Văn hóa cổ vũ: Thế giới đa sắc màu

Lightstick (đèn cổ vũ) mang đến cho người hâm mộ sự phấn khích và niềm vui được trở thành một phần của buổi biểu diễn. Cơn sốt 'đầu tư' lightstick từ đó bùng nổ, phản ánh phong cách sống cá tính của bạn trẻ

Điểm đặc sắc nhất của văn hóa fandom (cộng đồng người hâm mộ) khi tham gia một đại nhạc hội là khán giả trở thành một phần của chương trình thông qua việc hát theo và fanchant (đồng thanh hô các cụm từ cổ vũ). Điều này cũng có ý nghĩa tương tự khi dùng lightstick.

Bản sắc fandom

Hồi giữa tháng 3-2023, concert "Super Junior World Tour - Super Show 9: Road" của nhóm nhạc Hàn Quốc Super Junior tại sân vận động Quân khu 7 (TP HCM) thu hút hơn 15.000 khán giả. Khi âm nhạc vang lên, khán đài bừng lên "làn sóng xanh" vô cùng ấn tượng: hàng vạn lightstick đồng loạt phát sáng. Hầu hết người xem đều cầm trên tay lightstick dài tầm 25 cm, có chữ "SJ" được biến tấu như hình trái tim. Trong suốt đêm nhạc, màu sắc của lightstick thay đổi theo từng giai điệu và chuyển động của nghệ sĩ. Góp một ánh sáng nhỏ ủng hộ thần tượng, Nguyễn Hoài Lam (ngụ quận Tân Phú, TP HCM) cho biết khi nghe tin Super Junior tổ chức buổi hòa nhạc, cô đã nhanh chóng đặt mua lightstick phiên bản 2.0 để tận hưởng những màn trình diễn một cách trọn vẹn nhất. "Tuy đã có một chiếc lightstick nhưng tôi vẫn mua thêm vì biết rằng phiên bản 2.0 này có thể kết nối với hệ thống điều khiển từ xa" - Hoài Lam kể.

Chiếc lightstick chuyển tải cho nghệ sĩ và người hâm mộ cũng như giữa các khán giả với nhau thông điệp “chúng ta là một” chỉ bằng cách cầm nó

Vào những năm 1990, fandom thần tượng thế hệ đầu tiên được xác định bằng màu bóng bay. Chẳng hạn, người hâm mộ của nhóm nhạc H.O.T vẫy những quả bóng bay màu trắng để thông báo về sự hiện diện của họ, trong khi màu vàng dành cho Sechs Kies và màu cam là của Shinhwa. Trần Thị Phương Hạnh (ngụ Khánh Hòa) - một bạn trẻ hâm mộ K-Pop - chia sẻ: "Với sự xuất hiện của nhiều thần tượng, việc lựa chọn một màu sắc độc đáo và khác biệt trở nên khó khăn. Để tránh xung đột màu sắc, các fandom bắt đầu dùng que phát sáng và từ năm 2008, thế giới màu sắc của lightstick dần mở ra, trở thành một phần trong văn hóa thưởng thức các buổi biểu diễn của người trẻ". Đặc biệt, thời gian gần đây, thị trường sản phẩm lightstick càng sôi nổi với nhiều giá trị mới mẻ hơn bao giờ hết.

Lightstick phiên bản 2.0 của nhóm Super Junior có thể biến đổi linh hoạt nhiều màu sắc theo nhịp điệu, tâm trạng của bài hát

Vì được đem đến mọi buổi hòa nhạc nên lightsitck thiết kế đẹp cũng góp phần làm nên niềm tự hào của fandom. Big Bang đã tạo ra lightstick hình vương miện màu vàng, BTS sản xuất "Army Bomb" gợi nhớ đến fandom Army của họ, Treasure ra mắt lightstick liên tưởng đến hộp trang sức chứa kho báu. Nhóm nhạc thể hiện bản sắc rõ nét qua lightstick là Blackpink khi kết hợp 2 màu đặc trưng đen và hồng. Trong 2 đêm diễn của Blackpink tại Hà Nội vào tháng 7-2023, mạng xã hội tràn ngập hình ảnh người hâm mộ check-in với "búa hồng" để bày tỏ niềm yêu thích 4 cô gái.

Không chỉ để mãn nhãn

Sự phát triển của lightstick dần quyết định mức độ thẩm mỹ của buổi hòa nhạc. Năm 2016, SM Entertainment đã áp dụng lightstick IoT (Internet of Things) trong concert của nhóm EXO. Dịch vụ này kết nối lightstick có cảm biến Bluetooth với một ứng dụng, đồng thời nhận dạng và điều khiển nó thông qua việc điều khiển từ xa. Thông qua đó, lightstick biến đổi linh hoạt nhiều màu sắc, bật tắt đèn... theo concept của sân khấu hoặc tâm trạng, nhịp điệu bài hát. Những chiếc lightstick tỏa sáng từ mỗi chỗ ngồi kết hợp với nhau, càng tạo cho khán giả cảm giác như họ là một phần của sự kiện.

Phần biểu diễn của thần tượng thêm thăng hoa cảm xúc giữa biển lightstick màu xanh

Trần Thị Hoàn Mỹ (ngụ Đồng Tháp) đã đầu tư 2 lightstick với giá gần 900.000 đồng/chiếc. Số lightstick này được cô gái 9x thay phiên sử dụng cho các buổi hòa nhạc của thần tượng tại Việt Nam, Thái Lan, Malaysia… "Không chỉ là đạo cụ để cổ vũ, lightstick còn là phương tiện để nghệ sĩ và chúng tôi hiểu được sự tồn tại của nhau. Từ dưới sân khấu, tôi vẫn cảm thấy được kết nối với thần tượng của mình" - Hoàn Mỹ tâm sự.

Việc ra đời của lightstick IoT dần dẫn đến sự biến mất của lightstick "giả". Tuy nhiên, điều này cũng đồng nghĩa giá lightstick chính hãng ngày càng tăng. Bạn trẻ thường chi từ 900.000 đến 1.300.000 đồng cho một lightstick thay vì 400.000 - 600.000 đồng cho các phiên bản cũ.

Trong khi các ông lớn ngành giải trí tập trung cải tiến công nghệ thì người hâm mộ lại đưa cá tính riêng của họ vào lightstick. Trào lưu trang trí lightstick nở rộ. Bạn trẻ chuộng sự sáng tạo, nhất là gen Z hay trang bị thêm nhãn dán liên quan đến thần tượng, nơ, vỏ bảo vệ và hộp đựng đèn cổ vũ. Lightstick đóng vai trò như một dấu hiệu nhận diện của những người hâm mộ. Trong các hành trình tham gia hòa nhạc của thần tượng, người hâm mộ còn "bắt sóng", kết bạn với nhau tại sân bay, địa điểm du lịch, quán ăn… thông qua vật liên kết: lightstick.

Bài và ảnh: Phương Bối

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/van-hoa-co-vu-the-gioi-da-sac-mau-196240127191053018.htm