Vận dụng tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, chìa khóa thành công cho DN

Vận dụng linh hoạt, hiệu quả quan điểm, tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về xây dựng văn hóa, đạo đức kinh doanh, mỗi doanh nghiệp sẽ có tinh thần thượng tôn pháp luật, tạo ra giá trị đích thực cho xã hội và là nền tảng vững chắc để phát triển, hội nhập quốc tế.

Thượng tôn pháp luật, xây dựng văn hóa kinh doanh

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có những quan điểm, tư tưởng trên nhiều lĩnh vực, trong đó, về văn hóa và kinh tế. Người từng nói “Văn hóa, nghệ thuật cũng như mọi hoạt động khác, không thể đứng ngoài, mà phải ở trong kinh tế và chính trị”. Đặc biệt, đối với giới công thương, Người khẳng định, giới công thương là một bộ phận của khối đại đoàn kết toàn dân tộc và Công thương cứu quốc đoàn - tổ chức của giới doanh nhân là một thành viên của hệ thống chính trị của đất nước - thành viên của mặt trận Việt Minh.

Người cũng nhấn mạnh, giới công thương phải đồng hành với dân tộc, với sự nghiệp cách mạng của Đảng. Theo Người, muốn trở thành người kinh doanh giỏi phải không ngừng học tập, khổ công rèn luyện, trau dồi bản lĩnh chính trị, bản lĩnh nghề nghiệp và đạo đức người kinh doanh. Do đó, doanh nhân cần phải có đủ các đức tính cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, có tri thức chuyên môn vững vàng, nắm vững pháp luật, sâu sát thực tế, lý trí vững chắc, bản lĩnh kiên cường, tình cảm trong sáng; kết hợp giữa chính trị và khoa học, chấp hành pháp luật, hiểu biết pháp luật, đặc biệt quan tâm tới việc chống tham ô, lãng phí, quan liêu cửa quyền.

Thực hiện theo tư tưởng Hồ Chí Minh, giới doanh nghiệp, doanh nhân Việt Nam đã vận dụng linh hoạt, hiệu quả vào trong kinh doanh, đem lại những giá trị to lớn.

Petrovietnam luôn vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh trong hoạt động sản xuất, kinh doanh. (Ảnh: Khắc Kiên).

Petrovietnam luôn vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh trong hoạt động sản xuất, kinh doanh. (Ảnh: Khắc Kiên).

Khẳng định tầm quan trọng của tư tưởng Hồ Chí Minh, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Đảng ủy Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (Petrovietnam) Lê Anh Chiến cho biết, việc xây dựng, duy trì văn hóa doanh nghiệp trong Petrovietnam. Điều này giúp Tập đoàn vững vàng vượt qua “khủng hoảng kép” năm 2020, phục hồi tăng trưởng năm 2021 và làm nên những kỷ lục trong các hoạt động sản xuất kinh doanh năm 2022. Năm 2023, tổng doanh thu toàn Petrovietnam lập kỷ lục mới, đạt 942,8 nghìn tỷ đồng (tương đương 9,2% GDP cả nước), tăng 11,6 nghìn tỷ đồng so với kỷ lục đã xác lập vào năm 2022; tổng nộp ngân sách Nhà nước toàn Tập đoàn chiếm tỷ trọng 9,4% tổng thu ngân sách Nhà nước; năm thứ 15 liên tiếp Petrovietnam góp mặt trong Top 3 doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam; dành 750 tỷ đồng thực hiện an sinh xã hội trên mọi miền Tổ quốc.

Cũng chia sẻ câu chuyện thành công của mình nhờ áp dụng tư tưởng Hồ Chí Minh vào hoạt động kinh doanh, Chủ tịch Công ty CP Shinec Phạm Hồng Điệp cho biết, văn hóa kinh doanh là một cấu phần rất quan trọng tạo nên văn hóa doanh nghiệp. Điều này có giá trị điều hướng cho toàn bộ hoạt động của doanh nghiệp, tạo nên danh tiếng và uy tín, cũng như nền tảng để xây dựng sự phát triển bền vững. Trong đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dặn dò rằng sản xuất phải “nhanh, nhiều, tốt, rẻ”, nên đòi hỏi mỗi doanh nghiệp phải không ngừng nâng cao năng suất lao động, tối ưu hóa quy trình sản xuất để có thể cung cấp sản phẩm chất lượng, giá cả phải chăng và đáp ứng được nhu cầu của thị trường.

Nền tảng vững chắc cho doanh nghiệp hội nhập, phát triển

Kế thừa tư tưởng Hồ Chí Minh về văn hóa doanh nhân, gần đây nhất, ngày 10/10/2023, Bộ Chính trị khóa XIII đã ban hành Nghị quyết số 41-NQ/TW, về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ mới, đã đề ra mục tiêu tổng quát: “Phát triển đội ngũ doanh nhân lớn mạnh về số lượng, chất lượng, cơ cấu hợp lý, có tầm nhìn, trí tuệ, đạo đức, tinh thần kinh doanh, làm giàu chính đáng, năng động, sáng tạo, năng lực quản trị tiên tiến, tuân thủ pháp luật, có đạo đức, văn hóa kinh doanh mang bản sắc dân tộc; có trách nhiệm xã hội, ý thức bảo vệ môi trường, đóng góp xứng đáng cho các mục tiêu phát triển đất nước”.

Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Phan Xuân Thủy cho biết, học tập và làm theo Tư tưởng Chủ tịch Hồ Chí Minh, mỗi doanh nghiệp, doanh nhân sẽ có tinh thần thượng tôn pháp luật, chia sẻ với xã hội, tạo ra giá trị đích thực cho xã hội. Đây là nền tảng vững chắc để các doanh nghiệp Việt Nam phát triển và hội nhập quốc tế. Đội ngũ doanh nhân Việt Nam sẽ hoàn thành xuất sắc sứ mệnh vẻ vang là lực lượng nòng cốt lãnh đạo đội quân chủ lực là các doanh nghiệp trong thực hiện mục tiêu và khát vọng phát triển của dân tộc, góp phần xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, phồn vinh, hoàn thành nguyện ước của Bác Hồ về sánh vai với các cường quốc năm châu.

Đồng quan điểm, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa ngành nghề nông thôn Việt Nam Nguyễn Ngọc Quang cho rằng, các doanh nghiệp doanh nhân Việt Nam phải trau dồi văn hóa kinh doanh, để phấn đấu trở thành những doanh nghiệp, doanh nhân có tầm cao, có tầm nhìn, nhất là văn hóa kinh doanh trung thực, lành mạnh và mang truyền thống dân tộc.

Đại diện lãnh đạo Shinec cũng nêu, Bác Hồ thường nhắc nhở về việc nhìn ra nước ngoài để học hỏi kinh nghiệm của các nước tiên tiến trong quản lý sản xuất. Điều này đặc biệt quan trọng trong bối cảnh hiện nay khi môi trường kinh doanh đang ngày càng phức tạp và đòi hỏi sự linh hoạt và đổi mới liên tục, nên đòi hỏi doanh nghiệp trong nước phải tự nâng cao năng lực để nắm bắt tốt các cơ hội hợp tác quốc tế.

“Học tập tư tưởng Hồ Chí Minh, doanh nhân cần phải có đủ các đức tính cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, có tri thức chuyên môn vững vàng, nắm vững pháp luật, sâu sát thực tế, lý trí vững chắc, bản lĩnh kiên cường, tình cảm trong sáng, kết hợp giữa chính trị và khoa học, chấp hành pháp luật, hiểu biết pháp luật. Đặc biệt quan tâm tới việc chống tham ô, lãng phí, quan liêu cửa quyền”. - Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Côn nghiệp Việt Nam (VCCI) Phạm Tấn Công nêu quan điểm.

Phương Nga

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/van-dung-tu-tuong-cua-chu-tich-ho-chi-minh-chia-khoa-thanh-cong-cho-dn.html