Vấn nạn tình trạng xâm hại tình dục trẻ em: Khi 'ác quỷ' là... người thân

Thông tin từ Tổng đài điện thoại quốc gia bảo vệ trẻ em 111 cho thấy, trong 9 tháng qua, có 92 ca gọi đến có nhu cầu hỗ trợ, can thiệp xâm hại tình dục (XHTD) và có tới 28,2% thủ phạm XHTD trẻ em là người thân của trẻ, nên công tác điều tra xử lý các vụ XHTD còn gặp nhiều khó khăn.

Sự hỗ trợ kịp thời sẽ giúp trẻ em để lại bóng tối của quá khứ ở phía sau. (Ảnh minh họa. Nguồn Internet)

Trẻ em là nạn nhân của XHTD sẽ phải đối mặt với các vấn đề “vết thương trong tâm trí hoặc trên cơ thể ngay lập tức và âm ỉ trong nhiều năm sau đó” khiến chất lượng cuộc sống của trẻ bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Nguy hiểm hơn, trẻ trải qua XHTD có nguy cơ tăng gấp 2 - 3 lần tái trở thành nạn nhân khi trưởng thành...

Nỗi ám ảnh khôn nguôi

Kết hôn với một người đàn ông có nhiều sự đồng điệu về tâm hồn, Hiên những tưởng cuộc sống cứ thế êm đềm trôi qua, nhưng không ngờ những sợi dây từ quá khứ vẫn hiện lên trói buộc cuộc sống hạnh phúc của hiện tại. Quá khứ ấy là khi Hiên bước vào tuổi dậy thì, sống cùng cha mẹ và các anh chị em trong gia đình. Ngôi nhà êm ấm bỗng trở thành nơi cư trú của sự sợ hãi và tức giận khi một ngày chính người anh ruột nhân cơ hội em học bài và ngủ thiếp đi trong căn phòng riêng một mình mà xâm hại em.

Những năm sau đó, sức khỏe tinh thần của Hiên đi xuống trầm trọng. Em thường xuyên cảm thấy tức giận, cô đơn, chán nản, không còn hứng thú và thiết tha với các hoạt động xung quanh. Sau khi kết hôn, những nhu cầu kết nối về mặt cơ thể của chồng nhiều khi làm Hiên giật mình thảng thốt và sợ hãi. Hiên cũng thường cảm thấy cô đơn, không được chồng mình yêu thương và hiểu. Đã nhiều lần Hiên tự vấn bản thân mình: “Không phải mọi vết sẹo đều sẽ lành đi theo tháng năm sao?”. Nhưng không, vết thương không được sơ cứu từ sớm cứ âm thầm lan đến thực tại.

“Tại sao bố mình lại có thể làm như vậy? Bố mẹ chẳng phải để yêu thương và bảo vệ con cái sao?”. Suốt tuổi thơ, Nga sống trong nỗi hoang mang, bế tắc và đau khổ, luôn dằn vặt về chuyện đã xảy ra giữa bố và mình. Chuyện bắt đầu từ khi Nga còn đang học tiểu học, sau những đêm mơ hồ thấy quần áo của mình bị cởi ra và trở nên xộc xệch, em phát hiện ra người làm chuyện đó là bố của mình. Càng lớn, em càng hiểu hơn hành vi đó và đành tự nhủ: “Bố làm thế vì bố yêu thương mình thôi”, dù trong sâu thẳm em biết đó là điều không đúng.

Sau rất nhiều năm chịu đựng một mình, khi em đủ dũng cảm để nói với mẹ, mẹ đã yêu cầu em phải giữ kín bí mật này để không làm ảnh hưởng đến danh dự và mối quan hệ trong gia đình. Nỗi đau khổ cứ thế chất chứa ngày càng nhiều, đêm nào em cũng khóc và tự làm đau bản thân. Em không thể kết bạn và chẳng có lấy một người bạn thân để chia sẻ với mình.

Thủ phạm XHTD trẻ em hầu hết là người thân quen của trẻ

Hiên, Nga là những trường hợp đã từng được Tổ chức Hagar quốc tế tại Việt Nam (Hagar là tổ chức phi chính phủ được thành lập năm 1994 để đáp ứng nhu cầu của nhóm phụ nữ và trẻ em dễ bị tổn thương sau cuộc nội chiến ở Campuchia. Năm 2009, Hagar Việt Nam được thành lập để hỗ trợ những người chịu ảnh hưởng của mua bán người, xâm hại tình dục và bạo lực gia đình thông qua văn phòng đại diện ở Hà Nội và các dự án vào cộng đồng và các khóa tập huấn) hỗ trợ tâm lý để hồi phục sau sang chấn do XHTD để lại. Điểm chung của 2 câu chuyện này đó là thủ phạm XHTD trẻ em là người thân của trẻ.

Theo ThS. Tô Thị Hạnh - Tổ chức Hagar Quốc tế tại Việt Nam, thực trạng XHTD qua công tác hỗ trợ của Hagar cho thấy, số lượng ca XHTD trong 5 năm gần đây trẻ em 39 trường hợp; trên 18 tuổi 51 trường hợp. Thủ phạm XHTD trẻ em hầu hết là người thân quen của trẻ như: cha, cha dượng; người quen biết của gia đình, hàng xóm; bạn quen qua mạng; bạn trai. Bối cảnh xảy ra vụ việc là khi bố mẹ đi làm xa/làm tới tối muộn, con ở nhà tự lo; bạn rủ đi chơi và ép uống rượu; chia sẻ hình ảnh cho người yêu. Có những trường hợp đặc biệt như mẹ bị bạo lực và thao túng tâm lý bởi người cha/bạn tình nên làm ngơ những hành động XHTD với con mình; trẻ sống trong gia đình nhiều thế hệ sinh sống; gia đình có người có vấn đề sức khỏe tâm thần; lạm dụng chất gây nghiện...

Tại Tọa đàm “Thách thức và giải pháp trong công tác hỗ trợ trẻ em trải qua xâm hại tình dục” do Tổ chức Hagar quốc tế tại Việt Nam vừa tổ chức vào cuối tháng 10/2023, bà Nguyễn Thuận Hải, Trưởng Tổng đài điện thoại quốc gia bảo vệ trẻ em 111 cho biết, trong 9 tháng qua, tổng số cuộc gọi đến tổng đài là hơn 238.000 cuộc, trong đó 92 ca gọi đến có nhu cầu hỗ trợ, can thiệp xâm hại tình dục (XHTD), 28,2% thủ phạm XHTD trẻ em là người thân của trẻ.

“Về môi trường bị xâm hại có 278/442 trẻ em bị XHTD ngoài cộng đồng (62,9%); 90 trẻ em bị XHTD trong gia đình (20,4%); 74 trẻ em bị XHTD trong nhà trường. Về thủ phạm xâm hại trẻ em: hàng xóm (23,8%); bạn bè/người yêu của trẻ (21,5%); người lạ (15,8%); bố đẻ có 43 trường hợp, chiếm 9,7%; người thân của trẻ: họ hàng, ông bà, anh chị em (9,0%); bố dượng (8,6%); giáo viên/cán bộ nhà trường (3,2%) và các đối tượng khác chiếm (8,4%)”, theo bà Hải.

Dũng cảm bước qua cái bóng của quá khứ

Tìm đến với Tổ chức Hagar quốc tế tại Việt Nam để được hỗ trợ tâm lý, có thể nói Hiên, Nga đã dũng cảm bước qua cái bóng của quá khứ. Với Hiên, khi nỗi đau trong quá khứ được chăm sóc, Hiên không còn bị ám ảnh, để từ đó có thể mở lòng mình đón nhận và trao yêu thương với chồng. Dòng chảy của sự thay đổi tích cực tuôn trào trong Hiên và cuộc sống hôn nhân mỗi ngày. Để lại bóng tối của quá khứ ở phía sau, Hiên tận hưởng hạnh phúc gia đình và vui mừng chào đón một em bé kháu khỉnh ra đời.

Những tháng ngày bế tắc dần trở nên bình yên khi Nga thi đỗ đại học, rời khỏi gia đình đi học ở thành phố khác. Trong quá trình hàn gắn, em đã học cách dừng đổ lỗi cho bản thân, thay vào đó yêu thương và chấp nhận bản thân mình. “Mình không mong muốn bất kỳ cô bé nào phải trải qua những giây phút như vậy. Nhưng nếu không may nó đã xảy ra, hy vọng các bạn tin vào bản thân rằng đó không phải là lỗi của bạn và hãy cố gắng tìm kiếm sự giúp đỡ càng sớm càng tốt”, Nga tâm sự.

Thực tế cho thấy, để hỗ trợ trẻ trải qua xâm hại tình dục cần rất nhiều giải pháp kịp thời. Theo ThS. Tô Thị Hạnh - Tổ chức Hagar Quốc tế tại Việt Nam, nếu được hỗ trợ kịp thời, đặc biệt là các ca hỗ trợ trực tiếp cho trẻ em trong tình trạng khẩn cấp do bị xâm hại tình dục bạo lực nghiêm trọng, trẻ sẽ thấy được tôn trọng, được hiểu, từ đó có niềm tin và có mối quan hệ kết nối với người trợ giúp, để sẵn sàng chia sẻ với người hỗ trợ và kết nối được với bên thứ ba (công an, bác sĩ, luật sư và kết nối lại với người chăm sóc); trẻ chấp nhận sự việc đã xảy ra trong quá khứ để tự tin hơn thông qua việc trẻ hiểu về quyền, lợi ích và nhìn nhận hợp lý sau sự việc...

Tuy nhiên, cũng theo bà Tô Thị Hạnh, việc hỗ trợ tâm lý cho trẻ em trải qua XHTD cũng đang gặp nhiều khó khăn như: định kiến từ chính những người chăm sóc và hỗ trợ; cán bộ làm công tác trẻ em xuất hiện những dấu hiệu căng thẳng, bất lực dẫn đến nguy cơ tái sang chấn cho trẻ; vấn đề tập huấn ngắn hoặc tập huấn dài hạn về hỗ trợ tâm lý cho trẻ em mới tập trung ở một số địa điểm nhất định...

“Một trong những bài học kinh nghiệm của Hagar là sự phối hợp đồng bộ giữa các cơ quan, tổ chức bảo vệ hỗ trợ trẻ em rất cần thiết để có thể can thiệp sớm và phù hợp. Ngoài việc hỗ trợ trẻ thì cần hỗ trợ cả gia đình và cán bộ hỗ trợ phải có kiến thức phù hợp để đánh giá được các khía cạnh trẻ bị ảnh hưởng trước mắt và cả về sau. Vì thế, vấn đề duy trì nâng cao năng lực và thực hành công tác bảo vệ hỗ trợ trẻ ở cấp độ tổ chức và với các nhóm cán bộ cộng đồng; kết hợp giữa tập huấn và kiểm huấn/hỗ trợ cán bộ bảo vệ và hỗ trợ trẻ tại địa phương; duy trì các hoạt động chăm sóc sức khỏe tinh thần cho nhóm cán bộ... là rất cần thiết”, theo bà Tô Thị Hạnh. (Tên các nhân vật đã được thay đổi).

Ở góc độ Tổng đài điện thoại quốc gia bảo vệ trẻ em 111, bà Nguyễn Thuận Hải cũng cho biết bên cạnh tình trạng cán bộ làm công tác bảo vệ trẻ em không nắm được quy trình can thiệp hỗ trợ trẻ đợi kết luận từ công an chậm trễ; chưa có đội ngũ nhân viên công tác xã hội chuyên nghiệp cấp xã; thiếu các dịch vụ hỗ trợ cho trẻ em bị xâm hại tình dục, nhất là dịch vụ đánh giá tham vấn trị liệu về tâm lý... thì các chính sách hỗ trợ còn bất cập và chưa đáp ứng được nhu cầu.

Do đó, cần tiếp tục hoàn thiện hệ thống luật pháp chính sách về trẻ em như ban hành quy trình tiêu chuẩn cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em chính sách trợ giúp trẻ em bị xâm hại; tổ chức các chiến dịch truyền thông nâng cao nhận thức phòng, chống xâm hại trẻ em về những quy định pháp luật liên quan đến xâm hại trẻ em, trong đó có XHTD trẻ em; nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ làm công tác xã hội trợ giúp cho trẻ em tại các trung tâm công tác xã hội về hỗ trợ tâm lý cho trẻ em bị xâm hại; hỗ trợ tập huấn bồi dưỡng kiến thức chuyên môn cho nhân viên tư vấn Tổng đài 111 liên quan đến thu thập chứng cứ bằng chứng các vụ việc XHTD trẻ em, xâm hại trẻ em trên môi trường mạng mua bán người..., bà Nguyễn Thuận Hải nêu đề xuất.

Hồng Minh

Nguồn Pháp Luật VN: https://baophapluat.vn/van-nan-tinh-trang-xam-hai-tinh-duc-tre-em-khi-ac-quy-la-nguoi-than-post494212.html