Văn minh nơi công cộng

Ứng xử nơi công cộng được hiểu là giao tiếp của con người với nhau và ý thức của mỗi người đối với môi trường sống. Nếu giao tiếp biểu thị sự tôn trọng, quan tâm, giúp đỡ người khác và có ý thức giữ gìn, bảo vệ môi trường sống thì đó là hành vi ứng xử văn hóa. Trong không gian giao tiếp ngày càng mở rộng thì văn hóa ứng xử của mỗi người cần nâng lên, tô đẹp thêm cho môi trường văn hóa nơi mình sinh sống, học tập và làm việc.

Mới đây, Ban Chỉ đạo phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa và công tác gia đình tỉnh ban hành Bộ Quy tắc ứng xử văn hóa nơi công cộng và môi trường mạng nhằm xây dựng, hình thành những chuẩn mực văn hóa đối với các tổ chức, cá nhân ở nơi công cộng trên địa bàn tỉnh. Bộ Quy tắc được xây dựng trên nguyên tắc tuân thủ, chấp hành các quy định của pháp luật, nội quy nơi công cộng. Tôn trọng quyền lợi hợp pháp, chính đáng của người dân và đặc biệt là giữ gìn, phát huy giá trị truyền thống văn hóa tốt đẹp của quê hương Bắc Giang, con người Việt Nam.

Thực tế, việc ứng xử văn hóa nơi công cộng lâu nay đã được các cấp, các ngành, cơ quan, đơn vị coi trọng bằng nội quy, quy chế, quy ước, hương ước, các phong trào, cuộc vận động như: Quy ước làng văn hóa, xây dựng “Làng, tổ dân phố văn hóa”, tuyến phố tự quản - văn minh thương mại, cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, phong trào “Nụ cười công sở”, cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, “Thành phố sáng, xanh, sạch, đẹp, an toàn”... Qua đó góp phần xây dựng ý thức, trách nhiệm của người dân đối với cộng đồng bằng những hành vi ứng xử phù hợp với truyền thống văn hóa tốt đẹp của địa phương, dân tộc cũng như xu hướng phát triển của xã hội; đã xuất hiện ngày càng nhiều hành động đẹp, việc làm tử tế, ấm áp tình người, cư xử văn minh và lịch sự hơn nơi công cộng.

Tuy vậy trong cuộc sống vẫn còn một bộ phận người dân, nhất là trong giới trẻ có những hành vi, ứng xử thiếu văn hóa, không đúng chuẩn mực. Không khó bắt gặp trường hợp ở những chỗ đông người mà cứ “buôn” điện thoại oang oang, cười nói vô tư cứ như chỉ có một mình hay còn nói tục, chửi bậy khi xem thể thao, dự lễ hội, thậm chí là uống rượu bia, trà đá vỉa hè cũng tranh luận to tiếng, ồn ã cả khu phố. Rồi đó đây không ít hành vi xả rác bừa bãi ra đường, công viên; viết vẽ, khắc lên tường, cột điện, cây xanh; vào chốn tôn nghiêm nhưng trang phục phản cảm; chen lấn, xô đẩy khi xếp hàng, lên xe buýt, không chủ động nhường chỗ cho người cao tuổi, phụ nữ mang thai hoặc trẻ em. Có trường hợp còn hái hoa, bẻ cành trong công viên; thậm chí đứng trên ghế đá, trèo lên tượng đài, giẫm vào bồn hoa để... chụp ảnh tự sướng.

Rõ ràng những hành vi trên không chỉ gây bức xúc, khó chịu, thậm chí làm tổn thương, thiệt hại cho người khác hoặc của chung mà còn làm xấu đi hình ảnh của con người, quê hương Bắc Giang, nhất là đối với bạn bè, du khách ngoài tỉnh. Vì thế, việc Ban hành Bộ quy tắc ứng xử văn hóa nơi công cộng là rất cần thiết, được dư luận quan tâm, nhằm góp phần giữ gìn và phát triển truyền thống văn hóa tốt đẹp, xây dựng hình ảnh người Bắc Giang văn minh, thân thiện hơn.

Nhiều ý kiến cho rằng, một xã hội văn minh không phải chỉ có những con người ăn mặc đẹp, sử dụng những sản phẩm, công nghệ mới; sống và làm việc trong hạ tầng khang trang, hiện đại mà quan trọng và quyết định nhất vẫn là con người có lối sống văn minh, ứng xử văn hóa, kể cả ở nơi công cộng.

Bảo Khánh

Nguồn Bắc Giang: http://baobacgiang.com.vn/bg/theo-dong-su-kien/411344/van-minh-noi-cong-cong.html