Về Bắc Ninh đi phiên chợ ma mị, mỗi năm chỉ họp một lần

Đêm mùng 4, rạng sáng mùng 5 tháng Giêng, người dân lại nô nức về chợ Âm Dương ở Bắc Ninh. Mỗi năm, chợ chỉ họp một lần vào đêm.

Theo tài liệu còn lưu giữ lại, năm Nhâm Dần (năm 43) sau Công nguyên, nhà Hán lệnh cho Mã Viện đem quân sang đánh Hai Bà Trưng. Quân giặc đánh đến trấn Vũ Ninh, huyện Tiên Du (tỉnh Bắc Ninh) đã gặp quân của Hai Bà và xảy ra trận kịch chiến, nhiều quân lính đã hy sinh.

Sau trận chiến, thân nhân của những người lính đó đã về tìm kiếm người thân vào dịp sau Tết Nguyên đán. Họ đến bãi chiến trường để thắp hương và hóa vàng mã cho người thân. Dần dần, người dân quan niệm, cửa âm phủ một năm chỉ mở một lần vào đêm mùng 4, rạng ngày mùng 5 tháng Giêng hàng năm cho người dưới âm lên gặp người thân của mình trên trần gian, từ đó có chợ Âm Dương.

Năm 2022, chợ Âm Dương ở làng Ó (khu Xuân Ổ, phường Võ Cường, Bắc Ninh) đã được phục dựng nhằm bảo tồn, giữ gìn một sinh hoạt văn hóa đặc sắc, riêng có ở vùng Kinh Bắc, đáp ứng nguyện vọng của cộng đồng người dân địa phương

Chợ họp trên một bãi đất trống, cạnh một ngôi đền trong làng. Tại đây, mọi người cùng cầu siêu cho những người đã khuất và cầu cho năm mới bình an, may mắn

Người dân tin rằng, hòa lẫn trong dòng người đến phiên chợ đêm sẽ có cả hương hồn của ông cha, người thân hiện về tìm gặp lại gia đình. Đi chợ Âm Dương cũng là một hình thức để an ủi, động viên nhau xua tan đi nỗi buồn, thương nhớ người thân đã khuất

Chợ Âm Dương còn mang mục đích "mua may, bán rủi". Trong chợ, người mua không ai mặc cả, người bán không đếm lại tiền người mua trả

Ngay lối vào chợ, các quầy buôn bán đồ vàng hương, gạo, muối, bật lửa... để đốt cho người đã khuất. Ngoài ra còn bán thêm trầu têm cánh phượng, hoa quả, bỏng gạo...

Như quan niệm xưa, người sống sẽ thắp hương, đốt nến hoặc ngọn đèn dầu để kết nối với thế giới bên kia

Sau khi thắp hương cầu khấn xong, họ liền hóa vàng ở cuối chợ. Việc làm đó giống như đồng tiền được trao tay

Họ tin rằng, lúc này người thân của họ đang ở đâu đó rất gần và nhận được hầu hết những đồng tiền vàng được gửi ở thời khắc này

Gà đen, biểu tượng cho sự thần bí, tâm linh, một loại hàng đặc biệt ở chợ

Với quan niệm gà đen sẽ hứng chịu mọi vận đen cho gia chủ, và thường đa số những chú gà này sẽ được người mua phóng sinh vào những ngày hôm sau

Năm nay, khoảng 400 con gà đen được chuẩn bị giao dịch trong phiên chợ. Chỉ những người thực sự may mắn mới có thể chen chân và chọn cho mình một con gà đen như lộc đầu năm mang về

Cầm trên tay giỏ đựng gà đen vừa mua được, anh Nguyễn Văn Quý (ở huyện Quế Võ, Bắc Ninh) phấn khởi chia sẻ, kể từ khi phiên chợ Âm Dương được phục dựng lại thì đây là lần thứ 2 anh Quý mua được gà. Để có một con gà đen năm nay, anh thành tâm gửi 470.000 đồng sau khi mất nhiều thời gian chờ đợi, vì có quá đông người xếp hàng.

Anh Việt, chị Hương (ở quận Long Biên, Hà Nội) đến chợ từ lúc nhá nhem tối và xếp hàng mua được 4 gà đen cho gia đình. Chị Hương cho biết, sau khi đọc báo thấy có phiên chợ độc đáo, gia đình quyết tâm mua bằng được gà đen để cầu may

Đặc biệt, tại chợ chỉ thắp đèn dầu hoặc nến, cấm dùng mọi loại ánh sáng đèn điện nên khu chợ tối đen như mực, nhiều người phải chen chúc nhau, lần mò đường để di chuyển

Những người đi chợ không nói cười ồn ào vì sợ những linh hồn hoảng sợ, làm mất đi sự tôn nghiêm của không gian trong chợ.

Chí Tâm - Thế Đại

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/ve-bac-ninh-di-phien-cho-ma-mi-moi-nam-chi-hop-mot-lan-303319.html