Vành đai và con đường - 'Ma lực' khó cưỡng của kinh tế Trung Quốc

Ra mắt vào năm 2013, Sáng kiến Vành đai và con đường (BRI) được cho là đã và đang tìm cách biến khu vực Âu Á, do Trung Quốc dẫn đầu thành một khu vực kinh tế và thương mại cạnh tranh với khu vực xuyên Đại Tây Dương do Mỹ dẫn dắt.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình phát biểu khai mạc Diễn đàn cấp cao Hợp tác quốc tế Sáng kiến Vành đai và con đường năm 2023. (Ảnh: Thống Nhất)

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình phát biểu khai mạc Diễn đàn cấp cao Hợp tác quốc tế Sáng kiến Vành đai và con đường năm 2023. (Ảnh: Thống Nhất)

Sự tham dự của đông đảo đại diện từ khắp nơi trên thế giới tới Diễn đàn cấp cao Hợp tác quốc tế Sáng kiến Vành đai và con đường (BRF) vừa kết thúc tại Bắc Kinh (18/10) đã cho thấy sức hút riêng. Đó cũng như một “thông điệp rõ ràng rằng, Trung Quốc đang có được các đồng minh của riêng mình và thách thức trật tự thế giới do Mỹ dẫn đầu”, Phó Giáo sư Alfred Wu của trường Chính sách công Lý Quang Diệu (Singapore) nhận xét.

Một trật tự thế giới mới?

Xét về nhiều mặt, thập kỷ đầu tiên của BRI đã thành công đáng ngạc nhiên, đã cho thấy “ma lực” không thể xem thường. Hơn 150 quốc gia đã tham gia BRI, chiếm 23% GDP toàn cầu, có 3,68 tỷ người - chiếm 47% dân số thế giới, trong đó 18/27 quốc gia là thành viên EU. Điều này đã giúp Trung Quốc trở thành “chủ nợ” lớn nhất của thế giới đang phát triển, tăng cường tầm ảnh hưởng ngoại giao và địa chính trị.

Chủ tịch Ngân hàng ECB Christine Lagarde, thời làm Giám đốc IMF từng nói rằng, các nước không nên coi nguồn tài chính được Bắc Kinh đổ vào các dự án hạ tầng là "bữa trưa miễn phí".

Tuy nhiên, cũng không thể phủ nhận BRI đã mang lại những lợi ích cụ thể cho nhiều nước đang phát triển - nơi mà lẽ ra đường bộ và đường sắt đến bây giờ vẫn chưa được xây dựng.

Trong một thập kỷ, BRI đã phát triển nhanh chóng, cả về địa chính trị và hợp tác giữa các quốc gia. Sách trắng BRI do Trung Quốc công bố trước thềm BRF 2023, cho biết, Sáng kiến này đã thu hút sự tham gia của hơn 3/4 thế giới và hơn 30 tổ chức quốc tế. Khuôn khổ hợp tác sâu rộng, từ cơ sở hạ tầng đến công nghệ, thậm chí cả hàng hải và hàng không.

Tuy nhiên, quy mô đầu tư trong khuôn khổ dự án BRI đã bắt đầu giảm, nhất là ở châu Phi, cả về số lượng và quy mô các khoản vay. Theo Trung tâm Chính sách phát triển toàn cầu, Đại học Boston, trong khoảng thời gian trước dịch Covid-19 từ năm 2017-2019 và giai đoạn hậu đại dịch từ năm 2020-2022, quy mô các khoản vay giảm bình quân 37%, từ 213,03 triệu USD xuống mức 135,15 triệu USD. Hoạt động tổng thể của Trung Quốc tại các quốc gia tham gia BRI giảm khoảng 40% so với mức đỉnh năm 2018.

Tiến độ của BRI đang chậm lại. Nhiều khoản vay trong những năm đầu của chương trình do không được đánh giá chặt chẽ, đã trở thành nợ khó đòi, buộc Bắc Kinh phải thay đổi cách tiếp cận và thận trọng hơn.

Trong khi đó, hệ quả từ cách Trung Quốc xử lý dịch Covid-19 bằng cách “đóng chặt cửa” với thế giới, các vụ bê bối liên quan đến các dự án BRI… đã phần nào khiến vị thế của Bắc Kinh lung lay.

Ngoài ra, từ “phía bên kia”, một số quốc gia cũng tỏ ra cảnh giác hơn trong việc thân thiện với Trung Quốc, khi sự cạnh tranh toàn cầu của nước này với Mỹ ngày càng “nóng”. EU đã thắt chặt các quy định về đầu tư nước ngoài vào cơ sở hạ tầng quan trọng, với lý do lo ngại về an ninh quốc gia. Đầu năm 2023, Italy - thành viên G7 duy nhất tham gia BRI, đã tuyên bố ý định rút lui.

Ngoài ra, nếu vào thập kỷ trước, các nước phương Tây đã chậm nhận ra tầm quan trọng của BRI, thì giờ đây họ đang nỗ lực giành lại cơ hội để cung cấp các lựa chọn thay thế. Kế hoạch xây dựng hành lang giao thông nối Ấn Độ với Trung Đông và châu Âu đã được công bố tại Hội nghị thượng đỉnh G20 vào tháng trước ở Delhi. Mỹ cũng hứa hẹn tăng cường cho các nước đang phát triển vay vốn thông qua WB.

Bước tiến của BRI có thể đang bị cản lại, nhưng nó đã thay đổi hướng đi của thế giới. Và trong tình hình mới, Bắc Kinh vẫn đang cố gắng điều tiết các mục tiêu của mình.

Vượt qua tư duy cũ, tạo mô hình hợp tác quốc tế mới

BRI được đánh giá là chính sách đối ngoại đầy tham vọng của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Nhằm liên kết các nền kinh tế bằng một mạng lưới giao thông và thương mại toàn cầu, trong đó Trung Quốc đóng vai trò trung tâm, Bắc Kinh đã tài trợ hàng tỷ USD đầu tư vào hệ thống cơ sở hạ tầng thương mại khổng lồ, nơi BRI đi qua, gồm đường bộ, đường sắt và các cơ sở hạ tầng quan trọng khác trên khắp Á-Âu và châu Phi.

Bất chấp những lời chỉ trích rằng kể từ khi ra đời, BRI đã khiến một số quốc gia phải chịu những khoản nợ lớn, tại Diễn đàn ở Bắc Kinh, nhà lãnh đạo Trung Quốc ca ngợi sáng kiến này như một thành công về chính sách đối ngoại và là một mô hình phát triển bền vững có thể đối trọng với phương Tây.

Việc đông đảo các nhà lãnh đạo Nam Bán cầu tới dự diễn đàn lần này để thể hiện sự ủng hộ đối với BRI và kiểm tra khả năng của Bắc Kinh đối với các thỏa thuận mới đã trở thành bằng chứng để Trung Quốc đáp trả những chỉ trích.

Trên thực tế, BRI đã cung cấp nguồn vốn cho các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng và nỗ lực tạo ra các tiêu chuẩn chung trong hệ thống giao thông, thủ tục hải quan, công nghệ thông tin và nhiều vấn đề khác. BRI cũng nhắm đến việc thúc đẩy toàn cầu hóa đồng Nhân dân tệ, xây dựng một hệ thống hoán đổi tiền tệ để bổ sung hoặc thay thế các khoản vay khẩn cấp của IMF, cũng như thành lập các thể chế tự do hóa thương mại và đầu tư khác.

Bắc Kinh tuyên bố, BRI đã tạo ra 420.000 việc làm và giúp 40 triệu người trên khắp thế giới thoát nghèo.

Vậy, Sáng kiến BRI có thực sự thúc đẩy sự phát triển quốc tế hay là áp đặt một mối ràng buộc nào đó theo cách mà Bắc Kinh có thể chi phối? Đó sẽ còn là tranh cãi lâu dài giữa các bên.

Trang eurasiareview.com phân tích, “bằng cách đầu tư vào cơ sở hạ tầng, Bắc Kinh hy vọng sẽ tạo ra thị trường mới cho các công ty Trung Quốc, chẳng hạn như các công ty đường sắt cao tốc và xuất khẩu một phần công suất dư thừa khổng lồ của đất nước về xi măng, thép và các kim loại khác.

Bằng cách đầu tư vào các quốc gia đầy biến động ở Trung Á, nhà lãnh đạo Trung Quốc đã tìm cách tạo ra một khu vực lân cận ổn định hơn cho các khu vực phía Tây bất ổn.

Và bằng cách tạo ra nhiều dự án của Trung Quốc hơn trong khu vực, nhằm mục đích củng cố tầm ảnh hưởng của Bắc Kinh trong “Vành đai và con đường” mà họ đang thiết kế".

Trả lời phỏng vấn báo chí quốc tế, quan chức Bộ Ngoại giao Trung Quốc Li Kexin, khẳng định, BRI đã “vượt qua tư duy cũ về trò chơi địa chính trị và tạo ra một mô hình hợp tác quốc tế mới”. Theo đó, Bắc Kinh đã đưa ra một cách tiếp cận mới không nhằm mục đích “thống trị sự phát triển kinh tế thế giới, kiểm soát các quy tắc kinh tế…”.

Chuyên gia cấp cao Raffaello Pantucci của trường Nghiên cứu quốc tế S. Rajaratnam (Singapore) cho rằng, Chủ tịch Trung Quốc không chỉ thành công khi sử dụng Diễn đàn BRI để đáp lại những chỉ trích; đồng thời đã rất khéo léo khi đưa BRI vào “tầm nhìn chính sách đối ngoại mới trong trật tự toàn cầu, trong đó Trung Quốc là trung tâm; khi đó, BRI luôn là một khái niệm có các mục tiêu rất linh hoạt… Vì vậy, Bắc Kinh có thể điều chỉnh các mục tiêu và xác định lại thành công sẽ như thế nào”.

Minh Anh

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/vanh-dai-va-con-duong-ma-luc-kho-cuong-cua-kinh-te-trung-quoc-247496.html