Văn nghệ sĩ cao tuổi - nguồn nhân lực quý hiếm

Văn nghệ sĩ là những người hoạt động trong nhiều lĩnh vực văn nghệ: Sáng tác, biểu diễn, nghiên cứu, giảng dạy và trong nhiều loại hình: Văn, thơ, âm nhạc, múa, xiếc, sân khấu, điện ảnh, nhiếp ảnh, hội họa. Tuổi nghề của nghệ sĩ biểu diễn ngắn hơn nghệ sĩ sáng tác, nghiên cứu lý luận.

Ngược lại với nghệ sĩ biểu diễn sung sức nhất khi còn trẻ, nghệ sĩ sáng tác và nghiên cứu, lý luận thì qua tuổi thanh xuân đến tuổi trung niên và về già, càng sung mãn và “chín”.

Có một sự thật ai cũng thấy rõ: Nhiều tác phẩm có giá trị nhất đã ra đời khi tác giả không còn trẻ, có khi đã rất cao tuổi. Không thiếu trường hợp ở giai đoạn tuổi trẻ, tác giả chưa gặt hái được gì đáng kể. Nhưng họ trở nên nổi tiếng khi đã cao tuổi. Ví như ở nước ta, hai nhà văn Nguyễn Xuân Khánh và Hoàng Quốc Hải là những trường hợp tiêu biểu.

Nguyễn Xuân Khánh (1933-2021) bắt đầu cầm bút từ sớm nhưng phải đến năm 2000, khi đã 67 tuổi mới trở nên thực sự nổi tiếng với cuốn tiểu thuyết lịch sử có giá trị mang tên “Hồ Quý Ly”. Sau đó, tên ông càng được củng cố thêm với hai tiểu thuyết đình đám nữa là “Mẫu Thượng ngàn” (2006) và “Đội gạo lên chùa” (2011).

Nhà văn Hoàng Quốc Hải (sinh năm 1938) làm báo, viết văn từ lâu. Nhưng chưa ai để ý. Cũng mãi đến năm 65 tuổi (2003), độc giả mới biết đến ông với sự ra đời 2 cuốn tiểu thuyết lịch sử liên tiếp “8 triều vua Lý” và “Bão táp triều Trần” được công chúng đón nhận. Hiện tại, ông được coi là nhà văn đang còn trên “cõi tạm” viết tiểu thuyết lịch sử hay nhất ở nước ta.

Nhạc sĩ Trần Viết Bính 90 tuổi (bên trái) và nhà văn Nguyễn Đắc Như 82 tuổi vẫn còn sức làm việc tốt, thường xuyên sáng tác.

Bùi Ngọc Tấn (1934 - 2014) cũng tương tự hai nhà văn nói trên. Ông viết báo, viết văn từ năm 20 tuổi nhưng phải đến năm 66 tuổi mới nổi tiếng bởi cuốn tiểu thuyết gai góc “Chuyện kể năm 2000” (NXB Thanh niên). Hơn 10 năm sau, ông có tiểu thuyết “Biển và chim bói cá” cũng gây được tiếng vang. Và còn nhiều trường hợp khác khi về già, các tác giả mới khẳng định được chỗ đứng vững chắc của mình trong làng cầm bút.

Những văn nghệ sĩ làm công tác nghiên cứu, lý luận và giảng dạy lại càng chứng minh rõ câu nói: “Gừng càng già càng cay” và “Thầy già, con hát trẻ”. Muốn nghiên cứu, lý luận tốt gắn với những công trình khoa học có chất lượng, có giá trị lý luận và thực tiễn đòi hỏi người nghiên cứu phải giàu vốn kiến thức cả sách vở lẫn đời sống. Để đạt được điều này, người nghiên cứu quá trẻ khi chưa đủ vốn sống, sự trải nghiệm cần thiết, cũng chưa thể tích lũy được nhiều kiến thức sách vở. Sự thông thái, uyên bác về tri thức chỉ có thể có ở những người đạt được một độ chín nhất định nào đó về vốn sống, về sự trải nghiệm cuộc đời.

Nhiều văn nghệ sĩ tài năng đã phát huy tác dụng lớn nhất, đóng góp được nhiều nhất lại từ khi nghỉ hưu (từ 60 tuổi). Điều này là dễ hiểu vì trước tuổi đó, họ còn bận công tác. Nhiều người làm quản lý nên rất ít thời gian dành cho sáng tác và nghiên cứu. Về hưu, họ mới có thể dành toàn bộ thời gian cho lao động nghệ thuật. Khi tuổi thọ trung bình của người Việt Nam hiện nay là 73,6 thì tuổi nghỉ hưu đối với văn nghệ sĩ như đã nói là quá phí phạm.

Thực tế cũng cho thấy số văn nghệ sĩ khi nghỉ hưu ốm yếu, không còn khả năng sáng tạo là ít so với số còn sung mãn, khả năng làm nghề còn hơn cả trước do độ chín và có nhiều thời gian. Ngay cả nghệ sĩ biểu diễn đặc biệt là diễn viên sân khấu và điện ảnh cũng chứng minh rõ điều này, nhất là biên kịch và đạo diễn. Các đạo diễn Đào Mộng Long, Doãn Hoàng Giang, Xuân Huyền, Lê Hùng (sân khấu), Đặng Nhật Minh, Trần Phương (điện ảnh) khi đã ở tuổi 60 vẫn làm nên nhiều tác phẩm đặc sắc.

Âm nhạc là lĩnh vực có nhiều tác phẩm hay, có giá trị được các tác giả sáng tác khi đã nghỉ hưu. Những tên tuổi nổi tiếng như Hoàng Vân, Huy Du, Phạm Tuyên, Nguyễn Đức Toàn, Doãn Nho, Hoàng Hiệp, Trần Viết Bính, Hồng Đăng, Thuận Yến... từ khi nghỉ hưu đã sáng tác rất khỏe. Có người sung sức tới khi đã ở tuổi 80. Doãn Nho là nhạc sĩ có sức làm việc phi thường. Ở tuổi 80, khả năng làm việc của ông vẫn như mấy chục năm trước. Dịp kỷ niệm 1000 năm Thăng Long (2010), ở tuổi gần 80, ông viết thanh xướng kịch hoành tráng có tên “Hoa Lư - Thăng Long”. Càng đặc biệt khi năm 2022, ở tuổi 90, ông viết vở nhạc kịch “Bài ca tình yêu” khiến đồng nghiệp nể phục. Có một xu thế chung là càng ngày, tuổi làm nghệ thuật càng được kéo dài. NSND Trần Hiếu năm nay đã 88 tuổi (sinh năm 1936). Khi đã bước vào tuổi 80, ông hát vẫn còn hay, vẫn biểu diễn trên sân khấu, được công chúng tán thưởng.

Văn nghệ sĩ cao tuổi có nhiều đóng góp rất đáng kể cho sự nghiệp văn nghệ đất nước là một thực tế không thể phủ nhận. Tất cả họ chỉ hưởng lương như mọi cán bộ, viên chức nghỉ hưu. Phổ biến trong khoảng từ 7 đến 10 triệu đồng/tháng ở khu vực dân sự. Là sĩ quan quân đội hoặc công an có thể nhiều hơn chút ít, nhưng cũng chỉ trên dưới mươi triệu. Làm thơ, viết truyện ngắn, viết báo nếu được đăng - năm thì mười họa - thì nhuận bút không đáng bao nhiêu.

Thơ và ca khúc thì vài trăm nghìn đồng/bài. Truyện và ký thì chừng gấp đôi, gấp 3 như vậy. Ấy là chưa nói có những tờ báo khó khăn đã “nợ” nhuận bút tác giả cả năm trời. Bây giờ, hầu như không ai sống được bằng tiền nhuận bút. Không những thế còn phải mất tiền để giới thiệu tác phẩm. Những tác phẩm may mắn được các nhà xuất bản in bằng tiền tài trợ của Nhà nước chỉ chiếm chừng vài phần trăm. Còn lại hầu như tất cả các tác giả phải lo tiền để in. In một tập thơ chừng mươi triệu đồng.

Văn xuôi, tiểu thuyết phải vài ba chục triệu. Tác giả chỉ thu lại niềm vui tinh thần trong khi hiệu quả giáo dục tư tưởng và thẩm mỹ ở những tác phẩm có giá trị là rất lớn, không thể đong đếm. Các tác phẩm âm nhạc cũng chung số phận. Để công chúng có thể nghe được, âm nhạc phải được vang lên chứ không thể chỉ đọc trên giấy như văn, thơ. Thế là các tác giả phải đôn đáo tự lo việc thu thanh gồm mời người phối khí, hòa âm, ca sĩ và thuê phòng thu (studio). Chi phí cho những việc này là không ít.

Qua những điều nói về việc phát hành tác phẩm như trên thì thấy người sáng tác chẳng những không thu được quyền lợi vật chất gì từ tác phẩm mà còn phải mất thêm tiền để đứa con tinh thần của mình đến được với công chúng. Không ít tác giả khó khăn về tài chính đã phải ngậm ngùi nhìn “đứa con” tinh thần không được ra với xã hội, không được phục vụ công chúng.

Văn nghệ sĩ có niềm đam mê chân chính là lao động nghệ thuật hết mình, vô bờ bến, không có điểm dừng. Còn chút sức lực, họ còn tận hiến. Vậy thì nhà nước cần hiểu rõ điều này để tạo mọi điều kiện tốt nhất cho họ phát huy tài năng - một tài năng vô cùng quý hiếm được tích lũy, rèn rũa cả cuộc đời. Một chế độ đãi ngộ hợp lý đủ để duy trì sức sáng tạo của văn nghệ sĩ cao tuổi cần được nhanh chóng thiết lập và thực thi. Đây là một việc mang tính pháp lý chứ không chỉ là từ thiện như lâu nay đây đó, các Hội Văn học nghệ thuật ở Trung ương và địa phương vẫn làm. Rất trân trọng những nghĩa cử của các đoàn thể xã hội dành cho những văn nghệ sĩ có hoàn cảnh khó khăn đặc biệt, đột xuất như gia cảnh quá gieo neo, lương hưu thấp, lại ốm yếu, bệnh tật. Việc này là cần thiết nhưng chưa đủ, chưa giải quyết được tận gốc vấn đề. Và dù sự giúp đỡ dẫu có là hậu hĩnh nhưng không thể thường xuyên, chỉ là giải pháp tình thế.

Bộ Lao động - Thương binh - Xã hội cần phối hợp với các Hội Văn học, nghệ thuật xây dựng nên chính sách tỷ mỷ, cụ thể để áp dụng chính thức đối với mọi đối tượng trong diện đề cập. Tất nhiên, việc này không thể đại trà mang tính cào bằng, bình quân mà phải căn cứ vào thực lực, khả năng sáng tạo, vào những sản phẩm cụ thể của văn nghệ sĩ. Điều rất cần nói nữa là riêng trong lĩnh vực biểu diễn nghệ thuật không nên có giới hạn tuổi nghỉ hưu vì thực tế cho thấy rất nhiều người khi nghỉ mới đang ở độ chín nhất và gặt hái nhiều thành quả, đặc biệt trong lĩnh vực sân khấu. Sự thật là nghỉ rồi, họ rời sân khấu “hành chính” nhưng lại đóng góp rất nhiều cho những nơi “đánh thuê”. Còn những người không còn sức khỏe, không còn “lửa”, diễn không hiệu quả, họ sẽ tự rút lui. Hiện tại, một số lượng khá lãng phí diễn viên lĩnh vực sân khấu đã rời sự nghiệp khi họ vẫn còn rất sung sức.

Lao động nghệ thuật cũng như mọi thứ lao động khác. Văn nghệ sĩ cũng là những người lao động. Nhưng có đặc thù riêng như đã nói trên. Nếu không nhanh chóng tận dụng nguồn nhân lực này bằng những chính sách thật cụ thể gắn liền với chế đội đãi ngộ, chế độ chăm sóc cần thiết của Nhà nước thì sẽ vô cùng lãng phí. Và đời sống tinh thần của công chúng sẽ trực tiếp bị thiệt thòi.

Nguồn VNCA: https://vnca.cand.com.vn/tu-lieu-van-hoa/van-nghe-si-cao-tuoi-nguon-nhan-luc-quy-hiem-i710237/