Vật lạ trong thực phẩm và chuyện học cách bảo vệ mình

Ở thời đại 4.0, mặc dù Trường tiểu học Trần Quốc Toản, TP Huế và đơn vị cung ứng thực phẩm cho bếp bán trú đã ký kết với nhau bằng hợp đồng kinh tế, nhưng khi xảy ra sự cố, hai bên lại giải quyết với nhau như... thời 0.4. Hậu quả là, cả hai đều khó bảo vệ mình trước dư luận xã hội.

Con gà có lỗi đã được chuyển trả, không được đưa vào chế biến trong gian bếp của trường.

Con gà có lỗi đã được chuyển trả, không được đưa vào chế biến trong gian bếp của trường.

Ngày 18-12, đơn vị đối tác cung ứng thực phẩm cho bếp bán trú của Trường tiểu học Trần Quốc Toản, TP Huế là Hồ Đắc Khanh, nhập vào bếp của trường 82 kg thịt gà đã qua giết mổ. Sau khi kiểm tra, bộ phận tiếp nhận của trường nhận thấy nhà cung ứng đáp ứng đủ chủng loại, số lượng, quy cách nên đã chuyển số thực phẩm nói trên sang bộ phận vệ sinh tiền chế. Tại đây, nhân viên bếp Nguyễn Thị Tường Vi nhìn thấy dưới da cổ của một con gà đã mổ có vật lạ “màu trắng, dài khoảng 0,5 đến 1 cm, đã điện báo cáo cho nhân viên Thủ kho Hồ Thị Nhật Thúy. Nhân viên thủ kho lập tức điện báo đơn vị cung ứng quay lại trường để thu hồi con gà có vật lạ, đồng thời đổi lại con gà khác để kịp chế biến phục vụ học sinh. Mọi diễn biến đều được camera nhà trường ghi lại cùng thời gian cụ thể.

Theo giải trình của ông Hồ Đắc Khanh, đơn vị cung ứng, khi nhận được con gà từ thủ kho Trường tiểu học Trần Quốc Toản, ông Khanh đã gọi cho cơ sở chăn nuôi cung cấp gà cho ông để xác định vật đấy là gì, sao lại có trong con gà thì được giải thích, đó là ấu trùng của sinh vật thuộc bộ Ruồi, đã được cho phép sử dụng làm thức ăn cho gia cầm, trong đó có gà, thường được gọi là sâu can xi. Khi nhân viên của ông Khanh giết mổ do sơ ý làm vỡ “diều gà”, sâu chưa tiêu hóa theo đó rơi ra ngoài. Trong quá trình chế biến, nếu mang gà đi rửa sạch thì sâu sẽ rơi ra, không ảnh hưởng đến chất lượng gà. Tuy vậy, trước yêu cầu thu hồi, đổi trả của trường, ông Khanh đã thu về và đổi con gà khác.

Tại cuộc họp phụ huynh nhà trường hôm 5-1 vừa qua, một phụ huynh đã đưa ra hình ảnh chụp “sinh vật lạ” nói trên, thắc mắc: “tại sao trong thực phẩm nhập vào trường có “con dòi”. Cho dù ngay sau đó, nhà trường đã thông tin đầy đủ về “sinh vật lạ” và hướng xử lý của nhà trường, nhưng nhiều phụ huynh vẫn hoài nghi. Thông tin lập tức được chia sẻ rộng rãi trên mạng xã hội, kèm theo nhiều suy đoán khác nhau.

Luật sư Công Hạnh, Giám đốc Công ty luật Công Khánh cho rằng, cuộc tranh cãi về tên, nguồn gốc của sinh vật lạ có trên thịt gà nhập vào Trường tiểu học Trần Quốc Toản sẽ không có hồi kết. Bởi vật mẫu - bằng chứng của câu chuyện - có hình thể tương đối giống nhau, nhưng rất tiếc là không được lưu giữ. Điều này thể hiện ở chỗ, “ngay khi phát hiện, thủ kho đã gọi điện yêu cầu đơn vị cung ứng thu hồi, đổi con gà khác để chế biến phục vụ học sinh”.

Như vậy, qua đây có thể thấy hai điều. Thứ nhất, nguồn thực phẩm chưa rõ chất lượng đấy đã được chặn đứng, không được dùng để chế biến làm thức ăn cho học sinh. Thứ hai, vật mẫu đã được giao trả cho nhà cung ứng từ ngày 18-12. Vì không còn vật mẫu, nên cuộc tranh cãi “sâu can xi”, hay “con dòi” vào lúc này chỉ làm tăng sự hoang mang cho mọi người, mà không giải quyết vấn đề một cách triệt để.

Tuy nhiên, theo luật sư Công Hạnh, để tránh lặp lại câu chuyện tương tự, thì ngay khi phát hiện có vật lạ, bộ phận tiếp nhận thực phẩm của trường phải gọi nhà cung cấp đến lập biên bản ghi nhận sự việc, đồng thời chuyển vật mẫu đến cơ quan chức năng để xác định “vật lạ” đấy là gì, là vật xâm nhập hay được hình thành trong quá trình phân hủy thức ăn, nó có ảnh hưởng đến sức khỏe con người như thế nào.

Kết quả trả lời của bên thứ ba trong trường hợp này chính là “lá bùa” bảo vệ lẽ phải. Nhờ đó, các bên liên quan sẽ tránh được chuyện thị phi, mà đôi lúc như dân gian đã gọi tên “chờ được vạ thì má đã sưng”.

QUANG TIÊN

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/xahoi/tin-tuc/item/42891002-vat-ngoai-lai-trong-thuc-pham-va-chuyen-hoc-cach-bao-ve-minh.html