Văn hóa - Nghệ thuật Lê Viết Tường & những câu thơ để lại

1. Tôi chỉ gặp nhà thơ Lê Viết Tường một lần duy nhất. Một đêm mùa hè năm 1986, người chị trong Khoa Văn, Đại học Tổng hợp Huế rủ tôi đi sinh hoạt CLB Văn học Trẻ Huế. Khi chúng tôi đến ngôi nhà số 7 Lý Thường Kiệt, đã khá nhiều người ở đó. Thật bỡ ngỡ khi lạc vào một không gian “rất mực thi ca”, tôi rụt rè ngồi xuống một chiếc ghế trống.

Tập thơ “Đưa em về nhận mặt quê hương & những bài thơ tìm lại” của nhà thơ Lê Viết Tường

Tập thơ “Đưa em về nhận mặt quê hương & những bài thơ tìm lại” của nhà thơ Lê Viết Tường

Nhà thơ Phạm Tấn Hầu, Chủ nhiệm CLB Văn học Trẻ Huế giới thiệu rất vui vì buổi sinh hoạt hôm nay có nhà thơ Lê Viết Tường, một trong những thành viên đầu tiên của câu lạc bộ, vừa từ Tây Nguyên xa xôi về Huế… Lời giới thiệu thật ấn tượng, song phong thái từ con người được giới thiệu còn ấn tượng hơn. Nhà thơ Lê Viết Tường đứng dậy, dáng người gầy, đầu đội chiếc mũ bê-rê đen và chiếc áo anh mặc thật phong trần với vai áo bạc màu vương bụi đường đất đỏ. Anh nói về công việc của anh ở Tây Nguyên, những địa danh hết sức lạ lẫm với mọi người lúc bấy giờ, và sau đó đọc thơ, những bài thơ anh viết ở Tây Nguyên…

Sau nhà thơ Lê Viết Tường, có thêm nhiều người khác đọc thơ. Rồi buổi sinh hoạt kết thúc. Tôi trở lại khu ký túc xá mà không ngờ rằng, cái dáng gầy gò, giọng thơ sang sảng của nhà thơ Lê Viết Tường đêm đó, mãi mãi sẽ là lần duy nhất tôi chứng kiến.

2. Một thời gian sau tôi tiếp cận được bài thơ “Đưa em về nhận mặt quê hương” của nhà thơ Lê Viết Tường từ một sổ tay thơ. Bài thơ được chép bằng nét chữ nâng niu của sinh viên. Tôi đọc và nhận ra bài thơ rất cảm động. Nhà thơ đang nói hộ lòng tôi, có những lúc tôi ứa nước mắt vì nhà thơ nói đúng quá, xót xa và thương yêu quá:

“Đưa em về nhận mặt quê hương nhận những mặt người

Đây khuôn mặt cậu tôi già

trước tuổi

Suốt đời cặm cụi

Con cái có đứa nào học hết lớp ba

Con cái có đứa nào đỏ đắn

nước da

Những đứa lớn theo cha suốt ngày ngoài ruộng

Đứa theo trâu, đứa cày đứa cuốc

Đứa ở nhà trần truồng mũi dãi

lê thê

Đây ngôi nhà tiều tụy của dì Ba…

Đưa em về nhận mặt quê hương

Xin đừng trách tôi đưa em về những ngày mưa dữ

Khi đường vào làng có những vũng bùn đất đỏ

Có lũ đỉa ngo ngoe đánh được

hơi người”…

Gần như tôi đã chép lại bài thơ này trong sổ tay khi lòng vẫn còn thổn thức. Bài thơ sau đó được in trong tập “Tình yêu gửi lại” do Trường đại học Tổng hợp Huế xuất bản năm 1991.

Một thời gian sau thì có tin nhà thơ Lê Viết Tường đã ôm trăng sông Hương vĩnh viễn ra đi, ở tuổi 27. Thật sự thảng thốt và tiếc nuối. Thơ anh viết phần lớn từ Tây Nguyên, về với độc giả Huế đã ít, giờ càng ít hơn. Mãi đến gần đây, khi cùng nhóm bạn gom thơ của anh làm tập “Lê Viết Tường - Đưa em về nhận mặt quê hương và những bài thơ tìm lại”, chúng tôi mới có dịp đọc lại khá nhiều thơ anh. Thơ anh đa dạng, đa chiều, đa hệ.

Những câu thơ tình yêu bay bổng: “Buổi sáng bồn chồn nghe một tiếng chim/Cứ ngỡ là tiếng em trong mơ còn lại/Bỗng khao khát hồn mình là mùa trái/Chim ăn rồi tiếng hát ngọt ngào hơn”… (Trong vườn). Và trong một cơn mơ khác: “Để trong mơ lại hiện ra/Một vườn hoa trắng như là áo em/Trên dòng sông tím êm đềm/Thuyền tôi về đậu bên thềm mộng mơ” (Viết cho một màu áo tím)… Khi yêu, những câu thơ mang đầy nỗi mong chờ: “Đó là nỗi chờ mong khi chiều xuống/Trong dòng người cuồn cuộn trở về/Có sự hối hả bình yên, rộn ràng lặng lẽ/Tôi chờ em trong dòng thác người kia” (Nỗi chờ mong ban chiều).

Và bao giờ cũng vậy, những cách ngăn hiện lên trong cuộc tình. Người thơ có khi băn khoăn về những điều đang diễn ra: “Có thể nào em không hiểu/Ngôn ngữ của con đường/Của loài rêu/Của vầng trăng sáng/Có thể nào em không hiểu/Sự hiện hữu lặng thầm là để nói cùng em” (Cho đêm này anh được nói cùng em).

Thơ Lê Viết Tường những năm tháng thanh xuân ấy không chỉ về tình yêu, bên cạnh đó còn là những bài thơ giàu khát vọng. Anh có những bài thơ dài như trường ca, mang những cảm hứng khát vọng về quê hương, về Tổ quốc. Mạch thơ đó chảy trong tâm tưởng thi nhân, là trách nhiệm, là suy tư và sự hào sảng.

3. Thơ Huế những năm 1980, bên cạnh những bài thơ của Trần Vàng Sao; bài thơ “Đưa em về nhận mặt quê hương” của nhà thơ Lê Viết Tường cũng được nhiều người biết đến. Sinh viên ở Huế thời đó, rất nhiều người đã chép thơ Lê Viết Tường vào sổ tay, cùng với thơ của nhiều nhà thơ nổi tiếng khác…

Thế hệ học sinh, sinh viên Huế hiện nay rất ít người biết đến bài thơ “Đưa em về nhận mặt quê hương” của nhà thơ Lê Viết Tường. Tôi nghĩ, đó không chỉ là sự thiệt thòi của học sinh, sinh viên Huế sau này; đó còn là sự đứt gãy về tri thức thơ của vùng đất Huế. Thơ của nhà thơ Lê Viết Tường cần phải làm sao cho học sinh, sinh viên được tiếp cận.

Gần một năm qua, nhóm anh em, bạn bè, đặc biệt là nhà thơ Trần Tuấn, đã tìm lại những bài thơ của Lê Viết Tường lưu ở các sổ tay, trên các sách báo để xuất bản tập sách “Đưa em về nhận mặt quê hương và những bài thơ tìm lại”. Sách gồm những bài thơ vừa được tìm thấy của Lê Viết Tường; nhà thơ trong ký ức bạn bè và hình ảnh tư liệu gia đình, di cảo, bút tích. Sách được Nhà xuất bản Thuận Hóa xuất bản vào đầu tháng 6, tập sách được Liên hiệp các Hội VHNT tổ chức giới thiệu. Cuốn sách ra đời, là kết quả tuyệt vời của những tấm lòng bè bạn đối với thi nhân…

Bài, ảnh: Hồ Đăng Thanh Ngọc

Nguồn Thừa Thiên Huế: https://baothuathienhue.vn/le-viet-tuong-nhung-cau-tho-de-lai-a115174.html