Vận dụng tư tưởng của V.I.Lênin về hệ thống chuyên chính vô sản trong xây dựng hệ thống chính trị ở nước ta hiện nay

(ĐCSVN)- Những năm trước đây và một số năm đầu đổi mới, chúng ta chưa dùng thuật ngữ "Hệ thống chính trị", mà dùng thuật ngữ "Hệ thống chuyên chính vô sản", để chỉ hệ thống cơ cấu tổ chức các cơ quan quyền lực lãnh đạo và quản lý, điều hành xã hội. Hiện nay, thuật ngữ "Hệ thống chính trị xã hội chủ nghĩa" được sử dụng chính thức trong các văn kiện của Đảng, Nhà nước; đó là sự kế thừa và phát triển tư tưởng về "Hệ thống chuyên chính vô sản"- một phát kiến quan trọng của V.I.Lênin.

Thời kỳ C.Mác, Ph.Ăngghen, do chưa đủ điều kiện thực tế khách quan nên cả hai ông chỉ mới đề cập đến: "Chuyên chính vô sản", mà chưa nêu lên tư tưởng về "Hệ thống chuyên chính vô sản". V.I.Lênin lãnh đạo Cách mạng xã hội chủ nghĩa tháng Mười thắng lợi, bắt tay vào xây dựng nhà nước chuyên chính vô sản đầu tiên trên thế giới, những đòi hỏi tất yếu khách quan xây dựng một thể chế chính trị mới của giai cấp vô sản đặt ra một cách trực tiếp. Vì vậy, V.I.Lênin đã sử dụng thuật ngữ "Hệ thống chuyên chính vô sản" như là một vấn đề tự nhiên, một đòi hỏi tất yếu của lịch sử. Lần đầu tiên V.I.Lênin sử dụng thuật ngữ "Hệ thống chuyên chính vô sản" trong bài diễn văn tại phiên họp liên tịch giữa các đảng viên Đảng cộng sản (b) Nga dự Đại hội VIII các Xô-viết, các đảng viên trong Hội đồng Trung ương các công đoàn toàn Nga và các công đoàn thành phố Mát-xcơ-va ngày 30 tháng Chạp năm 1920. Người viết: "Trong hệ thống chuyên chính vô sản, công đoàn có một vị trí ở giữa Đảng và chính quyền Nhà nước, nếu ta có thể nói như vậy được." Như vậy, hệ thống chuyên chính vô sản là một hệ thống cơ cấu tổ chức bao gồm: Đảng, bộ máy chính quyền Xô-viết và một số đoàn thể như: công đoàn, đoàn thanh niên, hội phụ nữ và hội nông dân... do Đảng cộng sản lãnh đạo. V.I.Lênin cũng đã phân tích làm rõ mối quan hệ biện chứng giữa các bộ phận cấu thành hệ thống chuyên chính vô sản và khẳng định mối quan hệ ấy bảo đảm cho hệ thống hoạt động một cách sống động, có hiệu quả, phát huy được quyền làm chủ của quần chúng nhân dân lao động, dưới sự lãnh đạo của Đảng Bôn-sê-vích, thông qua hoạt động của bộ máy chính quyền Xô-viết. Trong điều kiện Đảng cầm quyền, V.I.Lênin tiếp tục nhấn mạnh tính tất yếu phải xây dựng Đảng cộng sản trong sạch vững mạnh, Người khẳng định: “Không có một Đảng sắt thép được tôi luyện trong đấu tranh, không có một Đảng được sự tín nhiệm của tất cả những phần tử trung thực trong giai cấp… thì không thể tiến hành thắng lợi cuộc đấu tranh ấy được”. Do đó, Người yêu cầu Đảng phải giữ gìn bản chất giai cấp công nhân, phải giữ mối liên hệ mật thiết với quần chúng và chỉ rõ Đảng cộng sản không chỉ lãnh đạo toàn xã hội bằng cương lĩnh chính trị, bằng đường lối chiến lược, sách lược mà còn phải thông qua vai trò tổ chức hoạt động của bộ máy chính quyền Xô-viết và các đoàn thể quần chúng. Đối với Nhà nước Xô-viết, đó là nơi biểu hiện tập trung quyền lực của nhân dân, là trung tâm của mọi đầu mối liên hệ giai cấp; là nơi biến cương lĩnh, đường lối của Đảng thành những giải pháp mang tính khả thi và tổ chức thực hiện trên thực tế. Do vậy theo V.I.Lênin, Nhà nước Xô-viết chỉ có thể phát huy được vai trò quản lý xã hội của mình trong điều kiện có sự lãnh đạo của Đảng cộng sản. Song, Người cũng yêu cầu Đảng cộng sản nói chung và Ban chấp hành Trung ương nói riêng không được can thiệp trực tiếp hoặc làm thay các cơ quan nhà nước đối với những công việc cụ thể mang tính chất hành chính, chuyên môn nghiệp vụ. Mặt khác, Người cũng phân tích khá sâu sắc đặc điểm của nhà nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, bên cạnh những mặt ưu điểm thì nhà nước cũng không tránh khỏi còn ảnh hưởng những tàn dư của xã hội cũ như: tệ quan liêu, cửa quyền, những mâu thuẫn có tính chất nội bộ… Người viết: "Không thể đánh chết ngay chủ nghĩa tư bản được. Nó còn tái sinh dưới dạng "những ông tư sản Xô-viết”, những người quan liêu Xô-viết". Do đó, Người yêu cầu: “Chúng ta phải gắng sức xây dựng một nhà nư­ớc, trong đó công nhân tiếp tục lãnh đạo nông dân, duy trì được lòng tin của họ đối với mình và trừ bỏ được cả đến những lãng phí nhỏ nhất trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội” và vì vậy công nhân cần phải có tổ chức công đoàn bên cạnh tổ chức chính quyền của mình. Tổ chức công đoàn không phải để đối lập với nhà nước, mà nhằm thực hiện hai nhiệm vụ quan trọng là: bảo vệ mọi lợi ích chính đáng, danh dự của công nhân khỏi bị vi phạm bởi những hành động mang “danh nghĩa nhà nước” và đấu tranh chống lại mọi biểu hiện tiêu cực của các cơ quan nhà nước, bảo đảm cho nhà nước luôn luôn xứng đáng là nhà nước của công nhân và nhân dân lao động. Ngoài ra, V.I.Lênin cũng đặt ra yêu cầu phải xây dựng các tổ chức chính trị - xã hội khác như đoàn thanh niên, hội phụ nữ, hội nông dân…vững mạnh, vì các tổ chức đó đại diện cho quyền lợi của các tầng lớp nhân dân và thông qua đó để thực hiện quyền làm chủ của nhân dân lao động. Như vậy, quan niệm của V.I.Lênin về hệ thống chuyên chính vô sản là hết sức khoa học, đó là sự phát triển sáng tạo quan điểm của Mác và Ăngghen về chuyên chính vô sản vào tình hình mới, gắn với đòi hỏi của thực tiễn quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội trên nước Nga. Quan điểm của Người là cơ sở lý luận trực tiếp để Đảng ta vận dụng vào xây dựng hệ thống chính trị xã hội chủ nghĩa trong sự nghiệp đổi mới toàn diện đất nước hiện nay. Thuật ngữ: “Hệ thống chính trị xã hội chủ nghĩa” được Đảng ta sử dụng chính thức từ Hội nghị Trung ương 6 - Khóa VI (tháng 3/1989). Hệ thống chính trị xã hội chủ nghĩa mà chúng ta xây dựng là trụ cột của nền chính trị xã hội chủ nghĩa, dưới sự lãnh đạo của Đảng cộng sản Việt Nam; bao gồm hệ thống cơ cấu tổ chức và các mối quan hệ giữa Đảng Cộng sản, chính quyền nhà nước với các tổ chức chính trị - xã hội. Mục tiêu tổng quát của hệ thống chính trị n­ước ta đ­ược thể hiện trong “Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội” như­ sau: "Toàn bộ tổ chức và hoạt động của hệ thống chính trị nư­ớc ta trong giai đoạn mới là nhằm xây dựng và từng bước hoàn thiện nền dân chủ xã hội chủ nghĩa, bảo đảm quyền lực thuộc về nhân dân". Thực hiện đường lối đổi mới toàn diện đất nước, Đảng ta khẳng định cần tiếp tục đổi mới hệ thống chính trị, bảo đảm cho hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, đáp yêu cầu đẩy mạnh sự nghiệp CNH, HĐH đất nước và hội nhập quốc tế hiện nay. Đảng cũng khẳng định đổi mới hệ thống chính trị không phải là thay đổi chế độ chính trị, mà là làm cho chế độ chính trị đã được kiến lập ngày càng bền vững hơn, thể hiện đúng đắn và đầy đủ hơn bản chất xã hội chủ nghĩa, phát huy tính ưu việt và vai trò tích cực của chính trị đối với sự phát triển kinh tế - xã hội. Đổi mới hệ thống chính trị là nhằm làm cho các bộ phận cấu thành hệ thống hoạt động có hiệu lực và hiệu quả cao hơn, khắc phục bệnh quan liêu, hình thức, trên cơ sở xác định rõ, thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ của từng tổ chức và xác lập cơ chế vận hành thông suốt, chặt chẽ của cả hệ thống, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam. Bước vào thời kỳ đẩy mạnh CNH, HĐH đất nước và hội nhập quốc tế hiện nay, để tiếp tục đổi mới hệ thống chính trị có hiệu quả, vấn đề đặt ra là: - Đổi mới hệ thống chính trị phải trên cơ sở lấy đổi mới kinh tế là trọng tâm, xây dựng Đảng là then chốt. Đổi mới hệ thống chính trị cần đẩy mạnh đổi mới tổ chức, phương thức hoạt động và cơ chế vận hành của các bộ phận cấu thành, làm cho hệ thống chính trị có tác động mạnh mẽ tới việc giải phóng lực lượng sản xuất, phát triển kinh tế nhanh và bền vững. - Đổi mới hệ thống chính trị phải gắn với xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam thực sự là nhà nước của dân, do dân và vì dân. Đổi mới và tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước, nâng cao hiệu lực quản lý và tính chủ động, sáng tạo trong hoạt động của Nhà nước. - Đổi mới tổ chức và hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội theo hướng đa dạng về hình thức, chức năng, nhiệm vụ; coi trọng tính thiết thực và hiệu quả, làm tốt chức năng, giám sát và phản biện xã hội, góp phần vào việc xây dựng Đảng, xây dựng Nhà nước trong sạch vững mạnh, phát huy quyền làm chủ của nhân dân. - Đổi mới hệ thống chính trị phải gắn với đẩy mạnh cải cách hành chính; thực hiện cơ chế hóa, quy chế hóa mối quan hệ giữa các bộ phận cấu thành của hệ thống, tạo ra sự vận động cùng chiều, tạo sức mạnh tổng hợp thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội và mở rộng quyền làm chủ của nhân dân. Hiện nay, chúng ta đang thử nghiệm không tổ chức Hội đồng nhân dân cấp quận, huyện và phường trong mười tỉnh thành cả nước. Đây là một chủ trương mới, nhằm từng bước cải cách hệ thống chính trị cơ sở theo hướng tinh gọn, hiệu quả, góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo của tổ chức cơ sở Đảng, hiệu lực quản lý của chính quyền cơ sở, đảm bảo quyền làm chủ trên thực tế của nhân dân và bảo đảm cho hệ thống chính trị từ Trung ương đến cơ sở thực sự là của dân, do dân và vì dân. Thực hiện tốt những chủ trương trên cũng chính là sự vận dụng sáng tạo tư tưởng của V.I.Lênin về hệ thống chuyên chính vô sản vào thực tiễn Việt Nam, góp phần xây dựng hệ thống chính trị xã hội chủ nghĩa vững mạnh, góp phần giữ vững định hướng xã hội chủ nghĩa, tạo sự ổn định chính trị-xã hội cho sự phát triển đất nước vì mục tiêu: “Dân giàu, nước mạnh xã hội công bằng dân chủ, văn minh”.

Nguồn ĐCSVN: http://www.cpv.org.vn/cpv/modules/news/newsdetail.aspx?cn_id=380882&co_id=30296