Về Bà Bái tìm lại dấu xưa

Bà Bái là tên gọi dân gian, địa phương của căn cứ Tỉnh ủy Cần Thơ thời chiến tranh, tọa lạc tại ấp Phương Quới, xã Phương Bình, huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang. Đây là căn cứ đầu não của Tỉnh ủy Cần Thơ, nơi chỉ đạo các hoạt động đấu tranh chính trị, vũ trang của quân dân Cần Thơ trước ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, thời gian từ năm 1972- 1975.

Chúng tôi theo Quốc lộ 61 hướng về Vị Thanh (Hậu Giang). Qua thị trấn Cái Tắc khoảng 20km, đến ngã ba Cầu Mống rẽ vào TL 927 chừng 8km, chúng tôi đến Khu di tích căn cứ Tỉnh ủy Cần Thơ. Hai bên con đường nhựa phẳng lì rộng rãi là những hàng bạch đàn cao vút tỏa bóng, che mát rượi lối đi. Những ruộng mía xanh bạt ngàn trải dài xa mút mắt. Du khách khó có thể hình dung được vùng đất này một thời là bãi chiến trường ác liệt, ruộng vườn hoang hóa, quân giặc càn quét, pháo chụp, bom bừa ngày đêm như cơm bữa. Nhưng con người thì vẫn tồn tại và chiến đấu!

Khu di tích căn cứ Tỉnh ủy Cần Thơ đóng trên nền đất của “Bà Bái” là một địa chủ thời Pháp thuộc. Toàn bộ khu căn cứ được xây dựng trên khoảng đất vườn rộng hơn 6ha, giữa những con kênh bao bọc như những chiến hào thiên nhiên, ấy là: kênh Xáng, Lái Hiếu, kênh Cả Cường, kênh Cũ và kênh Bà Bái.

Căn cứ Bà Bái là nơi xuất phát của các đồng chí trong Ban Chấp hành tỉnh Đảng bộ Cần Thơ, chỉ huy các lực lượng vũ trang tiến công về Cần Thơ, Vị Thanh và các mục tiêu trọng điểm khác trong chiến dịch Tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân năm 1975.

Thời điểm những năm gần ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, nhất là sau hiệp định Paris 1973, quân địch đã mở nhiều cuộc hành quân càn quét quy mô với nhiều thứ quân (sư 9, sư 21, sư 7, Biệt động quân, Thiết giáp, quân địa phương của các tỉnh Phong Dinh, Chương Thiện, Sóc Trăng, Bạc Liêu) từ nhiều hướng với sự chi viện của các giàn pháo 105,155 li đóng ở Long Mỹ, Cái Tắc, Phụng Hiệp. Máy bay chiến đấu của địch thực hiện ném bom hàng trăm phi vụ…

Đỉnh cao ác liệt nhất là vào tháng 6 năm 1973, địch huy động đến 75 tiểu đoàn trên chiến trường Phụng Hiệp – Long Mỹ; riêng khu vực Lái Hiếu, xã Phương Bình, quân giặc tập trung hàng chục tiểu đoàn càn quét ác liệt, hòng đánh bật Tỉnh ủy ra khỏi địa bàn. Nhưng Tỉnh ủy Cần Thơ vẫn kiên cường đứng vững nơi căn cứ, lãnh đạo quân dân địa phương đánh bại, bẻ gãy nhiều đợt càn quét, lấn chiếm, bức rút, tiêu diệt nhiều đơn vị, đồn bót của địch, phá hủy và tịch thu được nhiều quân trang quân dụng, giành lại và mở rộng thêm vùng giải phóng.

“Kể từ ngày 28/1/1973 đến cuối năm 1973, lực lượng vũ trang nhân dân tỉnh Cần Thơ đã loại khỏi vòng chiến đấu 11.000 tên địch, diệt và bức rút 119 đồn bót, 1 phân chi khu, bắn cháy và phá hủy 13 xe thiết giáp 113, bắn rơi và làm bị thương 12 máy bay, bắn cháy và chìm 18 tàu chiến, giải tán 100 toán phòng vệ dân sự, có hơn 500 binh lính mang súng về với nhân dân. Quân dân Cần Thơ đã làm thất bại kế hoạch bình định lấn chiếm vùng phía nam huyện Long Mỹ của địch, bảo vệ khu căn cứ Tỉnh ủy”.

Bọn giặc quyết đánh Bà Bái với mục đích hòng lấn đất, giành dân, bao vây, cô lập tiến đến tiêu diệt, xóa sổ căn cứ Tỉnh ủy Cần Thơ, nhưng mọi cố gắng của chúng đều trở thành vô vọng và chuốc lấy thất bại thảm hại. Kẻ thù đã buộc phải rút lui, co cụm, bị động phòng thủ cho đến ngày đầu hàng Cách mạng (30/4/1975).

…Chúng tôi vào khu căn cứ theo một lối mòn nhỏ xuyên qua rừng cây rợp bóng. Có vài đường xương cá tạo thành một hệ thống đường mòn khép kín được bố trí hợp lý để ứng phó trong những tình huống có xảy ra chiến sự. Nhiều loại cây sống từ thời trước chiến tranh vẫn còn lại đến ngày nay như: lâm vồ, đủng đỉnh, săn máu, sung, cau, gừa, dừa, sao, tre, trúc… Dây cốc kèn, dây cổ rùa, dây thuốc cá, bìm bìm bò lan lên những mái lá dừa nước ngả màu nâu sẫm tạo cho khu căn cứ một nét hoang sơ, bí ẩn. Chim chóc có khá nhiều trong khu di tích. Bạn sẽ nghe được tiếng chim cu cườm gù gáy phía cuối đục vườn. Tiếng chim chìa vôi lửa lảnh lót trên cây mét cao chót vót. Thỉnh thoảng còn có tiếng chim khướu xa xăm, đồng vọng khiến du khách có cảm giác như bóng dáng của một thời quá khứ hào hùng còn hiển hiện đâu đây, lẩn khuất trong ngàn cây nội cỏ!

Khu di tích căn cứ Tỉnh ủy Cần Thơ hiện nay bao gồm nhiều hạng mục được phục dựng, tái tạo lại: Hội trường là gian nhà hình chữ nhật kê tán, lợp lá rộng chừng 150m 2 , đây là nơi diễn ra các cuộc hội nghị quan trọng của Tỉnh ủy Cần Thơ. Nhà được làm từ các vật liệu có sẵn tại khu căn cứ như: tràm, cau, dừa, tre, sắn và mù u, lá dừa nước… Bên trong hội trường là văn phòng làm việc của Ban thường vụ Tỉnh ủy. Nhà ở của đồng chí bí thư ở phía tay phải của hội trường. Ngoài ra trong căn cứ còn rất nhiều lán trại, hầm hố của các cơ quan, bộ phận trực thuộc như: Tuyên huấn, cơ yếu, điện đài, dân vận, quân y, dân y và một số tổ chức đoàn thể thanh niên, phụ nữ, trường Đảng… nhưng hiện nay những lán trại, dấu tích này không giữ được nguyên mẫu do vật liệu xây dựng không kiên cố, nhanh chóng bị thời gian, mưa nắng làm hư hỏng. Trong nhà trưng bày còn khá nhiều hiện vật, kỉ vật của căn cứ như máy đánh chữ, đài bán dẫn, dụng cụ sinh hoạt, vũ khí của các đơn vị.

Ở Phương Bình còn có Di tích lịch sử văn hóa địa điểm thành lập Tiểu đoàn Tây Đô với tượng đài kỷ niệm khắc họa sinh động, mạnh mẽ hình tượng người mẹ đang tiễn đưa người con chiến sĩ Giải phóng quân lên đường chiến đấu. Tượng đài đứng hiên ngang, sừng sững giữa màu xanh yên ả trên đất Phương Bình. Tiểu đoàn Tây Đô với lời thề: “Ra đi là chiến thắng, đánh là tiêu diệt” là đơn vị 2 lần được Đảng và Nhà Nước phong tặng danh hiệu cao quý “Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân”.

Chúng tôi về Bà Bái trong một sớm mùa thu. Vùng đất bom cày đạn xới ngày xưa nay đã thay da đổi thịt: ruộng đồng xanh tươi bát ngát, nhà cửa san sát đông vui cặp theo những dòng kênh nước quằn quặn phù sa đỏ đục… Chính tại nơi đây, vào mùa xuân lịch sử năm 1975 của thế kỉ trước, Tỉnh ủy Cần Thơ đã xuất phát, tiến công và tiếp quản TP. Cần Thơ trong chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử (1975).

Anh Đỗ Văn Mẫn cán bộ khu di tích cho biết, hồi năm 1986, tỉnh Cần Thơ (cũ) đã trùng tu, phục chế lại khu di tích. Toàn bộ những cột của hội trường và hai hầm tránh pháo được đúc bằng bê tông cốt thép, nhưng vẫn giữ hình dáng, màu sắc và qui cách giống hệt như xưa. Các hạng mục công trình đều có biển chú thích. Sơ đồ khu được giới thiệu rõ ràng nơi cổng vào… Khu di tích cố gắng giữ lại gần như nguyên vẹn cảnh quan căn cứ Bà Bái cách đây gần nửa thế kỷ. Ta có thể đến Khu di tích căn cứ Tỉnh ủy Cần Thơ từ phía thị xã Ngã Bảy vòng qua thị trấn Cây Dương khoảng 25km, hoặc từ ngã ba Cầu Mống (Long Mỹ) rẽ vào TL 927 chừng 6km, trên đường từ Cần Thơ về thành phố Vị Thanh.

ĐẶNG HOÀNG THÁM – PHÚ NGỌC

Nguồn Công Luận: http://congluan.vn/ve-ba-bai-tim-lai-dau-xua/