Vẫn vẹn nguyên ký ức hào hùng

Cựu chiến binh Lê Văn Trưng và Lê Văn Vĩ (ấp Tân Thới, xã Tân Phú, TX. Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang) dù không trực tiếp cầm súng chiến đấu, nhưng đã góp phần làm nên chiến thắng oanh liệt của quân và dân Ấp Bắc vào ngày 2-1-1963.Trận đánh ngày ấy cách đây đã 60 năm, nhưng năm nào cũng vậy vào những ngày này, với họ, những ký ức về trận đánh, chiến thắng lịch sử lại ùa về như mới xảy ra ngày hôm qua. Chúng tôi đã gặp lại những nhân chứng lịch sử, ghi chép lại những dòng hồi ức về trận đánh năm nào để cùng thế hệ hôm nay ôn lại những năm tháng lịch sử hào hùng của quân và dân Tiền Giang.HỒI ỨC KHÓ QUÊN

Một trong những nhân chứng hiếm hoi trong trận thắng Ấp Bắc đó là ông Lê Văn Trưng. Mặc dù tuổi đã cao nhưng ông vẫn còn minh mẫn. Nhắc đến những ngày diễn ra trận đánh, đôi mắt ông Trưng sáng lên, ký ức về một trận đánh lịch sử như ùa về. Ông Trưng cho biết: Năm 14 tuổi ông làm giao liên hợp pháp của xã, cứ 2, 3 ngày là nhận thư mang đến địa điểm đó và nhận thư mang về. Năm 1957, trong một lần đưa thư ông bị địch phát hiện, ông bỏ chạy nên không bị bắt.

Ông Lê Văn Trưng.

Ông Lê Văn Trưng.

Đến năm 1958, chuẩn bị cho Đồng khởi, ông trở về địa phương tham gia tự vệ du kích. Đến 1961, xã Tân Phú được giải phóng; năm 1963, ông làm Chi ủy viên, Bí thư Chi đoàn thanh niên lao động. Ông Trưng kể: “Khuya 1-1-1963, tôi cùng mấy anh em du kích được giao nhiệm vụ dẫn đường cho bộ đội hành quân qua Nam lộ, chuẩn bị chống càn, rồi đào công sự. Đến rạng sáng 2-1, xe GMC của địch chạy ầm ầm, rồi dừng lại đổ quân ngoài đầu lộ 24 và 25 (hướng vào Ấp Bắc). Tờ mờ sáng, chiến sự bắt đầu. Địch từ hướng quốc lộ càn vào đụng ngay bộ đội của Tiểu đoàn 261 chặn đánh quyết liệt. Pháo, đạn của địch bắn trả quyết liệt, người dân vào nấp trong trản xê”.

Sau Chiến thắng Ấp Bắc, ông Trưng làm Trưởng Công an xã Tân Phú. Năm 1970, ông bị bắt, sau đó bị đày ra Côn Đảo, đến năm 1974 mới được trao trả. Phát huy phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ, khi trở về địa phương, cựu chiến binh Lê Văn Trưng luôn tích cực tham gia công tác xã hội, gương mẫu đi đầu trong các phong trào.

Đặc biệt, ông được chính quyền và nhân dân địa phương tín nhiệm bầu làm Chi hội trưởng Chi hội Cựu chiến binh ấp Tân Thới cho đến nay. Điều đáng khâm phục là dù tuổi đã cao, nhưng ông vẫn luôn là tấm gương sáng về tinh thần tự học để các thành viên trong gia đình và người dân xung quanh noi theo.

Đang đưa chúng tôi về với quá khứ bằng những lời kể chậm rãi, bỗng nhiên ông Trưng ngưng lại, đưa tay dụi nhẹ vào đôi mắt. Có lẽ hồi ức về trận đánh, những kỷ niệm không thể nào quên ngày ấy đã khiến ông bồi hồi, khóe mắt già nua ứa lệ.

Chúng tôi ngồi bên ông không hỏi thêm, cảm xúc và thời gian khi ấy dường như đang ngưng đọng. Nhưng rồi ánh mắt đột nhiên bừng lên, đầy dũng khí, ông kể tiếp: “Anh em du kích như chúng tôi làm nhiệm vụ dọn đường và tải thương đã rất nguy hiểm nói chi bộ đội ta trực tiếp cầm súng chiến đấu. Có những anh bị thương, được chúng tôi đưa về phía sau, nhưng vẫn nêu cao tinh thần quyết chiến”.

Tình hình rạng sáng 2-1 rất căng thẳng. Xe tăng địch càn vào vị trí đóng quân của Tiểu đoàn 261, pháo địch dập vào địa hình của ta rất dữ đội. Tàu bay của địch kéo có bầy giăng kín bầu trời Ấp Bắc. Bom, pháo dội xuống trận địa không biết sao mà kể cho hết. Dù chỉ trang bị vũ khí thô sơ, đạn dược lại thiếu thốn, nhưng bộ đội ta đã tiêu diệt được xe tăng của địch, làm cho địch hốt hoảng tháo chạy.

KÝ ỨC HÀO HÙNG

Đã 60 năm, Phó An ninh xã Lê Văn Vĩ ngày nào giờ đã xấp xỉ tuổi 90, nhưng trong ông vẫn vẹn nguyên khí thế tiến công và niềm tự hào. Theo dòng hồi tưởng, ông Vĩ nhớ lại: Năm 1963, tôi tham gia trong Đại đội 1 của Tiểu đoàn 514. Lúc đó, Tiểu đoàn 261 đóng ở Ấp Bắc, còn Tiểu đoàn 514 đóng ở ấp Tân Thới theo hình chữ “L”. Được Bí thư Chi bộ phân công nhiệm vụ làm công tác chuyển thương, nên tôi chuẩn bị sẵn sàng võng, gậy….

Ông Lê Văn Vĩ.

Ông Lê Văn Vĩ.

Giọng ông Vĩ hùng hồn: “Trong 1 ngày, nơi đây trở thành bãi chiến trường ác liệt. Quân và dân dưới làn mưa bom, bão đạn của địch vẫn dũng cảm xông lên, dẫn đường cho các đơn vị vũ trang đánh chiếm các mục tiêu, tham gia tải thương, tiếp đạn, tiếp lương thực cho bộ đội”. Ông Vĩ kể tiếp: Tôi còn nhớ, đến 8 giờ tối ngày 2-1, địch bắn DKZ 57, có anh tên Thanh bị thương, tôi cùng anh em bộ đội đưa anh Thanh vào nơi an toàn.

Trước và sau trận Ấp Bắc, với nhiệm vụ là Phó An ninh xã, ông Vĩ đã phát động các phong trào yêu nước trong nhân dân, nhất là thanh niên hăng hái tham gia các phong trào cách mạng, vận động thanh niên tham gia du kích. Sau đó, ông làm an ninh tỉnh, rồi Phó Công an huyện Cai Lậy. Năm 1984, ông Vĩ là Bí thư Đảng ủy xã Tân Phú, đến năm 1990 thì nghỉ hưu. Chứng kiến sự thay đổi của quê hương ông Vĩ rất mừng vì thấy ngày nay di tích Chiến thắng Ấp Bắc đã được xây dựng thành khu di tích lịch sử khá quy mô, xứng đáng với ý nghĩa lịch sử; quê hương Tân Phú ngày càng phát triển.

Do vết thương quá nặng nên anh Thanh đã hy sinh. Sau một ngày kiên cường bám trụ, anh dũng chiến đấu chống càn, quân và dân Ấp Bắc lần lượt đánh bại 5 đợt tiến công của địch, loại khỏi vòng chiến đấu 450 tên địch, bắn rơi 8 chiếc máy bay trực thăng, bắn cháy 3 chiếc xe thiết giáp và làm hư hại nhiều máy bay, phương tiện chiến tranh khác của địch.

Chiến tranh đã lùi xa, mái tóc của ông Trưng, ông Vĩ năm nào nay đã pha màu năm tháng, khóe mắt hằn rõ vết chân chim. Giờ đây, khi nhớ về những người đã ngã xuống, lòng 2 ông không khỏi quặn thắt, xót xa. 2 ông luôn hy vọng các thế hệ con cháu sau này sẽ giữ mãi hào khí dân tộc, ghi nhớ những trang sử hào hùng của đất nước và công ơn của thế hệ đi trước, tiếp tục đóng góp công sức, trí tuệ dựng xây Tổ quốc ngày càng tươi đẹp.

LÊ PHƯƠNG

Nguồn Ấp Bắc: http://baoapbac.vn/chinh-tri/202212/tien-toi-ky-niem-60-nam-ngay-chien-thang-ap-bac-2-1-1963-2-1-2023-van-ven-nguyen-ky-uc-hao-hung-966836/