Văn học quốc tế 'thất sủng' tại Pháp

Trong bối cảnh kinh tế xuất bản ảm đạm năm 2023, văn học quốc tế bị ảnh hưởng nặng nề tại Pháp. Tờ Le Monde nhận định đây là một xu hướng đáng lo ngại.

Doanh số bán sách văn học quốc tế tại Pháp giảm 10% trong năm 2023. Ảnh: Minh Hùng.

Baker Street là một nhà sách độc lập ở Paris, do Cynthia Liebow - một người Mỹ - thành lập từ năm 2007, với mục tiêu đưa các tác giả viết tiếng Anh đến gần với độc giả Pháp hơn. Trong nhiều năm, doanh nghiệp nhỏ này đã dịch và xuất bản sách của các tác giả như Jerome Charyn, Robert Littell, Stephen McCauley, Francine Prose… Vậy mà, cuối năm 2023, Baker Street đã được thanh lý một cách kín đáo. Bà Cynthia Liebow tiếc nuối: "Không thể ngờ rằng năm qua chúng tôi chỉ xuất bản 3 cuốn sách".

Cynthia Liebow chia sẻ: "Xuất bản văn học quốc tế rất tốn kém, nhưng chúng tôi đã cố gắng tồn tại trên thị trường... Trong những năm gần đây, tôi đã phải cắt giảm chi phí nhiều, xuất bản ít sách hơn, bớt tổ chức các buổi giao lưu quảng bá với tác giả nước ngoài... Nhưng thế vẫn là chưa đủ".

Văn học quốc tế đang gặp khó khăn ở thị trường Pháp, doanh thu liên tục giảm, dẫn đến kết cục đáng buồn cho đơn vị xuất bản nhỏ này.

Văn học quốc tế - Thị trường ngách tại Pháp

Thống kê năm 2023 đã xác nhận xu hướng đáng ngại này. Theo GfK, nhìn chung, thị trường sách Pháp tăng khoảng 1% về doanh thu, nhưng mức tăng này hoàn toàn là do giá sách tăng mạnh (5%). Thực tế, số lượng sách bán ra đã giảm 4% trong năm 2023, trong đó, văn học đương đại quốc tế giảm đến 10%.

Bà Sandrine Vigroux từ GfK cho biết thêm: "Trong một thập kỷ, doanh số bán tiểu thuyết đương đại nước ngoài đã giảm 25%. Ngược lại, doanh số bán của văn học nội địa Pháp lại tăng 20%".

Ông Manuel Trivoteaux, người đứng đầu khu vực văn học nước ngoài tại Actes Sud, nhận định rằng văn học quốc tế đang trở thành một thị trường ngách tại Pháp.

Điều này cũng thể hiện rõ qua bảng xếp hạng 100 sách bán chạy nhất năm 2023 tại Pháp, trong đó, thống trị bởi những cái tên như Asterix, Gaston Lagaffe và sách đoạt giải Goncourt.

Số lượng tiểu thuyết nước ngoài trong danh sách này vốn dao động từ 35 đến 45 mỗi năm nay giảm xuống chỉ còn 12, trong đó có vài tiểu thuyết tình cảm của Colleen Hoover và văn học hài hước nhẹ nhàng như Tant que le café est encore chaud (tạm dịch: Khi tách cà phê còn nóng) của Toshikazu Kawaguchi (Albin Michel dịch).

Ông Bruno Caillet, giám đốc phân phối của nhóm Madrigall (bao gồm các nhà xuất bản như Gallimard, Flammarion...) giải thích: "Xin lưu ý, sự sụt giảm này có liên quan chặt chẽ đến việc thiếu vắng các series lớn". Ông cho rằng đầu thập niên 2010, dòng văn học nước ngoài có nhiều loạt sách nổi tiếng như 50 shades (50 sắc thái) của EL James, bộ The Century (tạm dịch: Thế kỷ) của Ken Follett hay bộ 1Q84 của Haruki Murakami... Sự xuất hiện của một bộ sách hấp dẫn mới có thể hồi sinh thị trường văn học quốc tế tại Pháp.

Vấn đề kép

Nhiều người cho rằng khó khăn này không chỉ do thiếu tác phẩm hay bộ sách hấp dẫn. Doanh số sách nói chung đang giảm sút. Biên tập viên Sabine Wespieser chia sẻ: "Hãy nhìn tác phẩm mới nhất của Robert Seethaler, Le Café sans nom (tạm dịch: Quán cà phê không tên), mà tôi xuất bản hồi tháng 9/2023. Báo chí phê bình tích cực, thường xuyên được trưng lên quầy giới thiệu mà vẫn trật vật để bán được 10.000 bản. Mười năm trước, với cùng cấu hình này, chúng tôi dễ dàng bán được 20.000 bản".

Điều này khiến người làm xuất bản căng thẳng, khi mà đối với văn học nước ngoài, họ phải trả tiền dịch thuật cũng như đối mặt với việc gần như không thể đưa các tác giả không nói tiếng Pháp lên đài phát thanh hoặc truyền hình.

Bà Laura Leroy, Giám đốc Nhà xuất bản Zulma, nói: "Xuất bản văn học nước ngoài mang đến một vấn đề kép: chi phí cao hơn, ít phương tiện truyền thông hơn”.

Trong điều kiện như vậy, các đơn vị thắt chặt các quy định, tăng giá, giảm lượng in và lời mời các tác giả nước ngoài. Nhưng tất cả điều này càng làm giảm khả năng tiếp thị của tác phẩm. Đây là một vòng luẩn quẩn.

Sự sụt giảm đến từ đâu? Các nhà xuất bản bác bỏ giả thuyết về vấn đề nguồn cung. Francis Geffard, người sáng lập hiệu sách Millepages ở Vincennes (Val-de-Marne) và nhà xuất bản tại Albin Michel, đánh giá: “Chất lượng trung bình của sách nước ngoài thường cao hơn sách Pháp. Tính tới chi phí dịch thuật, các nhà xuất bản đặc biệt chú ý đến chất lượng của những tác phẩm họ chọn".

Biểu đồ phân bổ ngôn ngữ các tác phẩm văn học quốc tế được dịch và xuất bản tại Pháp năm 2023. Nguồn: Electre-Le Monde.

Theo cơ sở dữ liệu của Electre, số lượng đầu sách quốc tế được xuất bản cũng đã giảm 10% trong 10 năm. Tỉ lệ phân bổ ngôn ngữ ít thay đổi: mặc dù tiếng Anh vẫn chiếm ưu thế, số lượng ngôn ngữ được dịch đã tăng từ 33 vào năm 2014 lên 39 vào năm 2023.

Có lẽ, việc các tác giả nước ngoài ít xuất hiện trên các phương tiện truyền thông ở Pháp cũng như việc chủ đề sách của họ ít gần gũi với độc giả̉ Pháp là nguyên nhân chính cho hiện tượng này. Với giá 23 euro cho bản sách mới, độc giả dễ ngần ngại mua một tác giả mà họ chưa từng nghe đến. Họ ưu tiên những cái tên nổi tiếng, sách cũ hoặc sách bìa mềm.

Audrey Petit, giám đốc biên tập của Le Livre de Pocket, xác nhận: “Chúng tôi thấy rằng độc giả thường dựa vào những giá trị nhất định và chọn những cái tên có độ nhận diện cao như Lisa Gardner, Jussi Adler-Olsen hay Stephen King”.

Minh Hùng

Nguồn Znews: https://znews.vn/van-hoc-quoc-te-that-sung-tai-phap-post1458083.html