Vàng chưa phải vật liệu đắt nhất để sản xuất đồng hồ

Bên cạnh vàng, bạch kim và tantalum cũng là những kim loại quý hiếm, thường được các hãng xa xỉ sử dụng trong chế tác đồng hồ, như Rolex, Vacheron Constantin hay Breguet.

Vàng là kim loại quý đại diện cho sự giàu có, quyền lực. Kim loại này là vật liệu lý tưởng trong trang sức và đồng hồ nhờ độ bền và linh hoạt tạo hình. Vàng giữ được ngoại hình lấp lánh qua thời gian và có độ dẻo cao, 1 g vàng có thể kéo sợi dài tới vài km mà không bị đứt. Vàng 24K ít được sử dụng trong sản xuất đồng hồ vì quá mềm. Thông thường, các nhà sản xuất sử dụng vàng 18K, hợp kim vàng 75% kết hợp các kim loại khác để tăng độ bền hoặc vàng 14K, vàng 9K. Rolex, Cartier, Patek Philippe… là một số cái tên nổi tiếng trong ngành khi nhắc đến đồng hồ vàng. Ảnh: Time+Tide Watches.

Bạch kim là vật liệu còn hiếm hơn vàng, do đó giá thành của đồng hồ bạch kim cũng có xu hướng cao hơn. Kim loại quý này có tất cả các đặc tính lý tưởng để làm trang sức, bao gồm bền bỉ, không gây kích ứng da, có màu trắng bạc sang trọng và trọng lượng nặng, tạo cảm giác sang trọng khi đeo. Nhắc đến đồng hồ bạch kim có thể kể đến A. Lange & Söhne Datograph, chiếc đồng hồ đại diện cho sự sang trọng và quý hiếm. Ảnh: Time+Tide Watches.

Tantalum giống titan một số điểm, như có tông màu xám, độ bền cao và không bị ăn mòn. Tuy nhiên, tantalum lại đặc và nặng hơn. Một chiếc đồng hồ làm bằng tantalum có trọng lượng nặng gần bằng đồng hồ làm từ vàng hoặc bạch kim. Tantalum là kim loại khan hiếm, hiếm hơn cả vàng và có chi phí khai thác cao nên khá ít hãng sử dụng để chế tạo đồng hồ. Ảnh: Eric Wind.

Thép không gỉ là ứng cử viên sáng giá trong ngành sản xuất đồng hồ, được biết đến với độ bền cao nhờ có lớp oxit thụ động nằm trên bề mặt, chống ăn mòn, ngăn chặn vi khuẩn xâm nhập. Thép không gỉ dễ đánh bóng sáng như gương, tăng tính thẩm mỹ cho đồng hồ. Một số dòng đồng hồ cao cấp như Omega Speedmaster hay Rolex Submariner cũng sử dụng thép không gỉ. Ảnh: Teddy.

Titan không những có khả năng chống ăn mòn, mà còn nhẹ hơn 45% so với thép không gỉ. Vật liệu này được ứng dụng trong nhiều lĩnh vực, như sản xuất xe đua thể thao, ngành hàng không. Ngoài ra, titan có ưu điểm không gây kích ứng da, nên thường được sử dụng sản xuất dụng cụ y tế. Tuy nhiên, do giá thành cao, titan thường xuất hiện trong đồng hồ cao cấp, như Tudor Pelagos hay Zenith Night Surfer. Ảnh: Hodinkee.

Gốm là vật liệu mới trong ngành sản xuất đồng hồ, thường thấy ở các mẫu đồng hồ hiện đại. Nhược điểm của gốm là giòn, có thể bị nứt khi rơi hoặc va đập mạnh. Nhưng điểm cộng là có khả năng chống trầy xước, giúp cho ngoại hình đồng hồ luôn như mới và mang đến nhiều màu sắc hiện đại cho đồng hồ. Chất liệu này được bắt gặp ở nhiều phân khúc đồng hồ. Một số ông lớn như Hublot hay Richard Mille cũng ứng dụng gốm trong các sản phẩm của mình. Ảnh: Time+Tide Watches.

Trước đây vật liệu nhôm không được sử dụng rộng rãi trong sản xuất đồng hồ vì đặc tính mềm, dễ móp khi bị va đập và dễ ăn mòn. Tuy nhiên, sự ra đời của các hợp kim vừa nhẹ và vừa bền bỉ hơn là nhôm 7075 hay nhôm Bulgaria đã khiến nhôm phủ sóng rộng hơn trong ngành sản xuất đồng hồ. Điển hình là Apple Watch, một trong những đồng hồ phổ biến nhất thế giới, sử dụng khung nhôm từ năm 2015. Ảnh: Time+Tide Watches.

Sợi carbon là một loại vật liệu mới trong ngành sản xuất đồng hồ. Vật liệu này được lựa chọn vì cứng, có trọng lượng rất nhẹ, chịu được nhiệt độ cao và có thể tạo ra nhiều màu sắc. Bên cạnh đó, dưới khuôn ép áp suất cao, các sợi carbon không đồng nhất tạo ra họa tiết bắt mắt như đá cẩm thạch. Nhờ các đặc điểm này, sợi carbon tạo nên các sản phẩm đồng hồ bền, siêu nhẹ và đa dạng màu, như Tissot Sideral S hay Girard Perregaux. Ảnh: Time+Tide Watches.

Sapphire tổng hợp là vật liệu lý tưởng để bảo vệ mặt kính đồng hồ. Vật liệu này có độ cứng cao, khả năng chống trầy tốt và chịu nhiệt tốt. Jacob & Co. Bugatti Chiron Tourbillon là một đại diện điển hình cho đồng hồ xa xỉ sử dụng Sapphire. Ngoài ra, vật liệu này cũng lan dần sang các lão làng khác như đồng hồ Zenith Defy Zero G hay Hublot Big Bang. Ảnh: Time+Tide Watches.

Nhựa là vật liệu phổ biến được dùng trong nhiều nhãn hiệu đồng hồ từ giá rẻ đến thương hiệu có tiếng như G-Shock, Swatch, Bamford và Ulysse Nardin. Vật liệu này có nhiều ưu điểm là khả năng chống sốc tốt, dễ tạo hình và giá thành dễ tiếp cận, nhưng nhựa đặt ra nhiều vấn đề về môi trường vì khả năng tái chế thấp. Ảnh: Time+Tide Watches.

Như Phương

Nguồn Znews: https://znews.vn/vang-chua-phai-vat-lieu-dat-nhat-de-san-xuat-dong-ho-post1455138.html