Về Cà Mau ngọt ngào tôm cá

Thiên nhiên ưu đãi tồn tại 3 hệ sinh thái mặn – ngọt –lợ, vùng đất Cà Mau có nguồn tài nguyên, sản vật tự nhiên phong phú, nên từ lâu văn hóa ẩm thực nơi đây từ lâu đã mang đậm nét Nam bộ mộc mạc dân dã, đa dạng, gắn liền với con cá con tôm.

Tôm sú Cà Mau (Hoàng Nam)

Nằm ở nơi cực Nam Tổ quốc, Cà Mau là miền đất trù phú với rừng vàng, biển bạc và sông ngòi chằng chịt. Hệ sinh thái mặn- ngọt lợ đa dạng cùng với sự khéo léo, sáng tạo của người dân địa phương đã tạo nên một nền văn hóa ẩm thực riêng biệt, khiến những du khách từng thưởng thức đều không khỏi vương vấn nhớ thương.

Vùng đất Cà Mau xưa nức tiếng xứ Nam Kỳ về nguồn lợi cá đồng. Trước 1975 đất rộng, người thưa, cá đồng ở Cà Mau nhiều vô số kể đến mức “ở đâu có nước là có cá, có tôm.”

Sản vật cá đồng vùng ngọt hóa Cà Mau (Hoàng Nam)

Hệ sinh thái mặn – lợ

Hệ sinh thái mặn và rừng ngập mặn Cà Mau vô cùng phong phú đa dạng. Hiện nay, mặc dù diện tích đã thu hẹp do chuyển đổi sản xuất, nhưng hệ sinh thái nơi đây vẫn không mất đi bản sắc vốn có với những sản vật đặc trưng như nghêu, sò, ốc…

Cá nâu nướng (Hoàng Nam)

Con tôm con cá ở hệ sinh thái mặn – lợ ở Cà Mau đặc biệt hơn những nơi khác, chúng có độ ngọt tự nhiên là lượng dinh dưỡng cao hơn tôm cá cùng loại ở địa phương khác. Theo các cụ cao niên, nguyên nhân chủ yếu từ yếu tố địa chất được cấu thành từ thiên nhiên ban tặng, đó là phù sa từ các dòng hải lưu lắng đọng và tích tụ lại tại Bán đảo Cà Mau, tập trung nhất là khu vực gần Mũi Cà Mau. Chính vì thế, con tôm – cua - cá nơi đây từ lâu đã nổi tiếng từ trăm năm với những sản vật tiêu biểu: tôm sắt (tôm sú ngoài biển), tôm sú Cà Mau, cua Cà Mau, ba khía Rạch Gốc, tôm đất, cá dứa biển và cá dứa nước lợ ăn trái mắm, cá đường Rạch Gốc, cá rún Năm Căn…

Cá nâu kho trái giác, sản vật nổi tiếng vùng sinh thái mặn - lợ Cà Mau. (Hoàng Nam)

Trãi qua nhiều năm, những sản vật trên vẫn tồn tại nguyên vẹn chất lượng và danh tiếng với thực khách trong ngoài nước. Trở thành một ngành kinh tế mũi nhọn của Cà Mau thu về hơn 1 tỷ USD hàng năm. Vì thế, tôm cá nơi đây đã được sống và phát triển dưới những tán rừng đước ngập mặn nguyên sinh, trong hệ sinh thái nức mặn – lợ tự nhiên vốn có.

Đến Cà Mau, du khách hãy gọi những món ăn gắn liền với ẩm thực vùng đất phương Nam xa xôi. Có thể gọi món cá thòi lòi biết leo cây nướng muối ớt, hay món cá nâu kho trái giác chấm dưa bồn bồn, cá dứa biển kho nước dừa, tôm hấp nước dừa. Hoặc đơn giản và nhanh nhất, bắt nhưng con tôm sú đặt lên than hồng để nướng chấm muối ớt, ăn kèm với rau rừng, nhấp thêm ly rượu trắng, sẽ cảm nhận cái tươi mềm dai của con tôm, nghe lẫn chút nắng gió của những cánh rừng ngập mặn Cà Mau trong vị ngọt của con tôm sú Cà Mau.

Tôm sú rang muối (Hoàng Nam)

Anh Tiết Thanh Minh, Việt kiều đang sống tại Sanoje Mỹ kể: “Nhiều khách du lịch Mỹ đã từng công nhận, con tôm sú Cà Mau có vị ngọt đặc trưng riêng biệt, nên đã được người tiêu dùng ở thị trường nước này yêu thích hàng chục năm qua.”

Ngọt ngào U Minh

U Minh, cái tên đã đủ thể hiện một nét riêng biệt của hệ sinh thái nước ngọt vốn có đã tồn tại từ thưở hồng hoang. Đi kèm với nó, là hệ sinh thái rừng tràm ngập nước với động thực vật đa dạng phong phú. Nơi đó vẫn còn lưu giữ những loài vật muôn thú của rừng nước ngọt như rắn rùa, chồn, chim… Nhưng, nổi tiếng nhất vẫn là cá - tôm của rừng U Minh hạ nói riêng và hệ sinh thái nước ngọt Cà Mau.

Tôm càng xanh Cà Mau (Hoàng Nam)

Là tỉnh duy nhất ở ĐBSCL chưa từng được dòng Mekong tưới ngọt, vùng ngọt hóa Cà Mau hiện đang được tỉnh giữ gìn nghiêm ngặt, nhằm bảo tồn cho các thế hệ con cháu một món quà vô giá của thiên nhiên ban tặng.

Nhiều năm nay, tỉnh Cà Mau đều có kế hoạch bảo tồn, duy trì sản xuất nguồn cá đồng tại vùng ngọt hóa. Hàng năm Cà Mau cung cấp cho thị trường hàng chục ngàn tấn cá đồng tự nhiên cho thị trường trong ngoài nước. Chính vì vậy, cá đồng Cà Mau đã tạo nên những sản vật nổi tiếng như: khô bổi U Minh, cá lóc đồng U Minh, cá rô U Minh, mắm Thới Bình, mắm U Minh….

Vùng ngọt hóa Cà Mau hiện còn đang đưa vào sản xuất vụ lúa vụ tôm với sản vật là con tôm càng. Hiện con tôm càng sống trên vùng lúa ST24, ST25 đã tạo nên một luồng gió mới phát triển kinh tế cho người dân. Thảm thực vật vùng ngọt đã nuôi lớn con tôm càng sinh sôi nảy nở và phát triển, ngoài tạo thu nhập người dân mà còn tao ra sản vật tôm càng xanh, tôm càng lửa.

Tôm sú nướng (Hoàng Nam)

Người Cà Mau đặc biệt yêu thích các món nướng, nên có câu: “nhất nướng, nhì chiên, tam xào, tứ luộc”, trong đó nướng trui là một cách chế biến có từ thời khai khẩn Cà Mau. Món này có cách chế biến không cầu kỳ, tinh tế, nhưng lại giữ được hương vị tươi ngon của các nguyên liệu. Đến vùng ngọt hóa Cà Mau, những món ngon từ tôm càng, cá đồng sẽ làm bạn bối rối khi chọn lựa món. Cứ chọn món tôm càng, cá lóc nướng trui bằng rơm ăn kèm muối ớt rau rừng U Minh, thêm ly rượu trái giác từ rừng. Du khách sẽ cảm nhận cái hoang sơ của vùng đất phương Nam qua làn khói lam chiều.

Nhưng vẫn còn một món ăn nức tiếng nữa của U Minh Hạ du khách phải thử là lẩu mắm cá đồng. Với hương vị đặc trưng của nước lẩu được nấu bằng mắm cá sặc, hòa cùng mùi thơm từ sả băm nhuyễn và các loại rau gia vị khiến mùi vị thêm nồng nàn, hấp dẫn. Cái ngon của lẩu mắm nào chỉ đến từ những nguyên liệu đậm vị Cà Mau, mà còn đến từ tấm lòng thơm thảo, hiếu khách của người dân nơi đây. Để thưởng thức món Lẩu Mắm U Minh, thực khách buộc phải “khai mở” toàn bộ giác quan từ đến khứu giác, vị giác, thị giác, xúc giác. Cảm nhận đầu tiên, đó là mùi mắm cá sặc thơm nồng đặc trưng vốn có của nơi cuối trời Đất Phương Nam. Món ăn lẩu mắm U Minh đã lập kỷ lục theo bộ tiêu chí giá trị ẩm thực Châu Á được xác lập trong tháng 8/2022.

Tôm - cá làm du lịch

Con tôm con cá Cà Mau xưa kia đi vào thơ ca, nay ngoài việc trở thành một thế mạnh để quê hương phát triển kinh tế bền vững, mà còn góp phần thúc đẩy phát triển du lịch, ẩm thực của Cà Mau.. Ông Trần Hiếu Hùng, Giám đốc Sở VHTT&DL tỉnh Cà Mau cho biết: “Trong những năm qua, Cà Mau đã không ngừng đấy mạnh công tác thông tin, xúc tiến điểm đến thông qua các chương trình, sự kiện, hoạt động về văn hóa ẩm thực của địa phương.”

Ngoài ra, Cà Mau cũng chủ động trong việc duy trì và phát huy nét văn hóa ẩm thực truyền thống của địa phương thông qua việc tổ chức các hội thi về ẩm thực hàng năm và thu hút nhiều đơn vị kinh doanh du lịch, ẩm thực trong tỉnh đến tham dự. “Từ các hội thi, người dân địa phương và khách du lịch có dịp tìm hiểu sâu sắc hơn những nét đặc trưng cũng như sự phong phú và đa dạng của ẩm thực Cà Mau. Đây được coi là một trong những kênh thông tin hữu hiệu quảng bá trực quan sinh động nhất về hình ảnh Du lịch Cà Mau thông qua những món ngon quê nhà” – ông Hùng nói thêm.

Cá lóc đồng U Minh nướng trui.

Có thể nói, trên hành trình khám phá vùng đất địa đầu cực Nam của Tổ quốc, du khách sẽ choáng ngợp trước không gian bao la bát ngát của rừng tràm ngập nước ngọt, rừng đước ngập mặn. Được cảm nhận lối sống dân dã của người dân xứ biển, hòa nhịp với những âm điệu dân gian qua truyện kể Bác Ba Phi, đờn ca tài tử; trải nghiệm mua sắm ở những khu chợ ven sông, ven biển; trở về những ký ức hào hùng thông qua những giai thoại lịch sử của địa phương… Nhưng tất cả sẽ không bao giờ đủ, nếu thiếu đi không gian văn hóa ẩm thực trong mỗi sản phẩm du lịch mà du khách trải nghiệm, mà trong đó gắn liền với những món ăn nơi đây bao giờ cũng có cá – tôm.

Hoàng Nam

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/ve-ca-mau-ngot-ngao-tom-ca.html