lúc này, vợ chồng anh Quả lại đối diện với vấn đề tiêu thụ, tìm kiếm thị trường.

Anh Quả cho biết thời gian đầu, có những ngày anh phải chạy hơn 10 cây số chỉ để giao một bó rau cho khách hàng, giá bán rau không đủ bù tiền xăng, chứ chưa nói đến tiền công. Nhưng anh chấp nhận đánh đổi để có được những “khách ruột” đầu tiên.

“Khách đặt hàng nghĩa là họ tin tưởng mình, vì vậy dù đơn hàng nhỏ, chúng tôi cũng cố gắng giao hàng nhanh nhất, chất lượng cao nhất. Đây là nền móng để chúng tôi xây dựng thương hiệu”, anh Lê Đình Quả tâm sự.

Chìa khóa thành công

Sau những khó khăn ban đầu, nhờ sự nỗ lực không biết mệt mỏi, sáng tạo không ngừng, trang trại An Nông Farm của đôi vợ chồng xứ Quảng ngày càng gặt hái nhiều thành công. Những đơn hàng cứ thế nhân lên, đơn hàng sau lớn hơn đơn hàng trước.

Hiện, trung bình mỗi tháng, An Nông Farm xuất bán ra thị trường từ 5 đến 6 tấn nông sản chất lượng cao. 100% sản phẩm được canh tác theo nguyên tắc "5 không" (không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, không sử dụng thuốc trừ cỏ, không sử dụng chất kích thích tăng trưởng, không có dư lượng kim loại nặng, không sử dụng giống biến đổi gen).

Đã 6 năm trôi qua, nguyên tắc không thay đổi của vợ chồng anh Quả, chị Thủy khi làm nông nghiệp là nương dựa vào tự nhiên để gieo trồng, lấy tự nhiên nuôi tự nhiên, không sử dụng bất kỳ hóa chất nào dù là các loại bảo vệ thực vật hữu cơ.

Điều rất đặc biệt, dù là "nông dân" nhưng tất cả các khâu trồng, chăm bón cây, thông số về đất, đặc tính từng khóm vườn được hai vợ chồng ghi chép, phân tích và đóng thành tệp y hệt một chuyên gia nông nghiệp đang thực nghiệm một cánh đồng.

Quảng Bình là một trong những “rốn lũ” của miền Trung, mỗi năm đón cả chục cơn bão, rồi ngập lụt, gió Lào... nhưng dù thời tiết bất lợi hay dịch bệnh thế nào, những đám cây tại trang trại An Nông Farm nhờ được chăm bón theo kiến thức nông nghiệp khác biệt luôn cho năng suất cao vượt trội.

Phát triển nông nghiệp trên nền tảng an toàn sinh thái cũng giúp trang trại của An Nông Farm trở thành điểm đến tham quan trải nghiệm của nhiều đoàn khách trong và ngoài địa phương, đặc biệt là các đoàn học sinh từ các trường học trên địa bàn. Du lịch sinh thái cũng là hướng đi được ông bà chủ trang trại hướng tới.

Những ngày chuẩn bị vào Tết, chị Thủy, anh Quả lại đang tất tả lội vườn, chuẩn bị các loại rau ăn lá, rau gia vị, trái cây hữu cơ cho khách hàng trong mùa cao điểm. “Tôi thực sự hạnh phúc với những gì mình đang làm. Trong tương lai, tôi mong muốn sẽ có thêm nhiều trí thức, người dân làm cùng mình để tạo nên một nền nông nghiệp bền vững, bứt phá”, anh Lê Đình Quả chia sẻ.

Biên Sơn

Nông nghiệp thuận tự nhiên

Nông nghiệp thuận tự nhiên (Natural Farming) là một thuật ngữ nói về việc tiếp cận nông nghiệp sinh thái, được đưa ra bởi Masanobu Fukuoka (1913-2008), một nông dân người Nhật Bản và cũng là một nhà triết học đã mô tả cách canh tác của mình là "Nông hóa tự nhiên" (theo tiếng Nhật).

Ở Việt Nam, nông nghiệp tự nhiên đã xuất hiện từ vài năm trở lại đây nhưng chưa thực sự phổ biến. Phương pháp này còn được biết đến như là "phương pháp Fukuoka", "Con đường nông nghiệp tự nhiên", hay "Nông nghiệp không tác động". Nông nghiệp tự nhiên cũng được xem như là nông nghiệp sinh thái và có liên quan đến canh tác màu mỡ, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp bền vững.

Hệ thống nông nghiệp tự nhiên khai thác sự phức tạp của các sinh vật sống tạo nên hình thái sinh thái riêng. Fukuoka nhận thấy nông nghiệp không chỉ là để sản xuất lương thực mà còn là cuộc sống về tinh thần và thẩm mĩ, và mục tiêu cuối cùng là "canh tác và hoàn thiện con người". Ông gợi ý nông dân có thể hưởng lợi từ những quan sát chặt chẽ với điều kiện địa phương.

Theo Fukuoka, chúng ta trở thành nông dân không phải là để chinh phục tự nhiên như ngộ nhận của nhiều người, trái lại, là để học từ tự nhiên và vay mượn từ đó lương thực cho mình, rồi phải trả lại cho tự nhiên cơ hội phát triển tiếp.

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//kinh-doanh-xanh/ve-chon-binh-yen-chon-lam-nong-nghiep-tu-te-1097734.html