Vận động viên Trung Quốc bị chỉ trích dù đoạt huy chương bạc

Trong nỗi buồn thất bại, các vận động viên Trung Quốc còn bị một bộ phận người hâm mộ nước nhà chỉ trích. Tuy vậy, những tiếng nói bảo vệ họ đang được lan truyền rộng rãi.

Sau khi chỉ giành huy chương bạc nội dung bóng bàn đôi nam nữ tại Olympic Tokyo, cặp đôi số một thế giới Xu Xin và Liu Shiwen xin lỗi trong nước mắt.“Tôi đã làm cả đội thất vọng. Tôi xin lỗi mọi người”, vận động viên Liu Shiwen nói với đôi mắt ngấn lệ.

“Cả đất nước trông chờ trận chung kết. Tôi nghĩ toàn đội Trung Quốc không thể chấp nhận kết quả này”, Xu Xin buồn bã.

Trong trận chung kết, Xu Xin và Liu Shiwen để thua cặp đôi Jun Mizutani và Mima Ito của chủ nhà Nhật Bản với tỉ số 3-4. Thất bại của cặp đôi này là lần đầu tiên Trung Quốc để tuột một tấm huy chương vàng Olympic ở bộ môn bóng bàn từ năm 2008.

Thất bại trước người Nhật ở bộ môn Trung Quốc thống trị trong nhiều năm khiến những thành phần dân tộc chủ nghĩa cực đoan tức giận. Ngay sau trận đấu, một số “anh hùng bàn phím” tấn công Xu Xin và Liu Shiwen vì “làm đất nước thất vọng”. Dù vậy, những phản ứng ngược lại ngày càng nhiều hơn thời gian gần đây.

Nhận chỉ trích sau thất bại

Đối với những người chỉ trích, vị trí của Trung Quốc trên bảng tổng sắp huy chương Olympic không chỉ mang ý nghĩa về thể thao. Việc để mất huy chương Olympic bị coi là hành động “không yêu nước”.

“Theo họ, bảng tổng sắp huy chương thể hiện năng lực quốc gia và cả phẩm giá của đất nước”, tiến sĩ Florian Schneider, giám đốc Trung tâm Leiden châu Á của Hà Lan, nói. “Do đó, nếu ai thất bại trước người nước ngoài, người đó làm đất nước thất vọng, thậm chí bị coi là phản bội tổ quốc”.

 Đôi vận động viên Xu Xin và Liu Shiwen bị một số người chỉ trích khi chỉ giành được huy chương bạc. Ảnh: BBC.

Đôi vận động viên Xu Xin và Liu Shiwen bị một số người chỉ trích khi chỉ giành được huy chương bạc. Ảnh: BBC.

Thất bại ở trận chung kết bóng bàn đôi nam nữ càng đau đớn hơn khi đối thủ là Nhật Bản. Trung Quốc và Nhật Bản có mối quan hệ lịch sử phức tạp và vẫn đang có tranh chấp lãnh thổ trên biển Hoa Đông.

“Các thành phần dân tộc chủ nghĩa coi trận đấu không chỉ là sự kiện thể thao”, tiến sĩ Schneider nói. “Họ coi đây là cuộc đối đầu giữa Trung Quốc và Nhật Bản”.

Các luận điệu chống Nhật nổi lên trên Weibo sau trận đấu. Nhiều người tố cáo trọng tài thiên vị đôi vận động viên người Nhật.

Chủ nghĩa dân tộc Trung Quốc không chỉ xuất hiện ở môn bóng bàn. Sau khi để thua trận chung kết đôi nam cầu lông trước đôi vận động viên người Đài Loan, hai tay vợt Li Junhui và Liu Yuchen cũng bị một số người dùng mạng xã hội chỉ trích.

“Các anh đã tỉnh ngủ chưa. Các anh không nỗ lực chút nào cả”, một tài khoản bình luận.

Trước đó, xạ thủ Yang Qian cũng bị chỉ trích dù là người đầu tiên đem về tấm huy chương vàng cho đoàn thể thao Trung Quốc tại Olympic Tokyo.

 Nữ xạ thủ Yang Qian từng bị chỉ trích vì bộ sưu tập giày Nike. Ảnh: Reuters.

Nữ xạ thủ Yang Qian từng bị chỉ trích vì bộ sưu tập giày Nike. Ảnh: Reuters.

Nữ xạ thủ 21 tuổi từng có bài đăng khoe bộ sưu tập giày Nike của bản thân. Đây là thương hiệu bị người Trung Quốc chỉ trích liên quan đến những tranh cãi giữa nước này và phương Tây về vấn đề Tân Cương.

Wang Luyao, đồng đội của Yang Qian tại đội tuyển bắn súng nữ Trung Quốc, cũng bị chỉ trích khi có thành tích thi đấu không tốt tại Olympic Tokyo. Mạng xã hội Weibo của Trung Quốc phải đình chỉ 33 tài khoản liên quan đến vụ việc.

Tiếng nói bảo vệ

Trung Quốc không phải quốc gia duy nhất phải đối mặt với vấn nạn tấn công vận động viên sau thất bại. Kình ngư người Singapore Joseph Schooling cũng bị chỉ trích khi không thể bảo vệ tấm huy chương vàng 100 m bơi bướm tại Olympic Tokyo. Vụ việc khiến nhiều quan chức cấp cao Singapore, bao gồm Tổng thống Halimah Yacob, phải lên tiếng bảo vệ Schooling.

Tuy nhiên, tình hình tại Trung Quốc có phần tồi tệ hơn. “Những “tiểu phấn hồng” (cụm từ chỉ những người trẻ Trung Quốc có tinh thần dân tộc chủ nghĩa cao độ) có tiếng nói mạnh mẽ trên không gian mạng”, giáo sư Jonathan Hassid, chuyên gia về khoa học chính trị tại Đại học Iowa, Mỹ, nói.

Giới chức thể thao Trung Quốc cũng gây áp lực thành tích lên các vận động viên. Một tuần trước khi Thế vận hội khởi tranh, trưởng đoàn thể thao Trung Quốc Cẩu Trọng Văn tuyên bố nước này hướng đến ngôi đầu tại Olympic.

“Mục tiêu đầu tiên là chặn đứng đà đi xuống trong thành tích của Trung Quốc tại các kỳ thế vận hội trong những năm trở lại đây. Mục tiêu thứ hai là đảm bảo Trung Quốc đứng đầu về số huy chương vàng trong bảng tổng sắp”, ông Cẩu nói.

 Đoàn thể thao Trung Quốc được đặt nhiều kỳ vọng tại Olympic Tokyo. Ảnh: Reuters.

Đoàn thể thao Trung Quốc được đặt nhiều kỳ vọng tại Olympic Tokyo. Ảnh: Reuters.

“Công chúng Trung Quốc coi trọng thành công của đất nước. Các vận động viên Trung Quốc cần có được sự thành công này tại Tokyo”, tiến sĩ Schneider nhận định.

Tuy vậy, những thành phần cực đoan không đại diện cho đa số người Trung Quốc. Những tiếng nói bảo vệ vận động viên xuất hiện rộng rãi trên mạng xã hội sau thất bại.

“Nhà vô địch bảo vệ danh hiệu, trong khi những chú ngựa ô muốn lật đổ ngai vàng. Thể thao luôn có những bất ngờ. Đây cũng là sự hấp dẫn và giá trị của thể thao. Số người giành huy chương chỉ là thiểu số, cuộc đời của vận động viên luôn có đầy thất bại. Cách đối diện và đứng lên mới là bài học lớn nhất của thể thao”, tờ Guangming Daily bình luận sau thất bại của cặp đôi Xu Xin và Liu Shiwen.

“Tôi mong mọi người đang theo dõi qua màn hình nhỏ có cái nhìn hợp lý về tấm huy chương vàng, về chiến thắng và thất bại để tận hưởng tinh thần Olympic”, một bình luận viên của Xinhua nói.

Việt Hà

Theo BBC, South China Morning Post

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/van-dong-vien-trung-quoc-bi-chi-trich-du-doat-huy-chuong-bac-post1246781.html