Vận tải Biển Việt Nam (VOS) tính đầu tư 3 tàu mới gần 2.000 tỷ đồng và thuê thêm tàu

Công ty Cổ phần Vận tải Biển Việt Nam (mã cổ phiếu VOS) dự kiến sẽ đầu tư 03 tàu mới và thuê thêm tàu khai thác trong năm nay; qua đó, kỳ vọng lãi ròng sẽ tăng hơn 61% so với năm 2023.

Công ty Cổ phần Vận tải Biển Việt Nam (mã cổ phiếu VOS - sàn HoSE) vừa công bố tài liệu họp Đại hội đồng cổ đông thường niên 2024, dự kiến tổ chức vào ngày 12/4.

Theo đó, Vận tải Biển Việt Nam dự kiến sẽ đầu tư 3 tàu mới trong năm nay, gồm 02 tàu hàng rời cỡ 38.000 DWT và 64.000 DWT và 01 tàu dầu cỡ 50.000 DWT. Tổng mức đầu tư khoảng 1.900 tỷ đồng; trong đó, vốn đối ứng của công ty là 40% (tương đương 760 tỷ đồng).

Bên cạnh đó, Vận tải Biển Việt Nam sẽ tiếp tục theo dõi diễn biến thị trường để thuê thêm tàu khai thác bằng nhiều hình thức. Hiện tại, công ty này đang thuê 02 tàu dầu trọng tải 50.000 DWT theo hình thức thuê tàu trần (bareboat) và 2 tàu dầu/hóa chất trọng tải 13.000 DWT cùng một số tàu hàng khô theo hình thức thuê tàu chuyến (voyage relet).

Vận tải Biển Việt Nam dự kiến đầu tư 03 tàu mới trong năm nay với tổng mức đầu tư lên đến 1.900 tỷ đồng.

Khi thuê tàu theo hình thức tàu trần, người thuê sẽ có toàn quyền sử dụng chiếc tàu, nhưng phải chịu toàn bộ chi phí bảo hiểm, bảo dưỡng trong suốt thời gian thuê. Ngược lại, đối với hình thức thuê tàu chuyến thì người thuê chỉ phải bỏ cước phí, không phải chịu các loại chi phí liên quan đến vận hành tàu.

Năm nay, Vận tải Biển Việt Nam dự kiến sẽ thanh lý tàu dầu Đại Minh, trọng tải 47.148 DWT, được đóng năm 2004 tại Nhật Bản do tàu đã trên 20 tuổi khiến hiệu quả khai thác kém. Ngoài ra, công ty cũng sẽ xem xét thanh lý thêm tàu Vosco Star và 02 tàu container theo kế hoạch được giao từ công ty mẹ - Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (chi phối 51% vốn tại Vận tải Biển Việt Nam).

Nhận định về triển vọng thị trường năm nay, ban lãnh đạo Vận tải Biển Việt Nam đánh giá hoạt động kinh doanh vẫn còn gặp nhiều khó khăn khi mức chi phí yêu cầu tăng lên. Mở đầu năm 2024, thị trường tàu dầu sản phẩm có những diễn biến khá tích cực nhưng thị trường tàu hàng khô và tàu container vẫn duy trì ở mức thấp.

Do đó, Vận tải Biển Việt Nam sẽ tiếp tục tăng cường công tác quản lý chi phí, tái cơ cấu và quản lý khai thác đội tàu. Qua đó, kỳ vọng lãi ròng năm nay đạt 323 tỷ đồng, tăng 61,5% so với mức nền thấp của năm 2023.

Khối lượng giao dịch và xu hướng giá cổ phiếu VOS của Vận tải Biển Việt Nam từ đầu năm 2023 đến nay. (Nguồn: TradingView)

Về kết quả kinh doanh năm 2023, tính riêng quý 4, lãi ròng của Vận tải Biển Việt Nam tăng mạnh 476%, đạt 104,5 tỷ đồng do khoản lãi từ tái cơ cấu (84 tỷ đồng) và lãi từ bán tàu Neptune Star (60 tỷ đồng).

Mặc dù lãi ròng tăng trưởng mạnh mẽ trong quý cuối cùng của năm nhưng kết quả kinh doanh cả năm 2023 của Vận tải Biển Việt Nam lại kém tích cực. Cụ thể, lũy kế cả năm 2023, công ty này chỉ ghi nhận lãi sau thuế chỉ đạt 155 tỷ đồng, giảm 68% so với năm 2022, rơi xuống đáy 3 năm.

Vận tải Biển Việt Nam cho biết thị trường tàu hàng khô và tàu container năm qua giảm sút rất nhiều khiến hiệu quả kinh doanh đi xuống. Thị trường container giảm mạnh dẫn đến việc nhiều tàu trước đây được cho thuê T/C (thuê tàu định hạn) ra nước ngoài đã quay trở lại khai thác nội địa do không tiếp tục cho thuê được, làm cung tàu vận chuyển nội địa tăng. Trong khi nhu cầu vận chuyển yếu khiến các hãng phải cạnh tranh gay gắt, kéo giá cước vận chuyển giảm sâu.

Duy Quang

Nguồn Tạp chí Công thương: http://tapchicongthuong.com.vn/bai-viet/van-tai-bien-viet-nam-vos-tinh-dau-tu-3-tau-moi-gan-2000-ty-dong-va-thue-them-tau-118562.htm