Vang vọng ngàn năm lời thề độc lập

Cách mạng Tháng Tám thành công. Ngày 2-9-1945, tại Quảng trường Ba Đình lịch sử, Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt Chính phủ lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, đọc bản Tuyên ngôn Độc lập, trịnh trọng tuyên bố quốc dân đồng bào và thế giới rằng: 'Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và sự thật đã trở thành một nước tự do, độc lập. Toàn thể dân tộc Việt Nam, quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do và độc lập ấy'. Lời thề độc lập vẫn vang vọng ngàn năm, giục giã mỗi người dân Việt Nam vượt qua muôn trùng khó khăn, thử thách, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền dân tộc, đoàn kết phấn đấu, xây dựng một nước Việt Nam 'Dân giàu, nước mạnh, công bằng, dân chủ, văn minh'.

Cách mạng Tháng Tám thành công. Ngày 2-9, tại Quảng trường Ba Đình lịch sử, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn Độc lập, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Ảnh: Tư liệu

Để giữ vững lời thề độc lập, ngay sau khi cuộc mít - tinh tại Quảng trường Ba Đình kết thúc, ngày 3-9-1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chủ trì cuộc họp của Chính phủ, đề ra những nhiệm vụ cấp bách: Cứu đói, chống dốt, xóa bỏ những thứ thuế bất hợp lý do thực dân Pháp áp đặt, ban hành những quyền tự do, dân chủ cho nhân dân; chuẩn bị Tổng tuyển cử; thực hiện nam nữ bình quyền; tự do, tín ngưỡng, thực hiện nền giáo dục nhân dân… Đó là những việc làm rất cụ thể của Chính phủ nhằm giữ vững quyền tự do, độc lập.

Đặc biệt, sự ra đời của bản Hiến pháp năm 1946 - Hiến pháp dân chủ đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, đánh dấu một bước tiến quan trọng về thực hiện quyền dân tộc và quyền con người, trên một đất nước đã hơn 80 năm bị thực dân, phong kiến đô hộ, mọi quyền tự do dân chủ của con người và của dân tộc bị chà đạp.

Kể từ ngày bản Tuyên ngôn Độc lập ra đời đến nay, vị thế đất nước đã có nhiều đổi thay, lời thề lịch sử từ Chủ tịch Hồ Chí Minh với bản Tuyên ngôn Độc lập luôn rọi sáng mọi trái tim, khối óc của người Việt Nam yêu nước trên mọi vùng, miền của Tổ quốc cũng như kiều bào yêu nước trên khắp thế giới. Thông điệp của Tuyên ngôn Độc lập cho thế hệ người Việt Nam là: Quyết giữ vững nền độc lập, tự do của Tổ quốc; bảo vệ độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ là điều thiêng liêng cao quí nhất.

Cách mạng Tháng Tám thành công với sự ra đời của nước Việt Nam mới là một trong những sự kiện trọng đại nhất của dân tộc Việt Nam trong thế kỷ XX. Giá trị lịch sử và thực tiễn của Cách mạng Tháng Tám năm 1945, trước hết là tư tưởng và ý chí độc lập dân tộc, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ. Đây cũng là biểu hiện cao nhất của sức mạnh toàn dân vì mục tiêu giành độc lập dân tộc.

Sức mạnh của Cách mạng Tháng Tám chính là sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc Việt Nam vì mục tiêu độc lập dân tộc. Sức mạnh này đã được tập hợp, thử thách qua các phong trào cách mạng do Đảng lãnh đạo. Bắt đầu từ Xô Viết Nghệ Tĩnh (1930-1931) đến cuộc vận động dân chủ (1936-1939) và cao trào giải phóng dân tộc (1939-1945). Sức mạnh của khối đại đoàn kết dân tộc đã được Đảng tiếp tục xây dựng và phát huy trong cuộc kháng chiến chống Pháp trường kỳ, “toàn dân, toàn diện” (1945-1954), tiếp đó là cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước kéo dài 21 năm (1954-1975) và kết thúc vẻ vang bằng chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử (1975), giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất Tổ quốc.

Thắng lợi của cuộc Cách mạng Tháng Tám 1945 là thắng lợi của sự tinh thần chủ động chuẩn bị lực lượng, của nghệ thuật chớp thời cơ và kiên quyết hành động. Mùa xuân năm 1941, sau 30 năm bôn ba tìm đường cứu nước, ngày 28-1-1941, Bác Hồ trở về Tổ quốc, Người chọn Cao Bằng làm Đại bản doanh, cùng Trung ương Đảng trực tiếp lãnh đạo cách mạng giải phóng dân tộc. Người trực tiếp triệu tập và chủ trì Hội nghị Trung ương 8 (khóa I).

Trong hội nghị, Người đã phân tích và đưa ra những nhận định sáng suốt về tình hình quốc tế và trong nước. Người cho rằng, cách mạng Việt Nam đang đứng trước những thời cơ có lợi, phải tranh thủ thời gian để xây dựng lực lượng cách mạng “đem sức ta mà giải phóng cho ta”. Trên cơ sở những phân tích, nhận định sáng suốt của Người, Hội nghị nhất trí thành lập “Mặt trận Việt Nam độc lập đồng minh”, gọi tắt là Việt Minh.

Sau hội nghị, Người chỉ đạo soạn thảo các văn kiện của Mặt trận Việt Minh như Tuyên ngôn, Chương trình và Điều lệ mặt trận… Chủ trương thành lập Mặt trận Việt Minh là một quyết định sáng suốt của Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh, nó đáp ứng đúng yêu cầu cấp thiết của phong trào đấu tranh cách mạng đang lên cao như triều dâng, thác đổ. Khi phát xít Nhật đầu hàng đồng minh vô điều kiện, khi quân đội Pháp bạc nhược, Đảng, Bác Hồ khẳng định thời cơ khởi nghĩa giải phóng dân tộc đã chín muồi và cuộc Cách mạng Tháng Tám do Đảng, Bác Hồ lãnh đạo đã thành công, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời.

Nói về tầm vóc và ý nghĩa lớn lao của Cách mạng Tháng Tám, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Chẳng những giai cấp công nhân và nhân dân lao động Việt Nam ta có thể tự hào, mà giai cấp lao động và những dân tộc bị áp bức nơi khác cũng có thể tự hào rằng: Lần này là lần đầu tiên trong lịch sử cách mạng của các dân tộc thuộc địa và nửa thuộc địa, một Đảng mới 15 tuổi đã lãnh đạo cách mạng thành công, đã nắm chính quyền toàn quốc”.

Ngày nay, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta đang thực hiện sự nghiệp đổi mới và đã thu được những thành tựu đáng tự hào. Thành công đó là sự kế thừa những bài học kinh nghiệm của lịch sử đấu tranh giành độc lập và xây dựng đất nước hơn 70 năm qua kể từ thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945. Đất nước đang trong quá trình đổi mới và phát triển, công nghiệp hóa, hiện đại hóa, thực hiện mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh”, chính là sự kế tục và phát triển những tư tưởng vĩ đại của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh về độc lập, chủ quyền dân tộc và quyền con ngươì trong điều kiện mới.

Để đạt được mục tiêu đó, trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, Đảng ta xác định mục tiêu và nhiệm vụ tổng quát phát triển đất nước trong 5 năm tới: “Tăng cường xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền và sức chiến đấu của Đảng, xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh. Phát huy sức mạnh toàn dân tộc và dân chủ xã hội chủ nghĩa. Đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới; phát triển kinh tế nhanh, bền vững, xây dựng nền tảng để sớm đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại. Nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân. Bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân và chế độ xã hội chủ nghĩa. Giữ gìn hòa bình, ổn định để phát triển đất nước. Nâng cao vị thế và uy tín của Việt Nam trong khu vực và trên thế giới” (Văn kiện Đại hội XII của Đảng).

Trong xu thế hội nhập và phát triển hiện nay, không có quốc gia nào phát triển mà tách khỏi trào lưu chung của thế giới. Việt Nam phải kết hợp phát huy sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, đẩy mạnh quan hệ đối ngoại trên cơ sở giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, tranh thủ cao nhất nguồn lực bên ngoài, góp phần đưa Việt Nam phát triển nhanh và bền vững. Điều quan trọng là trong khi hội nhập phải giữ vững độc lập, tự chủ...

Việc xây dựng Đảng, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân được Đảng ta coi là vấn đề then chốt và vì vậy, cần được đẩy mạnh, triển khai quyết liệt hơn, bởi đây là vấn đề quan trọng hàng đầu quyết định sự tồn vong của chế độ. Tôn trọng và bảo vệ quyền độc lập, tự do của dân tộc, là sợi chỉ đỏ xuyên suốt là một chủ trương nhất quán của Đảng, Nhà nước ta từ trước tới nay. “Không có gì quí hơn độc lập, tự do” là chân lý vĩnh hằng cần phải được mọi thế hệ Việt Nam khắc ghi và gìn giữ.

PGS, TS Vũ Đăng Hiến

Nguồn Biên Phòng: http://bienphong.com.vn/vang-vong-ngan-nam-loi-the-doc-lap/