'Vào 10', cuộc thi hay cuộc chiến?

Kỳ thi tuyển sinh đầu đời của học sinh sau khi tốt nghiệp THCS lâu nay đã trở nên căng thẳng, khốc liệt còn hơn thi đại học bởi tỉ lệ trúng tuyển chỉ khoảng 60%.

Sở GDĐT Hà Nội vừa công bố ba môn thi tuyển sinh vào lớp 10 năm học 2024-2025. Điều đó có nghĩa là các em học sinh được “giảm tải” môn thứ tư. Nhưng dù thi 3 hay 4 môn thì áp lực thực sự mà các em đang phải gánh cũng không hề thay đổi, khi nó đến từ con số trên 50.000 học sinh lớp 9 sẽ không thể đỗ vào một trường THPT công lập trong năm học tới.

Thời chúng tôi, những học sinh thế hệ 7x, 8x, thì cuộc chiến tuyển sinh căng thẳng nhất được dành riêng cho thi vào đại học. Còn với thế hệ Gen Z con cháu của chúng tôi, vào lớp 10 mới là cuộc chạy đua khốc liệt nhất. Kỳ thi tuyển sinh đầu đời của học sinh sau khi tốt nghiệp THCS lâu nay đã trở nên căng thẳng, khốc liệt còn hơn thi đại học bởi tỉ lệ trúng tuyển chỉ khoảng 60%. Ngày nay các bố mẹ đều yên tâm rằng không có học sinh nào trượt đại học, nhưng trượt cấp 3 là câu chuyện tức tưởi của 40% học sinh lớp 9, là nỗi ám ảnh với các em học sinh, đặc biệt là những em nhà nghèo, hay kinh tế ở mức “đủ ăn”.

Năm nay, con số thí sinh thi vào 10 tăng thêm 5.000 so với năm ngoái. Vì thế dự kiến có khoảng 54.000 em sẽ không có suất vào công lập. Và những suất trượt có thể nhằm cả vào những học sinh khá, giỏi, do cơ chế tuyển sinh theo nguyện vọng và khu vực. Một em học sinh giỏi, đạt điểm thi 8, 9 điểm mỗi môn vẫn có thể trượt cả hai, ba nguyện vọng. Chính học sinh Hà Nội đã phải thốt lên: “Đây là cuộc chiến chứ không còn là cuộc thi bình thường nữa”. Gần như suốt những năm cấp 2, đặc biệt là lớp 8 và lớp 9, các em học sinh ngoài giờ học trên trường, lại tiếp tục vùi đầu vào các lớp học thêm, học gia sư, bởi với nhiều em, không học thêm cũng đồng nghĩa với “trượt từ vòng gửi xe”. Trong cuộc đua “vượt vũ môn” lớp 10, không ít học sinh không giành được suất công lập đã cảm thấy tuyệt vọng, như thể mình là tội đồ vì đã dồn áp lực lên bố mẹ để lo được một suất vào trường tư.

Một mùa thi vào 10 lại sắp đến, và công thức 60-40% vẫn thật khắc nghiệt. Năm ngoái, quan chức đứng đầu Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội nói rằng “thành phố không thiếu trường học” - một phát biểu đã vấp phải rất nhiều phản ứng. Chưa nói đến chuyện đủ hay thiếu, nhưng sự thật là chỉ một phần nhỏ trong số hàng chục ngàn gia đình có con trượt công lập có tài chính dư dả để không phải suy nghĩ về chi phí cho con học tư thục. Hay nhiều gia đình đành chấp nhận cho con đi hàng chục cây số mỗi ngày để theo học một trường công lập ở ngoại ô, nơi có tỉ lệ chọi thấp.

Đô thị Hà Nội nhiều năm qua ghi nhận dân số tăng quá nhanh chóng trong khi quy hoạch trường lớp theo dân cư bị phá nát, bị xâm phạm. Quỹ đất lẽ ra dành cho trường học, sân chơi, bị chuyển thành các mục đích sử dụng khác. Vì thế chuyện thiếu trường thiếu lớp là thực tế không thể tranh cãi. Chính Bí thư Hà Nội Đinh Tiến Dũng, sau mùa tuyển sinh năm ngoái cũng thừa nhận: “Trong quá trình phát triển với dân cư tăng rất nhanh, phần lớn là gia tăng dân số cơ học, nên lúc nào chúng ta cũng trong tình trạng thiếu trường, thiếu lớp”.

Hà Nội đã đặt mục tiêu tổng quát đến năm 2025, định hướng đến 2040 sẽ đạt tỷ lệ trường công lập (từ mầm non đến THPT) đạt chuẩn quốc gia là 80-85%. Với các tiêu chí về số lượng lớp, sỹ số học sinh trong lớp, các trường muốn phấn đấu “chuẩn quốc gia” không thể tuyển quá chỉ tiêu. Vì thế Giáo dục Hà Nội vẫn đang phải loay hoay giữa cùng lúc làm thế nào để đủ trường, lớp học vừa tiến tới mục tiêu "chuẩn quốc gia". Ngành giáo dục thủ đô cũng đã đề ra những biện pháp ứng phó tạm thời như tăng sĩ số học sinh, tăng lớp. Nhưng đó chỉ là những giải pháp tình thế, và những giải pháp mang tính chiến lược là vô cùng cần thiết cho một đô thị Hà Nội vẫn đang không ngừng mở rộng từng ngày.

Trước hết là quy hoạch. Lâu nay vấn đề quy hoạch dân cư gắn với trường học đã không được coi trọng trong cả một quá trình dài phát triển, đẩy nhiều khu vực của Hà Nội vào tình trạng thừa chung cư, thiếu trường học. Vì thế công tác quy hoạch và giám sát quy hoạch trường lớp cần được thực hiện nghiêm ở những khu vực đang mở rộng. “Phải giữ đất cho trường học không kém gì giữ đất rừng, đất lúa”, như lời kêu gọi của PGS.TS Đỗ Chí Nghĩa, Ủy viên thường trực Ủy ban Văn hóa - Giáo dục của Quốc hội. Ngay cả ở những nơi quỹ đất nội đô đã rất hạn hẹp, vẫn có cơ hội sửa sai nếu biết tận dụng những công trình như nhà máy, cơ sở sản xuất được di dời. Trên thực tế có những quận đã sử dụng hiệu quả vốn đất này như trường hợp quận Hai Bà Trưng chuyển diện tích nhà máy dệt kim Đông Xuân và nhà máy rượu Hà Nội sang xây dựng các trường tiểu học và trung học cơ sở.

Một giải pháp cũng cần được quan tâm là hỗ trợ về mặt bằng, thủ tục, để phát triển hệ thống trường ngoài công lập, đặc biệt là tăng cường cả về số lượng và chất lượng của những trường tư thục ở phân khúc trung bình, nhằm tạo thêm môi trường học tập có chi phí phù hợp hơn với người lao động.

Bên cạnh đó, một trong những giải pháp lâu dài đã được giới chuyên gia đề xuất là phân luồng học sinh, gắn với nâng cao chất lượng của các trường đào tạo nghề để thực sự đáp ứng được nguyện vọng của những học sinh mong muốn được đào tạo văn hóa ở mức cơ bản, đi đôi với đào tạo nghề. Định hướng nghề cần được thực hiện bài bản và mang giá trị đích thực cho từng học sinh thay vì bị coi như giải pháp giảm số học sinh thi trượt vào 10 như cách làm của nhiều trường THCS hiện nay

Một nỗ lực phối hợp quyết liệt và đồng bộ các giải pháp nhằm dỡ bỏ gánh nặng tuyển sinh khốc liệt không đáng có với lứa học sinh chỉ 13, 14 tuổi, sẽ giúp đưa những năm tháng học trò của các em trở thành một hành trình học và vui theo đúng nghĩa, khi các em được phát triển hài hòa cả về tri thức, tinh thần và thể lực để chuẩn bị cho những bước đường tương lai.

Thu Hằng

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/goc-nhin/vao-10-cuoc-thi-hay-cuoc-chien-20240330112102628.htm