Vào nghề, ê hê chuyện...

Mỗi năm, cứ vào dịp kỉ niệm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam 21/6, những người làm báo lại có dịp ngồi lại cùng nhau, chia sẻ những buồn vui chuyện nghề và chúc nhau mãi 'mắt sáng, lòng trong, bút sắc'. Và khi ấy, kỉ niệm về những ngày đầu chập chững vào nghề được nhiều người kể lại, niềm vui nhiều, nước mắt cũng không ít...

Sinh viên thực tập tại Báo Quảng Trị hào hứng đón nhận tác phẩm đầu tay

1. Khoảng đầu tháng 6 hằng năm là thời điểm sinh viên năm thứ 3 các trường báo chí bắt đầu lên đường về các tòa soạn báo để kiến tập. Anh bạn là thư kí tòa soạn một tờ báo, kể thường dịp này cơ quan anh đón rất nhiều sinh viên, ít thì 5, 7 em, nhiều có khi 10, 15 em. Ngay ngày đầu tiên tiếp nhận sinh viên về kiến tập, tòa soạn sẽ tổ chức gặp mặt đoàn, có sự tham gia của lãnh đạo của các phòng chuyên môn. Mục đích của buổi gặp mặt là để giới thiệu cho các em biết về tờ báo, những quy định chung và trao đổi một số kinh nghiệm trong quá trình tác nghiệp, tuy nhiên cái chính là tạo cho các em cảm giác gần gũi, thân thiện ngay từ ngày đầu chập chững vào nghề báo. Vì vậy, cách thức trao đổi cũng cởi mở, thoải mái như những người anh người chị bày vẻ cho em út của mình. Trong một lần gặp gỡ như thế, sau một hồi thao thao bất tuyệt anh mới phát hiện cả 10 em sinh viên thực tập đang ngồi nghiêm ngắn, chăm chú lắng nghe và ghi chép lia lịa, trước mặt mỗi em là một chiếc smartphone đang mở chế độ ghi âm. Thấy nghiêm trọng quá nhưng không tiện hỏi, mãi đến khi chia tay cuối kì kiến tập, anh mới đùa hôm ấy các em nghiêm túc quá làm anh toát cả mồ hôi hột. Một em sinh viên hồn nhiên nói, dạ tại ở trường thầy cô hay dặn là làm báo thì phải biết chăm chú lắng nghe, ghi chép cẩn thận, kể cả ghi âm lại, như vậy mới tôn trọng người đang nói. Anh cười, em ơi, thầy cô dạy không sai nhưng thực tế tác nghiệp thì “tùy cơ ứng biến”, giả sử hôm ấy anh là người trả lời phỏng vấn, thấy 10 phóng viên đang nghiêm trang lắng nghe, ghi chép không sót một chữ nào và 10 chiếc máy ghi âm đặt trước mặt, chắc anh cũng bó tay cấm khẩu luôn. Em sinh viên mới gãi đầu gãi tai, dạ, hèn gì những lần bọn em về cơ sở, phỏng vấn ai người ta cũng rất kiệm lời, có nói cũng rất nhỏ nhẹ mà không hiểu vì sao.

2. Một sinh viên báo chí mới ra trường với tấm bằng loại ưu đã được tuyển dụng vào một tờ báo. Lần nọ, thư kí tòa soạn gọi lên, em về ngay xã..., ở đó đang phát triển mô hình cao su tiểu điền rất hiệu quả, viết 1 bài 1.200 chữ, 3 ngày sau nộp. Anh phóng viên lập tức phóng xe đi và sáng hôm sau đã mang bài lên nộp, hớn hở như vừa hoàn thành xuất sắc một nhiệm vụ lớn lao. Thư kí tòa soạn nhận bài, xem qua một lượt và kết luận 3 vấn đề: Thứ nhất, nộp bài sớm hơn thời hạn được giao là tốt nhưng trong trường hợp này thì không cần thiết, bởi vì bản thảo của em trình bày rất cẩu thả và nhiều lỗi mo rát. Thứ hai, em rất xông xáo khi vừa nhận nhiệm vụ đã lập tức phóng xe đi ngay, nhưng có lẽ em đã nhiệt tình thái quá khi không chịu tìm hiểu những kiến thức nền về vấn đề cần viết, vì vậy bài viết của em chỉ phản ánh chung chung, thiếu chiều sâu cần thiết.

Thứ ba, trong bài viết của em có nhiều thông tin không chính xác, nhất là những con số cộng lại không khớp với nhau. Anh phóng viên trẻ vâng vâng dạ dạ và cầm bài về để sửa lại, tất nhiên là không dám cãi nửa lời. Nhưng chỉ như vậy thì chẳng có gì đáng nói. Vấn đề là sáng hôm sau anh chàng hớn hở lên tòa soạn từ rất sớm, trịnh trọng đặt xuống bàn thư kí tòa soạn một tập báo cáo rồi với một giọng điệu dù đã rất kìm nén nhưng vẫn toát ra sự đắc thắng: “Anh ơi, hôm qua là anh nhầm to rồi, những thông tin, con số mà anh nói không chính xác đều có trong báo cáo này cả, báo cáo có dấu đỏ của chính quyền đàng hoàng anh nhé”. Thư kí tòa soạn vừa buồn cười vừa bực mình nên gằn giọng: “Với tư cách là bạn đọc đầu tiên, anh khẳng định với em những thông tin đó là sai và anh yêu cầu em cung cấp những thông tin đúng, còn thông tin đó lấy từ báo cáo nào và có bao nhiêu dấu đỏ anh không quan tâm. Vẫn còn 1 ngày nữa mới hết hạn nộp bài, nếu sáng mai anh không nhận được một tác phẩm đạt yêu cầu thì nghĩa là em không hoàn thành nhiệm vụ. À này, báo cáo cũng do người trần mắt thịt viết ra thôi, như em đang viết bài báo này vậy, không cẩn thận, chăm chút thì cũng nhầm lẫn như thường”. Anh phóng viên trẻ lặng lẽ lau mồ hôi trán và cầm báo cáo ra về. Tất nhiên bài báo sau đó đã được chỉnh sửa lại và cho lên khuôn, xuất bản đúng kì hạn.

3. Câu chuyện do một nữ phóng viên kể lại. Một dạo, chị được tòa soạn phân công hướng dẫn một cô bé sinh viên thực tập. Cô bé có vẻ là một tiểu thư bởi cách ăn mặc điệu đà và mùi nước hoa thơm nức. Tối hôm đó, chị gọi điện cho cô bé bảo sáng mai lên tòa soạn sớm để đi cơ sở viết bài về tình hình hạn hán đang diễn ra gay gắt trên địa bàn. Cô bé nghe xong thì giãy nảy: “Trời ơi, chị có xem dự báo thời tiết không vậy? Ngày mai nắng đến 390C mà chị bảo em ra giữa ruộng để viết bài về hạn hán thì còn gì là da của em nữa. Hay chị cứ đi một mình đi, hôm nào mát trời rồi em sẽ đi”. Cô bé nói xong thì cắt máy cái rụp khiến bà chị phóng viên đứng chưng hửng, cười không nổi mà khóc cũng chẳng xong. Ơ hay, thế chẳng lẽ mình không phải phụ nữ à? Không hiểu cả đêm suy nghĩ thế nào mà sáng hôm sau bé cũng lò dò lên tòa soạn sớm, tất nhiên là với áo choàng, khẩu trang kín mít và một đống kem chống nắng. Cả ngày hai chị em rong ruổi về cơ sở nhưng hễ xuống xe là cô bé tìm bóng râm để đứng, mặc bà chị muốn làm gì thì làm.

Hôm sau gặp nhau ở tòa soạn, nữ phóng viên mới trách khéo, đưa em đi để hướng dẫn em làm báo mà như thể chị đang làm báo thuê cho em thì đúng hơn. Hay từ ngày mai em cứ ở nhà dưỡng da cho đẹp, chị đi viết bài về sẽ kí tên em để sau này làm báo cáo với nhà trường, rồi chị sẽ làm một bản báo cáo chi tiết là chị đi đâu, gặp ai, tác nghiệp như thế nào... gửi cho em để em tham khảo. Cô bé nghe xong đỏ mặt tía tai, lí nhí xin lỗi. Cũng may sau vụ đó cô bé thay đổi hẳn, xông xáo, nhiệt tình, lại tiếp thu rất nhanh nên kết thúc một mùa thực tập thành công hơn cả mong đợi.

***

Đó chỉ là ba trong số rất nhiều câu chuyện cười ra nước mắt mà đồng nghiệp chúng tôi kể lại. Những sinh viên ngày ấy giờ có em đã tìm một lối rẽ khác, còn đa số vẫn đeo đuổi với nghề và trở thành những phóng viên giỏi, có tên tuổi. Kỉ niệm thuở mới chập chững vào nghề với tất cả hồn nhiên, trong sáng giờ được các em kể lại cho thế hệ sau như một dòng chảy tiếp nối của nghề báo, rất nhiều niềm vui, rất nhiều nỗi buồn nhưng luôn tràn đầy yêu thương và chia sẻ…

Thúy An

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=73&modid=420&itemid=140134