Văn Giáo trên những nẻo đường

Trọn đời, họa sĩ Văn Giáo vẽ Bác Hồ - một thể loại tranh chân dung nhân vật lãnh tụ theo tiêu chí “giống cho đời nay và đẹp cho đời sau”.

Ông đi đến nơi, sống và vẽ tại nơi Bác sống, làm việc: quê hương xứ Nghệ, Pác Bó, Cao Bằng. Ông để lại cho đời nhiều tranh đẹp về Bác, đi vào lịch sử mỹ thuật cách mạng Việt Nam.

Chân dung họa sĩ Văn Giáo.

Văn Giáo còn thành công trong thể loại tranh phong cảnh quê hương, được coi là biết chơi đùa với ánh sáng một cách tinh tế: ưa thích cảnh đẹp, say sưa với những phản quang phong phú và màu sắc nồng nàn.

Về chất liệu, tranh bột màu Văn Giáo không chỉ là sở trường mà đã thành thương hiệu mang tên Văn Giáo. Tựu trung, họa sĩ Văn Giáo đã để lại cho đời những đóng góp nhất định về một đề tài Bác Hồ, một thể loại tranh phong cảnh, một chất liệu bột màu.

Xem tác phẩm trong triển lãm Văn Giáo trên những nẻo đườngbày tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, 66 Nguyễn Thái Học, Hà Nội từ 6 đến 14/10, người xem sẽ thấy dấu chân Văn Giáo in khắp nẻo đường đất nước. Định hình, định vị một phong cách hiện thực tâm trạng giàu phẩm chất cách mạng và trữ tình. Nhân 100 năm ngày sinh và 20 năm ngày mất Văn Giáo, triển lãm Văn Giáo trên những nẻo đường là cuộc tổng kiểm kê gia tài nghệ thuật được gia đình dày công tổ chức để tưởng nhớ ông.

P.V

* Lăng xê gốm sứ Nhật Bản.Trung tâm Giao lưu Văn hóa Nhật Bản và Tổng lãnh sự quán Nhật Bản tại TPHCM giới thiệu triển lãm “Gốm sứ Nhật Bản: Thế hệ trở mình từ những lò nung truyền thống” từ ngày 14 đến 30/10 tại Nhà triển lãm 92 Lê Thánh Tôn, Q1.Triển lãm giới thiệu tác phẩm của 35 nghệ nhân gốm sứ đang ngày đêm sáng tạo và lưu giữ truyền thống tại 7 vùng chính sản xuất gốm sứ ở Nhật. Những nghệ nhân này theo đuổi mục tiêu khác nhau. Có người vừa giữ gìn truyền thống sản xuất lâu đời của gia đình vừa theo đuổi những chuẩn mực ngày một cao trong nghề. Có người tìm hướng đi trong việc tạo dựng tính chất cá nhân trong từng tác phẩm bằng cách sáng tạo nhiều hình dáng khác lạ. Tất cả đều đầy hứa hẹn trở thành những người tiên phong trong thế hệ tiếp theo của gốm sứ Nhật Bản.

T.Q

* Vai trò của mỹ học trong đời sống đương đại - Tọa đàm từ 14h-17h, ngày 7/10 tại hội trường tầng 2 nhà H, ĐH KHXH&NV, 336 Nguyễn Trãi, Hà Nội. Dịch giả, nghệ sĩ thị giác Phạm Diệu Hương và giảng viên ĐH Mỹ thuật Việt Nam Nguyễn Thế Sơn sẽ giao lưu cùng bạn đọc và giới thiệu cuốn sách “50 câu hỏi mỹ học đương đại” của tác giả Pháp Marc Jimenez ngay tại tọa đàm. Nội dung xoay quanh Nghệ thuật đương đại liên quan tới suy xét mỹ học, đồng thời cung cấp những thuật ngữ, kiến thức, lý thuyết mỹ học đương đại.

B.T

Nhóm PV

Nguồn Tiền Phong: http://www.tienphong.vn/van-nghe/van-giao-tren-nhung-neo-duong-1059414.tpo