Vận động viên khuyết tật Đỗ Trường Anh: Thành công từ sự kiên trì

Bị liệt dây thần kinh chân phải khi còn nhỏ song với niềm đam mê môn bóng bàn, vận động viên (VĐV) Đỗ Trường Anh đã vượt lên hoàn cảnh, chiến thắng bản thân, giành nhiều huy chương ở các sân chơi quốc gia và khu vực Đông Nam Á.

Chống nạng đi xem thi đấu

Đỗ Trường Anh (SN 1988) ở thôn Đình Nội, xã Trù Hựu (Lục Ngạn). Lúc 5 tuổi, Trường Anh bị liệt dây thần kinh chân phải, không thể co duỗi, mỗi khi di chuyển phải dùng nạng. Việc sinh hoạt cá nhân, vận động rất khó khăn. Suốt một năm ròng, Trường Anh được gia đình đưa đi chữa trị ở nhiều bệnh viện tuyến T.Ư.

VĐV Đỗ Trường Anh (bên phải) thi đấu môn bóng bàn tại Giải Thể thao Người khuyết tật toàn quốc năm 2022.

Để chân khỏi bị teo, các y, bác sĩ phải đóng đinh vào xương. Sau một thời gian điều trị, Trường Anh được ra viện, chân phải tiến triển hơn song vẫn yếu. Nhiều năm, Trường Anh tự chống nạng đi học. Năm học lớp 10, em mới biết đi xe đạp cho dù mỗi lần co duỗi chân là một lần đau đớn. Nhờ bền bỉ, kiên trì luyện tập, chân phải của em ngày một khỏe hơn.

Trường Anh chia sẻ, năm học lớp 6, gần nhà có bàn bóng bàn, em thường sang chơi, xem mọi người thi đấu và thấy rất thích môn thể thao này. Được bố mẹ sắm cho cây vợt, mỗi khi rảnh rỗi, Trường Anh chống nạng sang nhà hàng xóm tập chơi, trong đó có nhiều người chơi giỏi, từng giành tích cao ở các giải đấu. Cứ thế, kỹ thuật chơi bóng bàn của em ngày một nâng lên.

Nhận thấy năng khiếu của con trai, học hết lớp 8, vào dịp nghỉ hè, Trường Anh được bố đưa xuống Hà Nội học thêm ở một câu lạc bộ bóng bàn có uy tín. Dưới sự kèm cặp, hướng dẫn của các huấn luyện viên, được thi đấu với nhiều VĐV, trình độ kỹ thuật, chiến thuật chơi bóng của em càng tốt hơn. Năm học lớp 9, lần đầu tiên Trường Anh thi đấu giải bóng bàn cấp huyện và giành giải Ba. Từ lớp 10 đến lớp 12, em đều giành giải cao ở các giải cấp tỉnh.

Tốt nghiệp THPT, dù làm nhiều nghề song chàng trai trẻ vẫn cố gắng thu xếp thời gian tập luyện, thi đấu bóng bàn. Năm 2010, Đỗ Trường Anh tham gia giải bóng bàn của tỉnh dành cho người khuyết tật ở nội dung đôi nam (giành giải Nhì) và nội dung đơn nam (giành giải Ba). Cũng năm đó, Trường Anh được chọn tham gia giải toàn quốc và giành giải Ba nội dung đồng đội. Từ đây, cái tên Đỗ Trường Anh được nhiều người hâm mộ bóng bàn biết đến.

Ở giải đấu của tỉnh và quốc gia, Trường Anh nhiều lần được xướng tên trên bục vinh quang với những tấm Huy chương Vàng, Huy chương Bạc danh giá. “Trước đây, khi thi đấu ở các giải thông thường, tôi có phần mặc cảm vì chân không được khỏe mạnh như mọi người. Kể từ khi tham gia những giải thể thao dành cho người khuyết tật, thấy các VĐV cụt cả 2 chân nhưng vẫn chơi bóng bàn, cờ vua, bơi… tôi rất khâm phục và thấy mình còn may mắn hơn nhiều người. Điều đó càng tiếp thêm sức mạnh, niềm tin để tôi vượt qua khó khăn, trở ngại”, Trường Anh nói.

Vươn ra đấu trường khu vực

Trường Anh chia sẻ, so với một số môn thể thao, chơi bóng bàn tuy không tốn sức song đổi lại đòi hỏi phản xạ nhanh; các động tác tay, di chuyển phải luôn uyển chuyển, linh hoạt, sử dụng nhiều chiến thuật. Mặt khác, phải biết phán đoán đường bóng của đối phương, các pha dứt điểm chính xác. Để nâng cao kỹ thuật, chiến thuật, anh thường xuyên xem các video trên internet, đồng thời tự thực hành các bài tập tại nhà. Thỉnh thoảng, anh thi đấu giao lưu, học hỏi các huấn luyện viên, VĐV giỏi trong làng bóng bàn Việt Nam.

VĐV Đỗ Trường Anh (thứ hai, bên trái) cùng các VĐV bóng bàn Việt Nam nhận huy chương, chụp ảnh lưu niệm tại Đại hội Thể thao Người khuyết tật Đông Nam Á tổ chức tại Campuchia năm 2023.

Đỗ Trường Anh vinh dự được tuyển chọn vào đoàn thể thao Việt Nam tham gia Đại hội Thể thao Người khuyết tật Đông Nam Á tổ chức tại Campuchia từ ngày 31/5 đến 10/6/2023. Giải đấu quy tụ nhiều VĐV khuyết tật xuất sắc đến từ nhiều quốc gia. Đối với môn bóng bàn, đoàn Việt Nam có 12 VĐV, trong đó duy nhất Trường Anh là người Bắc Giang. Ở giải này, Trường Anh thi đấu nội dung đồng đội, đôi nam, đơn nam. Riêng nội dung đôi nam, Trường Anh đánh đôi với VĐV Phạm Văn Hoàng (TP Hồ Chí Minh).

Ở Việt Nam, 2 VĐV chưa bao giờ cùng nhau tập luyện, “bày binh bố trận” trước khi lên đường sang Campuchia. Đôi nam này chỉ được luyện tập, làm quen sân thi đấu hai ngày trước khi giải khai mạc. Tại giải đấu, Trường Anh và đồng đội gặp nhiều đối thủ mạnh đến từ Indonesia, Thái Lan, từng giành thứ hạng cao ở các giải thế giới. Với sự cố gắng không ngừng, thi đấu hết mình vì màu cờ sắc áo, Đỗ Trường Anh giành 2 Huy chương Đồng ở nội dung đồng đội và đôi nam.

Ông Nghiêm Xuân Tuấn, Phó trưởng Phòng Bảo trợ xã hội (Sở Lao động- Thương binh và Xã hội) - người nhiều năm trực tiếp đưa các VĐV khuyết tật đi thi đấu ở các giải quốc gia nhận xét: Đỗ Trường Anh là VĐV có ý chí, nghị lực, luôn thi đấu hết mình, kể cả gặp những đối thủ mạnh song không bao giờ bỏ cuộc. Tinh thần vượt khó vươn lên của VĐV này rất đáng khâm phục.

Hiện Đỗ Trường Anh đã lập gia đình và có 2 con. Con gái lớn 5 tuổi, con trai 3 tuổi. Không phải là VĐV chuyên nghiệp song Đỗ Trường Anh luôn được gia đình ủng hộ, tạo mọi điều kiện để tham gia các giải đấu trong nước và khu vực dù kinh tế gia đình chưa hẳn khá giả. Những chuyến đi dài ngày đã cho anh nhiều trải nghiệm thú vị về cuộc sống, được tiếp xúc với nhiều VĐV để học hỏi, nâng cao trình độ chuyên môn. Mong ước của Đỗ Trường Anh là luôn khỏe mạnh để giành nhiều thành tích cao hơn nữa trong thi đấu, góp phần lan tỏa nghị lực sống, tình yêu thể thao đến với mọi người.

Công Doanh

Nguồn Bắc Giang: http://baobacgiang.com.vn/bg/the-thao/412002/van-dong-vien-khuyet-tat-do-truong-anh-thanh-cong-tu-su-kien-tri.html