Vật liệu 'ăn theo' bất động sản dư thừa trong khi ngành giao thông lại 'khát'

Bất động sản đóng băng, thị trường vật liệu xây dựng giảm mạnh sức tiêu thụ, doanh nghiệp nguy cơ phá sản. Trong khi đó, vật liệu xây dựng kết cấu nền, móng đường giao thông lại 'không có để phát triển'.

Đây là vấn đề được nêu ra tại tọa đàm “Thị trường vật liệu xây dựng - Những điểm nghẽn và giải pháp” tổ chức hôm nay (10/6).

Đánh giá chung về thị trường vật liệu xây dựng hiện nay, ông Lê Quang Hùng – Chủ tịch Hội Bê tông Việt Nam, nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng cho biết, đang có thực trạng nơi thừa, chỗ lại thiếu trong đó có thể chia làm 3 nhóm. Thứ nhất là loại vật liệu để làm đắp đường (đất đắp, bê tông nhựa), dù nhu cầu khá lớn nhưng lại không cung ứng kịp do việc thiếu hụt về nguyên liệu các mỏ cát…

Nhóm thứ hai là về bê tông xi măng thép cốt xây dựng. Điểm nghẽn hiện nay là vấn đề tiêu thụ. Nhóm thứ ba gồm gốm sứ, kính…cũng gặp khó về tiêu thụ do thị trường bất động sản gặp khó khăn, nhu cầu xây dựng dân dụng, nhà cửa giảm mạnh.

Nhìn nhận từ thực tế các doanh nghiệp cho thấy, 5 tháng đầu năm 2023, tình hình sản xuất, tiêu thụ của các doanh nghiệp xi măng giảm khoảng 20% so với cùng kỳ năm 2023.

Với ngành thép, sản xuất thép thô giảm 22% so với cùng kỳ, tiêu thụ giảm 18%; xuất khẩu giảm 78%; sản xuất thép xây dựng cũng giảm 26,4%; tiêu thụ giảm 26%, xuất khẩu giảm 41,7% so với cùng kỳ năm 2022.

Theo Chủ tịch Hội Gốm sứ xây dựng Việt Nam Đinh Quang Huy, sản lượng sản xuất của các doanh nghiệp gốm sứ hiện chỉ duy trì 50 - 60% so với công suất thiết kế, song vẫn tồn kho 18 - 20% sản phẩm không tiêu thụ được.

Đại diện các Hội, Hiệp hội vật liệu xây dựng tham gia tọa đàm ngày 10/6. (Ảnh: Hồng Khanh)

Đại diện các Hội, Hiệp hội vật liệu xây dựng tham gia tọa đàm ngày 10/6. (Ảnh: Hồng Khanh)

Tình hình sản xuất, kinh doanh các doanh nghiệp gốm sứ xây dựng trong nước từ năm 2021 đến nay đã sụt giảm 30 - 35%. Đặc biệt, năm 2022 và quý I-2023, thị trường gốm sứ xây dựng hầu như “đóng băng” cả trong sản xuất và lưu thông. 10 - 15% số doanh nghiệp đang tồn tại ở điều kiện rất khó khăn và có nguy cơ phá sản.

Với ngành kính xây dựng, năm 2020-2021, có khoảng 80% các đơn vị gia công, lắp đặt kính tạm dừng sản xuất, kinh doanh; doanh thu toàn ngành giảm 50-70% so với cùng kỳ các năm trước. Từ tháng 4-2022, thị trường bất động sản suy giảm nghiêm trọng khiến nhu cầu các sản phẩm kính xây dựng sụt giảm tới mức rất thấp.

Trong khi đó, vật liệu xây dựng kết cấu nền, móng đường giao thông lại đang ở tình trạng “không có để phát triển”.

Theo PGS.TS Hoàng Hà, Phó Chủ tịch Hội Khoa học kỹ thuật cầu đường Việt Nam, hiện lượng mỏ có thể khai thác, sử dụng làm vật liệu đất đắp nền đường chỉ đáp ứng được khoảng 1/6 nhu cầu. Đặc biệt là tại các đoạn tuyến đi qua vùng đồng bằng, khối lượng vật liệu đất (cát) xử lý nền móng cần cung ứng rất lớn.

Từ những khó khăn trước mắt và lâu dài của thị trường vật liệu xây dựng, các hội, hiệp hội đã cùng đưa ra nhiều kiến nghị nhằm gỡ các điểm nghẽn như mở rộng thị trường tiêu thụ trong nước, tăng cường xây dựng nhà ở, nhà công nghiệp, đô thị, nhà ở xã hội, nhà ở công nhân; tích cực sử dụng xi măng trong xây dựng đường giao thông.

Đại diện Hiệp hội Thép Việt Nam VSA kiến nghị Bộ Tài chính điều chỉnh thuế VAT cho các sản phẩm thép từ 10% xuống 8%.

Bên cạnh đó, xem xét hạ lãi suất và ưu tiên cho vay với lãi suất ưu đãi đối với doanh nghiệp sản xuất. Tiếp tục tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho ngành bất động sản…

Hồng Khanh

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/vat-lieu-an-theo-bat-dong-san-du-thua-trong-khi-nganh-giao-thong-khat-2153290.html