Văn hóa chính trị thời đại Hồ Chí Minh

Văn hóa chính trị của nước ta từ tính chất dân chủ nhân dân đến xã hội chủ nghĩa trải qua chặng đường vinh quang 94 năm thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, gần 80 năm từ khi chế độ Dân chủ Cộng hòa ra đời sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945 không ngừng phát triển với hạt nhân là chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh mang bản chất khoa học, cách mạng và nhân văn sâu sắc.

1. “Văn” là vẻ đẹp trong xử sự, yếu tố then chốt của chính trị. Người ta nói đến “văn trị” (hay “đức trị”) là theo nghĩa đó, tức cách cai trị mang hình thức đẹp đẽ bằng thuyết phục, cảm hóa, thu phục, chinh phục. Văn hóa là một kiểu quan hệ, lựa chọn riêng của cá nhân, tộc người, dân tộc, tổ chức, phản ánh cách xử sự, xử thế, chứa đựng bản sắc, cốt cách của chủ thể. Văn hóa hiểu rộng là chính trị. Chính trị hiểu sâu là văn hóa.

Là một bộ phận, một phương diện của văn hóa, văn hóa chính trị được tiếp cận dưới nhiều giác độ khác nhau, phản ánh cái đẹp, cái giá trị, định hướng, lập trường và hành động chính trị của tổ chức, hệ thống chính trị hay của những nhà chính trị; là quan điểm, thái độ và niềm tin của người dân vào tư tưởng chính trị, hoạt động chính trị và cách ứng xử của giai cấp cầm quyền và bộ máy quyền lực.

Một cách tiếp cận khác, có thể hiểu văn hóa chính trị là chính trị có văn hóa, tức chính trị hàm chứa tính chính đáng về một nền dân chủ, nhân văn, nhân đạo, công bằng, văn minh; về các giá trị cao đẹp có ý nghĩa, hiệu quả, đáng tin cậy, phù hợp với xu thế phát triển và tiến bộ của xã hội theo quy luật tiến hóa khách quan của lịch sử. Văn hóa chính trị như thế phải thấm sâu vào tâm lý quốc dân, vào toàn bộ đời sống và hoạt động xã hội, vào từng người, từng gia đình, từng tập thể và cộng đồng như một sức mạnh văn hóa, sức mạnh hợp chất lý và tình, thuyết phục bằng cảm hóa, nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền và sức chiến đấu của chủ thể quyền lực và phát huy tính tích cực chính trị của công dân trong việc tham gia vào các hoạt động của nhà nước vì lợi ích chân chính của dân tộc, nhân dân và phẩm giá của con người.

Văn hóa chính trị ở nước ta hiện nay kết tinh, kế thừa và phát triển các giá trị văn hóa chính trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc, đặc biệt trong thời đại Hồ Chí Minh cùng với tinh hoa văn hóa chính trị của nhân loại.

Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng: “Muốn xây dựng chủ nghĩa xã hội phải có con người xã hội chủ nghĩa”. Tư tưởng đó của Người thể hiện rõ vai trò của văn hóa chính trị trong xây dựng một chế độ chính trị cụ thể - xã hội xã hội chủ nghĩa. Thấm nhuần và quán triệt sâu sắc tư tưởng Hồ Chí Minh trong quá trình lãnh đạo, Đại hội XII của Đảng khẳng định: “Xây dựng văn hóa trong chính trị và kinh tế. Chú trọng chăm lo xây dựng văn hóa trong Đảng, trong các cơ quan nhà nước và các đoàn thể; coi đây là nhân tố quan trọng để xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh”.

2. Công cuộc đổi mới toàn diện đất nước gần 40 năm qua cùng những thay đổi, diễn biến nhanh chóng, phức tạp, khó lường của thế giới về chính trị, kinh tế, an ninh quốc phòng, khoa học, công nghệ đã tác động sâu sắc đến việc xây dựng nền văn hóa chính trị ở nước ta hiện nay trên cả hai phương diện thời cơ và thách thức đan xen vào nhau. Vì vậy, nhiệm vụ, giải pháp đặt ra cho việc xây dựng nền văn hóa chính trị ở nước ta hiện nay rất lớn, toàn diện, đòi hỏi Đảng cầm quyền phải có bản lĩnh, trí tuệ, đổi mới, sáng tạo, xuất phát từ thực tiễn Việt Nam và xu thế của thời đại.

Thứ nhất, không ngừng vun bồi, tăng cường sức mạnh, chất lượng làm cho văn hóa chính trị thấm sâu vào toàn bộ đời sống và hoạt động xã hội, đặc biệt chú trọng giáo dục văn hóa chính trị trong Đảng và hệ thống chính trị, trong các tổ chức chính trị - xã hội, làm cho mỗi người Việt Nam có lý tưởng độc lập, tự do, hạnh phúc; có khát vọng xây dựng một nước Việt Nam hùng cường, phồn vinh, sánh vai với các cường quốc năm châu. Văn hóa chính trị hiện nay phải làm thế nào cho quốc dân có tinh thần trách nhiệm với Tổ quốc và nhân dân, vì nước quên thân, vì dân phục vụ, biết đặt lợi ích của nhân dân và Tổ quốc lên trên, lên trước lợi ích cá nhân; phải làm cho mỗi người dân Việt Nam hiểu biết nhiệm vụ của mình và biết hưởng hạnh phúc của mình nên được hưởng. Văn hóa chính trị phải thấm sâu vào tâm lý quốc dân, tức là văn hóa phải sửa đổi được quan liêu, vô và sợ trách nhiệm, tham nhũng, tiêu cực, lãng phí, xa xỉ, lười biếng, bất chính.

Thứ hai, kiên định, vận dụng và phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; kiên định đường lối đổi mới; kiên định các nguyên tắc xây dựng Đảng để bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Người đứng đầu Đảng ta chỉ rõ rằng thực tiễn cho thấy “Tính khoa học và cách mạng triệt để chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh là những giá trị bền vững, đã và đang được những người cách mạng theo đuổi và thực hiện. Nó sẽ còn được tiếp tục phát triển và có sức sống trong thực tiễn cách mạng cũng như trong thực tiễn phát triển của khoa học. Chúng ta cần tiếp thu, bổ sung một cách có chọn lọc trên tinh thần phê phán và sáng tạo những thành tựu mới nhất về tư tưởng và khoa học để học thuyết, chủ nghĩa của chúng ta luôn luôn tươi mới, luôn luôn được tiếp thêm sinh lực mới, mang hơi thở của thời đại, không rơi vào xơ cứng, trì trệ, lạc hậu so với cuộc sống” (Nguyễn Phú Trọng: Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, Nxb. Chính trị quốc gia sự thật, Hà Nội, 2022, tr.37-38).

Thứ ba, nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác tư tưởng, lý luận theo hướng chủ động, thiết thực, kịp thời. Sáng tạo, đổi mới nội dung, phương thức giáo dục để bảo đảm tính chiến đấu, tính giáo dục, tính thuyết phục, tính hiệu quả của công tác tư tưởng, phục vụ yêu cầu thực hiện nhiệm vụ chính trị, phù hợp với từng giai đoạn, tạo sự thống nhất trong Đảng, đồng thuận trong xã hội; đẩy mạnh tuyên truyền, học tập chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Đổi mới công tác tuyên truyền, giáo dục chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống cho cán bộ, đảng viên và nhân dân. Đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ.

Thứ tư, đẩy mạnh tổng kết thực tiễn, phát triển lý luận của 40 năm đổi mới, từng bước hoàn thiện hệ thống lý luận về đường lối đổi mới, về xã hội chủ nghĩa theo đặc điểm Việt Nam, mang đậm dấu ấn, bản lĩnh, trí tuệ và cốt cách dân tộc như một “Made in Việt Nam” theo tinh thần Hồ Chí Minh. Thực hiện nghiêm Quy định dân chủ, tạo môi trường dân chủ, khuyến khích tìm tòi, sáng tạo, phát huy trí tuệ của các tổ chức và cá nhân trong nghiên cứu lý luận chính trị.

Thứ năm, nâng cao trình độ học vấn và mặt bằng dân trí trong xã hội. Văn hóa chính trị ở Việt Nam - xét đến cùng - là bảo đảm quyền làm chủ thật sự của nhân dân và vì nhân dân, mang lại và không ngừng nâng cao đời sống vật chất và văn hóa của nhân dân, để mọi người dân được thụ hưởng thành quả của công cuộc đổi mới, không để ai bị bỏ lại phía sau. Trong hoạch định và phát triển văn hóa chính trị phải thực hiện phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”. Phải lấy sự hài lòng và lòng tin của nhân dân làm tiêu chí quan trọng đánh giá chất lượng của văn hóa chính trị. Muốn vậy, cùng với nâng cao đảng trí là nâng cao dân trí. Lênin chỉ rõ “mù chữ là đứng ngoài chính trị”.

Bác Hồ từng nhấn mạnh “một dân tộc dốt là một dân tộc yếu; dốt thì dại, dại thì hèn”. Người coi dốt là một loại giặc. Trong khi nhấn mạnh cách mạng là sự nghiệp của quần chúng nhân dân, dựa vào nhân dân để xây dựng Đảng, hơn lúc nào hết, sứ mệnh của giáo dục và đào tạo là nâng cao dân trí, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, phát hiện và trọng dụng nhân tài. Đảng cầm quyền phải hiểu thấu tư tưởng Hồ Chí Minh về vai trò, vị trí to lớn, quyết định của nhân dân. Dân chúng đồng lòng, việc gì cũng làm được. Dân chúng không ủng hộ, việc gì làm cũng không nên. Khi nhân dân giúp đỡ ta nhiều thì thành công nhiều, giúp đỡ ta ít thì thành công ít, giúp đỡ ta hoàn toàn thì thắng lợi hoàn toàn.

Thứ sáu, kế thừa và phát triển các giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại. Kiên quyết, kịp thời đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch; chủ động, tích cực ngăn chặn, phản bác các thông tin sai trái, phản động, cơ hội chống phá Đảng, Nhà nước và sự nghiệp đổi mới của nhân dân ta, bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng.

Nghiên cứu đầy đủ văn hóa chính trị hiện nay cần mở rộng và đi sâu vào các thành tố cấu thành hoặc liên quan như văn hóa Đảng cầm quyền, văn hóa pháp luật của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam, văn hóa lãnh đạo - quản lý, văn hóa công bộc, văn hóa liêm chính, văn hóa kiệm - cần, giá trị văn hóa và sức mạnh con người Việt Nam...

Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/van-hoa-chinh-tri-thoi-dai-ho-chi-minh-657592.html