Văn học cần mang hơi thở cuộc sống

Mục đích của giáo dục suy cho cùng là giúp các em hiểu được chính mình và cuộc sống, hiểu về thế giới xung quanh để từ đó lựa chọn những hành động và việc làm đúng đắn.

Mãi “Vợ nhặt” hay “Vợ chồng A Phủ”

Ngay trước hôm thi tốt nghiệp PTTH môn Văn vừa rồi, tôi đã thấy trên mạng xã hội rần rần truyền nhau đề thi được “tiên đoán” là sẽ vào “Người lái đò sông Đà”. Trong nhóm zalo lớp cấp 3 của tôi cũng bàn xôn xao vì người thì làm giáo viên, người thì có con đang thi tốt nghiệp.

Một cô bạn trong nhóm từng là học sinh đội tuyển quốc gia môn văn của lớp tôi, giờ đang làm việc ở Pháp, nhắn hỏi: “Giờ hỏi tớ “Người lái đò sông Đà” viết gì thì tớ chịu chết!”.

Cô bạn khác, đang giảng dạy trong lĩnh vực khoa học xã hội cũng thú thật, mặc dù từng học chuyên văn nhưng giờ có “moi não” ra cô ấy cũng không nhớ được các tác phẩm văn học thời phổ thông kể chuyện gì, chỉ mang máng vài truyện đã được chiếu trên phim.

Đều là những học sinh giỏi văn, vậy mà giờ đây nhiều người không còn mấy ấn tượng gì về các tác phẩm văn học đã từng là niềm say mê của họ mỗi ngày đến trường.

Cuối buổi sáng hôm sau, đề thi tốt nghiệp THPT quốc gia môn Văn được công bố. Đã có những ý kiến cho rằng đề thi quá dài, quá cũ, quá già dặn so với tuổi học sinh. Các em hầu như chưa có nhiều trải nghiệm về “giông bão cuộc đời”, cũng chưa nếm trải hoàn cảnh lấy vợ, có gia đình như anh Tràng trong tác phẩm “Vợ nhặt” của Kim Lân.

Đặc biệt, trong đề thi năm nay cũng như mấy chục năm qua vẫn vậy, hết chị Dậu, đến anh Tràng, rồi Chí Phèo đến lão Hạc, rồi Thú đến vợ chồng A Phủ,…

Nhiều người đặt câu hỏi, tại sao người ra đề nhiều năm qua cứ phải làm hồi sinh một thời tăm tối, nghèo nàn, đau khổ đến nỗi ám ảnh và lặp lại lặp lại trong tư duy của những bạn trẻ đang hừng hực niềm tin và khát vọng?

Bản thân tôi, khi đọc những đề văn lặp đi lặp lại về Vợ chồng A Phủ, Rừng xà nu, Chiếc thuyền ngoài xa, Vợ nhặt, Chị Dậu, … thú thật là tôi thường bỏ qua, không có cảm xúc, không nghĩ ngợi gì cả, có lẽ vì nó đã trở nên quá quen thuộc rồi, không có gì để bàn luận thêm.

Văn học là nhân học

Cách đây vài năm, báo chí và mạng xã hội từng sốt sình sịch vì đề thi văn vào đại học của tỉnh Giang Tô, Trung Quốc.

Đề thi như sau:

Dựa theo tài liệu dưới đây, chọn góc độ, tự nghĩ đề bài, viết bài văn trên 800 chữ, không hạn chế thể văn (trừ thơ).

"Mỗi vật đều có 1 tính, nước thì nhạt, muối thì mặn. Nước thêm nước vẫn là nước, muối thêm muối vẫn là muối. Chua ngọt cay nhạt mặn, năm vị điều hòa, cùng tồn tại hòa trộn tạo ra trăm ngàn vị khác. Vật đã thế, sự việc cũng thế, con người càng thế."

Đề văn được đánh giá là khiến nhiều người vò đầu bứt tai vì độ khó nhằn nhưng lại thu hút sự quan tâm, thích thú của đông đảo các thế hệ. Thậm chí, đề văn còn gây tò mò, kích thích trí tưởng tượng và sáng tạo của người đọc khiến nhiều người bàn luận về ý nghĩa của đề, thử sức chính mình tìm ra lời giải cho bài văn.

Như vậy, một đề văn hay thực sự không chỉ có ý nghĩa đối với các em học sinh mà còn có sức lay động đến nhận thức và sự hứng thú của nhiều nhóm người khác nhau, bất kể tuổi tác hay nghề nghiệp nào đi chăng nữa.

Những mỗi khi đọc những đề văn mới lạ, có tính “mở”, đều khiến tôi phải dừng lại suy ngẫm và cảm giác như suy nghĩ của mình đang được “giải phóng” đến vô vàn những điều mới mẻ, thú vị mà vẫn gần gũi với cảm xúc, cách nghĩ, cách sống của con người đương đại.

Tuy nhiên, đề văn như vậy phù hợp hơn với cuộc thi tuyển bậc đại học hoặc thậm chí thi học sinh giỏi. Còn với đối tượng là toàn bộ học sinh phổ thông, đề thi cần có sự phân loại khó, dễ dành cho các trình độ khác nhau và vẫn phải dựa trên một số tác phẩm đã từng học. Chỉ có điều, “văn học là nhân học”, như M. Goóc-ki đã nói. Văn học cần phải mang “hơi thở cuộc sống”.

Vậy thử hỏi, đất nước chúng ta mấy chục năm nay đã có biết bao nhiêu sự đổi thay trên mọi lĩnh vực; cách sống, cách làm việc, cách tư duy cũng đã khác, nhiều trào lưu và xu hướng mới giúp chúng ta ngày càng tiệm cận hơn với thế giới; thế mà sách giáo khoa môn văn và đề thi văn cứ luẩn quẩn mãi với những tác phẩm xưa cũ, những hình ảnh u ám và nỗi thống khổ của con người?

Tôi đồng ý là chúng ta vẫn cần gìn giữ và lưu truyền những tác phẩm kinh điển. Vẫn cần tái hiện cho các thế hệ trẻ thấy về một thời kỳ khốn khó đến cùng cực nhưng thế hệ cha ông chúng ta đã kiên cường vượt qua và không ngừng nuôi dưỡng niềm hy vọng về tương lai tươi sáng.

Bản thân tôi khi xem những bộ phim về lịch sử của cha ông, tôi cũng trào dâng cảm xúc yêu nước thương nòi, càng khao khát nền hòa bình, độc lập và tiến bộ. Con trai tôi khi đọc “Túp lều bác Tôm”, “Những người khốn khổ” vẫn ngạc nhiên và xúc động vì nó thấy rằng ở các quốc gia phát triển bậc nhất đó, lịch sử loài người cũng đã từng trải qua nhiều chua xót, bất công đến vậy.

Nhưng tôi nhận thấy, con tôi và các học trò của tôi lại học được tư duy phản biện, cách giải quyết vấn đề thông qua những tác giả, tác phẩm mới.

Tiếng gọi của thời đại ở đâu?

Chúng ta luôn trân trọng lịch sử, yêu quê hương đất nước và con người, nhưng chúng ta cũng cần lắng nghe “tiếng gọi của thời đại”. Mục đích của giáo dục suy cho cùng chính là giúp các em hiểu được chính mình và hiểu về cuộc sống, hiểu về thế giới xung quanh để từ đó lựa chọn những hành động và việc làm đúng đắn.

Chúng ta luôn hô hào thế hệ trẻ cần phải trang bị cho mình tư duy linh hoạt, cởi mở, đa chiều, nhanh chóng đổi mới và nắm bắt thời cuộc, tiến kịp thế giới hiện đại, nhưng chính các thầy cô, những người viết sách và ra đề, những nhà quản lý thì lại không mấy đổi thay suốt mấy chục năm qua?

Những câu chuyện về chiến tranh, cuộc sống lam lũ, nghèo đói là một phần của đất nước, chúng ta không được phép lãng quên. Nhưng giờ đây, nên chăng cần có sự xem xét, chọn lọc, tinh chỉnh, bổ sung các tác phẩm văn chương trong chương trình phổ thông.

Để giáo dục các em học sinh trở thành những con người có tình yêu quê hương đất nước, có nhân cách, có ý chí và khát vọng, không ngừng vươn lên để có thể “sánh kịp với năm châu bốn biển” có lẽ không nhất thiết cứ phải nhắc đi nhắc lại những hình ảnh xót xa, buồn tủi đó.

Đấy là chưa nói, học văn học còn là cơ hội để nhận biết, cảm thụ sự sáng tạo của con người trong việc truyền tải nội dung bằng ngôn ngữ, thông qua đó chúng ta có thể vận dụng các hình thức giao tiếp một cách phù hợp, linh hoạt và hiệu quả trong thực tiễn.

Tại sao không mở rộng thêm các thể loại như những lá thư, những bài diễn văn, bài phát biểu, bài báo, hồi ký, những cuộc nói chuyện, phỏng vấn? Tại sao không làm phong phú thêm các chủ để về tình yêu, tình bạn, về các giá trị, về mục đích và lý tưởng sống của những con người mới, về cách nhìn nhận, đánh giá, lựa chọn và ra quyết định trong cuộc sống?

Đừng nghĩ là bọn trẻ còn nhỏ tuổi hoặc không có điều kiện học hành sẽ không thể thốt ra những câu triết lý hoặc rất khó để viết những bài nghị luận xã hội. Chúng ta có dạy các em đến nơi đến chốn đâu mà các em biết.

Cũng giống như việc người lớn cứ nghĩ rằng bọn trẻ sẽ không thể hiểu về giới tính và tình dục nên đừng có dạy sớm khiến các em hư người. Nguyên nhân chính vẫn là do chúng ta đã sai lầm trong nhận thức lại không biết dạy đúng cách mới đẩy các em đến sự không an toàn.

Dạy cho học sinh những kiến thức và kỹ năng trong cuộc sống tức là trang bị cho các em cơ sở nền tảng vững vàng để có thể tự tin bước ra đời, làm một công dân có trách nhiệm, dám đưa ra quyết định và giải quyết những vấn đề trong cuộc đời của mình.

Chúng ta vẫn cần định hướng tư tưởng cho các em, nhưng xin đừng dập khuôn, máy móc và nhồi nhét quá nhiều thứ mà thời đại ngày nay đã không còn phù hợp nữa.

Đỗ Hải

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/van-hoc-can-mang-hoi-tho-cuoc-song-2160736.html