Văn hóa doanh nghiệp: Hệ điều tiết cho sự phát triển kinh tế, xã hội

Văn hóa doanh nghiệp đang là vấn đề mang tính thời đại cấp thiết, nóng hổi trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, nhất là tại thời điểm nền kinh tế hiện tại chịu nhiều tác động của dịch bệnh Covid-19.

Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng phát biểu khai mạc diễn đàn văn hóa với doanh nghiệp 2021.

Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng phát biểu khai mạc diễn đàn văn hóa với doanh nghiệp 2021.

Diễn đàn quốc gia thường niên Văn hóa với doanh nghiệp 2021 vừa diễn ra với chủ đề:” Tiếp biến văn hóa – Nền tảng phục hồi và phát triển bền vững kinh tế” do Ban Tuyên giáo Trung ương, Ban Tổ chức triển khai Cuộc vận động xây dựng văn hóa doanh nghiệp Việt Nam, Bộ Công thương, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch, Trung ương Đoàn, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam phối hợp tổ chức theo hình thức kết hợp giữa trực tiếp, trực tuyến và thực tế ảo.

Phát biểu khai mạc diễn đàn, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng chia sẻ, vị trí của văn hóa trong kinh tế và kinh tế trong văn hóa là mối quan hệ biện chứng, không thể tách rời. Ngay từ khi chưa giành được chính quyền, trong Đề cương Văn hóa năm 1943 của Đảng đã xác định văn hóa, kinh tế là 2 trong 3 mặt trận trọng tâm của kinh tế-chính trị-văn hóa. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định văn hóa, văn nghệ, nghệ thuật cũng như mọi hoạt động khác không thể đứng ngoài mà phải ở trong kinh tế và chính trị.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng, diễn đàn này là hoạt động thiết thực và kịp thời triển khai kết luận của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc 2021 về nội dung đẩy mạnh xây dựng môi trường văn hóa mà trọng tâm là Cuộc vận động “Xây dựng văn hóa doanh nghiệp Việt Nam”. Đây là nơi để các nhà nghiên cứu, chuyên gia, cộng đồng doanh nghiệp thống nhất trao đổi về cách tiếp cận chung về tiếp biến văn hóa nhằm phục hồi phát triển kinh tế trên tinh thần nhận thức đúng để hành động đẹp.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng khẳng định vị trí, vai trò của văn hóa trong kinh tế và kinh tế trong văn hóa là một mối quan hệ biện chứng, không thể tách rời. Cụ thể hóa quan điểm của Đảng, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Quyết định lấy ngày 10/11 hằng năm làm Ngày Văn hóa Doanh nghiệp Việt Nam. Tại Lễ công bố Ngày Văn hóa doanh nghiệp Việt Nam và phát động Cuộc vận động Xây dựng văn hóa doanh nghiệp Việt Nam, Thủ tướng đã nêu rõ tầm quan trọng của xây dựng văn hóa doanh nghiệp ở nước ta trong thời kỳ hội nhập quốc tế.

Bộ trưởng nhấn mạnh, để thực hiện khát vọng xây dựng đất nước phồn vinh, hạnh phúc như Đại hội Đảng lần thứ XIII đã đề ra, chúng ta rất cần có một cộng đồng doanh nghiệp lớn mạnh, năng động, đoàn kết, hướng tới phát triển bền vững. Mục tiêu đó chỉ có thể đạt được khi các doanh nghiệp phát triển hài hòa dựa trên các trụ cột: kinh tế, văn hóa, xã hội, môi trường, trong đó văn hóa chính là yếu tố cốt lõi, là nền tảng dẫn dắt và điều chỉnh các trụ cột khác.

Diễn đàn nhận được nhiều ý kiến đóng góp từ các doanh nhân người Việt ở nước ngoài.

Diễn đàn nhận được nhiều ý kiến đóng góp từ các doanh nhân người Việt ở nước ngoài.

Trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp, cuộc sống của mỗi cá nhân và hoạt động của doanh nghiệp không tránh khỏi những đảo lộn và ngưng trệ, nhưng dòng chảy văn hóa không hề dừng lại, nó vẫn luôn vận động và là nguồn sức mạnh quan trọng để gắn kết và thúc đẩy những con người trong mỗi tổ chức, mỗi doanh nghiệp hành động vì mục tiêu chung, cùng vượt qua khó khăn, chiến thắng nghịch cảnh.

Khi cả xã hội phải thích nghi, ứng phó cùng dịch bệnh, từng bước tiến vào giai đoạn bình thường mới, văn hóa sẽ là nền tảng để doanh nghiệp nhanh chóng phục hồi và vươn lên. Nắm bắt được sự vận động đó, Diễn đàn quốc gia thường niên Văn hóa với doanh nghiệp năm 2021 (Culture & Business Forum - CBF ) với chủ đề “Tiếp biến văn hóa – Nền tảng phục hồi và phát triển bền vững kinh tế” đã được tổ chức nhằm phân tích, nhận diện những giá trị của tiếp biến văn hóa trong việc dẫn dắt phục hồi kinh tế từ góc độ văn hóa kinh doanh.

Từ đó, các nhà quản lý sẽ tìm được đáp án cho câu hỏi "văn hóa tích cực có thể là liều vaccine cho doanh nghiệp trước khó khăn hay không?".

Tiến sĩ Giản Tư Trung - Hiệu trưởng trường doanh nhân PACE, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Giáo dục (IRED ) tham gia phiên thảo luận thứ nhất tại điểm cầu TP. Hồ Chí Minh.

Tiến sĩ Giản Tư Trung - Hiệu trưởng trường doanh nhân PACE, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Giáo dục (IRED ) tham gia phiên thảo luận thứ nhất tại điểm cầu TP. Hồ Chí Minh.

Trong khuôn khổ Diễn đàn, các chuyên gia, nhà nghiên cứu và các lãnh đạo doanh nghiệp đã trao đổi, chia sẻ xoay quanh những câu chuyện về tiếp biến văn hóa và vai trò, ứng dụng của văn hóa với việc phục hồi và phát triển bền vững nền kinh tế.

Theo đó, phiên 1 của Diễn đàn đi vào khai thác sâu khía cạnh “Tiếp biến văn hóa và những giá trị dẫn dắt trong phục hồi kinh tế từ góc độ văn hóa kinh doanh”.

Tham gia phiên thảo luận này là các diễn giả uy tín như Tiến sĩ Nguyễn Sĩ Dũng - Nguyên Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội; Tiến sĩ Giản Tư Trung - Hiệu trưởng trường doanh nhân PACE, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Giáo dục (IRED ); GS.TS Trần Thị Vân Hoa - Phó hiệu trưởng Đại học Kinh tế Quốc dân; GS.TS Từ Thị Loan - Nguyên Viện trưởng viện Văn hóa Nghệ thuật Quốc gia Việt Nam, Phó chủ tịch Hiệp hội Phát triển Văn hóa Doanh nghiệp Việt Nam.

Phiên 1 được dẫn dắt bởi ông Lê Quốc Vinh - Chủ tịch HĐQT kiêm TGĐ Le Group of Companies, Phó chủ tịch Hiệp hội Phát triển Văn hóa Doanh nghiệp Việt Nam.

Nối tiếp chương trình, với sự điều phối của Chủ tịch Hội đồng quản trị (HĐQT) kiêm Tổng Giám đốc (TGĐ) Công ty CP Searefico Lê Tấn Phước, Phó chủ tịch Hiệp hội Phát triển Văn hóa Doanh nghiệp Việt Nam, phiên 2 của Diễn đàn với nội dung “Vaccine văn hóa doanh nghiệp trước đại dịch Covid -19” là câu chuyện mang tính thời đại cấp thiết, nóng hổi về vai trò của văn hóa kinh doanh, văn hóa doanh nghiệp trong bối cảnh nền kinh tế hiện tại chịu nhiều tác động của dịch bệnh.

Các đại biểu tham gia phiên thảo luận thứ 2.

Các đại biểu tham gia phiên thảo luận thứ 2.

Diễn giả của phiên 2 đều là các doanh nhân, nhà lãnh đạo doanh nghiệp lớn như Chủ tịch HĐTV Tập đoàn Dầu khí Quốc gia (PetroVietnam) Hoàng Quốc Vượng, Chủ tịch HĐTV Deloitte Việt Nam Hà Thu Thanh, Phó Chủ tịch HĐQT kiêm TGĐ công ty CP Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận (PNJ) Lê Trí Thông, TGĐ vùng Công ty TNHH Coats Phong Phú Trần Trâm Anh, Chủ tịch HĐQT kiêm TGĐ Công ty CP Kết nối Nhân tài (Talentnet) Tiêu Yến Trinh.

Với sự tham dự của lãnh đạo và đại diện các bộ, ban ngành liên quan, cùng sự đồng hành của các chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực quản trị doanh nghiệp, văn hóa doanh nghiệp, Diễn đàn quốc gia thường niên Văn hóa với doanh nghiệp là hoạt động thiết thực chào mừng thành công của Hội nghị Văn hóa toàn quốc triển khai Nghị quyết Đại hội XIII, đồng thời góp phần góp phần đưa Cuộc vận động "Xây dựng văn hóa doanh nghiệp Việt Nam" đi sâu vào cuộc sống.

Diễn đàn cũng đã góp thêm một tiếng nói khẳng định quan điểm của Đảng, Nhà nước ta trong việc coi văn hóa là nền tảng tinh thần, là nguồn lực, động lực nội sinh của sự phát triển bền vững quốc gia, dân tộc. Bên cạnh đó, văn hóa doanh nghiệp còn trở thành hệ điều tiết cho sự phát triển kinh tế, xã hội.

Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng trao quà lưu niệm cho đại diện các doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa kinh doanh Việt Nam.

Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng trao quà lưu niệm cho đại diện các doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa kinh doanh Việt Nam.

Cũng trong khuôn khổ của Diễn đàn, Hiệp hội phát triển văn hóa doanh nghiệp Việt Nam đã tiến hành Sơ kết 5 Cuộc vận động “Xây dựng văn hóa doanh nghiệp Việt Nam" và tôn vinh các doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa kinh doanh Việt Nam (theo Bộ tiêu chí văn hóa kinh doanh Việt Nam được Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo thực hiện, các bộ, ngành tham gia) và các doanh nghiệp có hoạt động tích cực hưởng ứng Cuộc vận động "Xây dựng văn hóa doanh nghiệp Việt Nam".

Đây cũng là lần đầu tiên tại Việt Nam, một Diễn đàn quốc gia về văn hóa doanh nghiệp được tổ chức theo hình thức hỗn hợp, kết hợp giữa trực tiếp, trực tuyến và thực tế ảo (virtual event) để vừa đảm bảo thực hiện tiêu chí 5K trong quy định phòng chống dịch bệnh của cơ quan nhà nước, vừa để tiếp cận và lan tỏa rộng rãi nội dung và thông điệp của Diễn đàn tới các đối tượng mục tiêu trong xã hội. Hoạt động này được đánh giá là bước tiến mới về số hóa và chuyển đổi số trong công tác tổ chức của Ban tổ chức Diễn đàn so với các kỳ trước đó.

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/van-hoa-doanh-nghiep-he-dieu-tiet-cho-su-phat-trien-kinh-te-xa-hoi-167028.html