Vàng phi SJC bị ép giá

Từ khi có thông tin vàng SJC sẽ trở thành thương hiệu quốc gia, người nắm giữ vàng miếng các thương hiệu khác liên tục bị tiệm vàng, doanh nghiệp ép giá

Nghị định 24/CP về quản lý thị trường vàng là một bước đột phá khi xem vàng như ngoại tệ, quy vàng về một mối sản xuất và tiến tới hạn chế việc kinh doanh mua bán vàng miếng tràn lan như hiện nay. Tuy nhiên, quá trình triển khai nghị định đang có những bất cập, gây thiệt hại cho người nắm giữ vàng miếng, nhất là vàng phi SJC.

Thiệt đủ đường

Ngày 26-6, anh Trần Ngọc Tuấn, ngụ quận Bình Tân - TPHCM, cho biết vừa phải bán 5 chỉ vàng miếng Thần tài Sacombank (SBJ) với giá mua vào thấp hơn cả triệu đồng/lượng tại Ngân hàng (NH) TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) - nhà sản xuất vàng miếng thương hiệu này. Lúc nhận hóa đơn, anh mới ngã ngửa khi thấy số vàng mình bán bị thấp hơn cả triệu đồng/lượng so với giá niêm yết.
Bức xúc, anh lên gặp trưởng phòng giao dịch nhưng cũng nhận được câu trả lời ậm ừ rằng do vàng không có hóa đơn chứng từ… Theo anh Tuấn, số vàng này được Sacombank xác nhận là vàng SBJ đúng tiêu chuẩn, chất lượng, không bị móp méo, cong vênh. “Chẳng khác nào họ bắt chẹt khách hàng, niêm yết một đằng, mua vào một nẻo gây thiệt hại cho người bán vàng. Nếu số vàng này có người mua ngay sau đó, họ sẽ lời to khi bán đúng giá công bố” - anh Tuấn bức xúc.

Sắp tới, thị trường chỉ còn vàng miếng SJC do Ngân hàng Nhà nước kiểm soát việc sản xuất, gia công...Ảnh: HỒNG THÚY
Thực tế, tình trạng vàng “phi” SJC bị ép giá không mới và đã xảy ra từ nhiều tháng qua (từ khi có thông tin SJC trở thành vàng thương hiệu quốc gia), dù NH Nhà nước khẳng định các thương hiệu vàng miếng được bảo đảm quyền lợi ngang nhau. Tuy nhiên, một số tiệm vàng đã từ chối mua vào vàng phi SJC hoặc mua giá thấp hơn với lý do làm vàng nguyên liệu sản xuất nữ trang.
Một số doanh nghiệp (DN) vàng lớn cũng hạ giá vàng của thương hiệu mình thấp hơn vàng SJC. Đến nay, vàng miếng một số thương hiệu khác như Rồng Thăng Long, AAA… vẫn thấp hơn vàng SJC khoảng 1 triệu đồng/lượng. Nếu người dân bán vàng miếng các loại để đổi sang SJC sẽ bị thiệt trên 1 triệu đồng/lượng.

Với việc hạ giá này, một số chuyên gia kinh tế nhận xét các DN đang gom vàng miếng các loại giá thấp sẽ thu được lợi nhuận khá lớn từ chênh lệch khi chuyển sang vàng SJC. Gần đây, đến lượt vàng miếng SJC móp méo, cong vênh bị từ chối mua vào hoặc mua với giá thấp cho thấy quá trình triển khai Nghị định 24/CP có những điểm cần điều chỉnh.

Đừng để “treo” thị trường vàng

Với Nghị định 24/CP, vàng miếng sẽ bị cấm thanh toán, được quản lý như ngoại tệ khi chỉ NH Nhà nước là cơ quan duy nhất nhập khẩu, sản xuất và quản lý chặt chẽ. Việc sản xuất sẽ theo hạn mức từng lần, khó khăn hơn nhiều so với một thị trường có đến 8 thương hiệu khác nhau, mỗi thương hiệu một giá như hiện nay.

Ông Trần Thanh Hải, Tổng Giám đốc Công ty CP Kinh doanh và Đầu tư vàng Việt Nam (VGB), nhận xét sau hơn một năm thai nghén, qua hơn chục lần dự thảo, Nghị định 24/CP mới ra đời để kiểm soát chặt thị trường vàng miếng.
Tuy nhiên, việc giải quyết quyền lợi của người nắm giữ vàng phi SJC thời gian qua đã xuất hiện nhiều bất cập, gây thiệt hại cho người giữ vàng. Vì vậy, Nhà nước nên nhanh chóng cho các DN đăng ký (có kiểm soát) số lượng vàng miếng phi SJC của mình. Sau đó, tiến hành chuyển đổi số vàng này qua SJC để bảo đảm quyền lợi cho người mua vàng, giữ vàng.

“Cần có quy định sớm về việc chuyển đổi vàng phi SJC sau khi cho các DN vàng đăng ký số lượng cụ thể. Còn nhập nhằng là không xử lý được bởi ai dám chắc khi thông tư hướng dẫn lộ trình chuyển đổi được công bố sẽ không có sự lợi dụng quá trình chuyển đổi để kiếm lời, nhất là nguy cơ hợp thức hóa vàng lậu? NH Nhà nước nên đứng trên cơ sở lợi ích quốc gia để quyết định, thay vì đau đầu với các DN vàng miếng khác” - một chuyên gia nhìn nhận.

Vàng chuyển đổi phải có nguồn gốc rõ ràng

Một số nguồn tin cho biết NH Nhà nước đang hoàn tất dự thảo quy định về sản xuất, gia công vàng miếng. Theo đó, NH Nhà nước sẽ ký hợp đồng gia công vàng miếng với Công ty Vàng bạc Đá quý Sài Gòn (SJC) và quyết định khối lượng, thời điểm, nguồn vàng nguyên liệu để sản xuất. Còn SJC gia công vàng miếng theo yêu cầu và chịu sự giám sát của tổ giám sát sản xuất vàng miếng thuộc NH Nhà nước.

Dự thảo quy định về sản xuất, gia công vàng miếng cũng nêu rõ nguyên liệu sản xuất vàng miếng sẽ được lấy từ nguồn dự trữ ngoại hối NH Nhà nước và vàng miếng của DN, tổ chức tín dụng được NH Nhà nước cho phép sản xuất trong từng thời kỳ.
Loại vàng được đưa vào sản xuất là vàng miếng phải bảo đảm tiêu chuẩn có hàm lượng 999,9 của SJC. Riêng vàng miếng không đủ trọng lượng, bị cắt giũa, mài mòn, cong vênh, trầy xước, đóng thêm các dấu hiệu, ký hiệu không phải của SJC,… vẫn được xem là nguyên liệu sản xuất nhưng phải có nguồn gốc rõ ràng, chứng từ hợp lệ.

Th.Thơ

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/2012062609493899p0c1014/vang-phi-sc-bi-ep-gia.htm