'Văn hóa từ chức' được nhắc tới trong các giải pháp thực hiện Nghị quyết TƯ 4

Ngày 29/11, tại họp báo thường kỳ Chính phủ tháng 11/2016, Người phát ngôn của Chính phủ, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng đã cho biết nhiều nội dung quan trọng về việc triển khai Nghị quyết Trung ương 4 của Chính phủ.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, Người phát ngôn của Chính phủ Mai Tiến Dũng chủ trì buổi họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 11/2016.

Nói về công tác cán bộ, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết, hôm nay (29/11), Chính phủ có bàn về triển khai Nghị quyết Trung ương 4 về chỉnh đốn xây dựng Đảng, về đẩy lùi sự suy thoái tư tưởng, đạo đức lối sống trong cán bộ, Đảng viên, công chức, viên chức, đặc biệt là vấn đề tự chuyển biến, tự chuyển hóa trong nội bộ.

Sau khi có Nghị quyết Trung ương 4, Bộ Chính trị có ban hành kế hoạch về triển khai Nghị quyết Trung ương 4, giao cho Ban Cán sự Đảng Chính phủ một số việc. Hôm nay, Chính phủ cũng bàn về Đề án thực hiện Nghị quyết Trung ương 4, trong đó có ba nhóm giải pháp rất quan trọng.

Nhóm giải pháp thứ nhất là vấn đề công tác chính trị tư tưởng. Đây là nhiệm vụ thường xuyên, liên tục, trong đó có vấn đề giáo dục chính trị tư tưởng, đạo đức lối sống, nhận thức của cán bộ, Đảng viên, công chức, viên chức, đặc biệt phải mẫu mực thực hiện cuộc vận động học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh.

Vấn đề rà soát, kiểm điểm tập thể và cá nhân theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4, đánh giá, xếp loại cán bộ công chức, viên chức hằng năm đều được Thủ tướng nêu lên. Tất cả các đồng chí lãnh đạo Chính phủ, lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương và đặc biệt là người đứng đầu phải noi gương. Nghị quyết Trung ương 4 được triển khai rộng rãi cho toàn Đảng, toàn dân, chứ không phải riêng cán bộ, công chức, viên chức, nhưng cán bộ, công chức, viên chức là người làm gương, làm mẫu mực.

Nhóm giải pháp thứ hai là xây dựng cơ chế chính sách. Thủ tướng giao cho các bộ, ngành, địa phương tiếp thu tinh thần góp ý của các thành viên Chính phủ, quan tâm đến vấn đề xây dựng thể chế, tránh lợi ích nhóm trong xây dựng thể chế, hoàn thiện các chính sách, chức năng, nhiệm vụ của các bộ, ngành, địa phương, tránh việc một việc giao cho nhiều cơ quan khiến chồng chéo, đan xen.

Gắn với việc này, Thủ tướng nhấn mạnh, các nhiệm vụ của các bộ, ngành được xem xét, rà soát phân định rõ ràng, gắn với trách nhiệm kiểm tra, giám sát, trách nhiệm của người đứng đầu. Thứ hai là xây dựng cơ chế để kiểm soát quyền lực. Báo chí cũng đặt vấn đề ở các địa phương, bộ, ngành khi thực hiện quy trình cán bộ đều nói thực hiện đúng quy trình. Vậy quy trình như thế nào? Vấn đề công khai, minh bạch và đặc biệt là chủ động công khai với các cơ quan báo chí, công khai với dân để có sự giám sát của báo chí, dân về công tác cán bộ như thế nào? Thủ tướng đã từng phát biểu thi tuyển để tìm người tài chứ không phải người nhà, đây cũng là một nội dung được nhấn mạnh trong Đề án thực hiện quy trình tuyển dụng.

Trong chỉ đạo của Thủ tướng, các bộ, ngành phải tập trung xây dựng Nghị định quy định chức năng nhiệm vụ, tổ chức, bộ máy của các bộ, ngành theo tinh thần tinh giản biên chế, nhất là sắp xếp các đơn vị sự nghiệp công theo hướng tự chủ.

Nhóm vấn đề thứ ba là về kỷ luật, kỷ cương. Vừa qua, Thủ tướng Chính phủ có ban hành Chỉ thị về tăng cường kỷ luật, kỷ cương của cán bộ… Trong phiên họp hôm nay, Thủ tướng giao cho Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Nội vụ ngoài việc xây dựng nghị định về "văn hóa từ chức" thì còn xây dựng văn hóa ứng xử trong đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, kỷ luật, kỷ cương trong chấp hành nhiệm vụ, tránh tình trạng “bắn chỉ thiên”.

Thủ tướng luôn nhắc không được "bắn chỉ thiên" và hứa với Quốc hội như thế nào thì phải thực hiện đúng lời hứa của mình, nhất là các thành viên Chính phủ, các Bộ trưởng đã trả lời chất vấn Quốc hội. Thủ tướng cũng nhắc đi nhắc lại là đã hứa trước đồng bào, cử tri thì phải thực hiện đúng lời hứa của mình. Tinh thần là tiếp thu ý kiến tham gia của các thành viên Chính phủ, giao cho Bộ Nội vụ chủ trì ban hành đề án, hoàn thiện để sớm để triển khai từ ngay đầu năm 2017.

Ngày 28/11, tại phiên họp thường kỳ của Chính phủ tháng 11/2016, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã đề nghị các thành viên Chính phủ thảo luận về các biện pháp thực hiện lời hứa trước Quốc hội tại phiên chất vấn vừa qua với tinh thần lời nói phải đi đôi với hành động. “Có văn hóa từ chức không, có nghị định về vấn đề này hay không, ai làm việc đó? Chính là Bộ Nội vụ phải làm việc đó, trình Chính phủ”, Thủ tướng lấy ví dụ.

Ngô Huyền

Nguồn Infonet: http://infonet.vn/van-hoa-tu-chuc-duoc-nhac-toi-trong-cac-giai-phap-thuc-hien-nghi-quyet-tu-4-post214910.info