Vận động nhân dân tích cực tham gia giám sát dịch vụ hành chính công

Ngày 25/5, tại Hà Nội, Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ đã tổ chức Hội nghị công bố Chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước (HCNN) và Chỉ số cải cách hành chính của các bộ, cơ quan ngang bộ, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương năm 2021.

Chủ trì Hội nghị. Ảnh: Văn Điệp/TTXVN.

Chủ trì Hội nghị có bà Phạm Thị Thanh Trà, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Nội vụ - Phó Trưởng ban thường trực Ban Chỉ đạo; ông Nguyễn Hữu Dũng, Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam; ông Nguyễn Trọng Thừa, Thứ trưởng Bộ Nội vụ; Trung tướng Khuất Việt Dũng, Phó Chủ tịch Hội Cựu chiến binh Việt Nam.

Hiện thực hóa mục tiêu xây dựng nền hành chính dân chủ, chuyên nghiệp, hiện đại

Theo Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà, năm 2021 là năm thứ 10 liên tiếp, Bộ Nội vụ phối hợp với các bộ, ngành, địa phương và các cơ quan liên quan triển khai xác định, công bố Chỉ số cải cách hành chính của các bộ, các tỉnh, thành phố cả nước; là năm thứ 5 triển khai đo lường sự hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục của cơ quan hành chính tại tất cả 63 tỉnh, thành phố trên cả nước.

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: Văn Điệp/TTXVN.

Trong những năm qua, Chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đã mang lại những kết quả, tác động tích cực đối với cả cơ quan HCNN và người dân, tổ chức.

Chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức cho thấy toàn diện thực trạng chất lượng cung ứng dịch vụ công, từ đó cung cấp thông tin kịp thời, khách quan giúp Chính phủ, chính quyền, cơ quan HCNN có cơ sở để thực hiện các giải pháp cải cách, nâng cao chất lượng dịch vụ công, chất lượng phục vụ người dân, tổ chức.

Năm 2021, Bộ Nội vụ phối hợp với các cơ quan liên quan triển khai đo lường sự hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan HCNN nhằm đánh giá khách quan chất lượng cung ứng dịch vụ công, chất lượng phục vụ người dân, tổ chức của các cơ quan HCNN, thông qua đó, giúp các cơ quan HCNN nắm bắt được thực trạng chất lượng dịch vụ công, nhu cầu, mong đợi của người dân, tổ chức để làm cơ sở xác định, thực hiện các biện pháp cải thiện chất lượng dịch vụ công, chất lượng phục vụ người dân, tổ chức, mang lại sự hài lòng cho người dân, tổ chức.

Quang cảnh Hội nghị. Ảnh: Văn Điệp/TTXVN.

Kết quả đo lường sự hài lòng của người dân, tổ chức năm 2021 cho thấy, chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính nói chung cả nước năm 2021 là 87,16%. Chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính của 63 tỉnh nằm trong khoảng 94,07% - 82,79%.

Các tỉnh có Chỉ số hài lòng cao ở nhóm đầu (từ 90% trở lên) gồm: Quảng Ninh, Hải Phòng, Hưng Yên, Hải Dương, Hà Tĩnh, Sơn La, Bắc Ninh và Bắc Giang.

Về Chỉ số cải cách hành chính của các bộ, cơ quan ngang bộ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, trong 10 năm qua, chỉ số này luôn được khẳng định qua thực tiễn là một trong những công cụ có ý nghĩa quan trọng trong chỉ đạo, điều hành triển khai Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2011 - 2020.

Năm 2021, Chỉ số cải cách hành chính các bộ, cơ quan ngang bộ được phân loại gồm 3 nhóm điểm, trong đó kết quả Chỉ số cải cách hành chính trên 90%, bao gồm 3 đơn vị là Bộ Tư pháp; Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.

Chỉ số cải cách hành chính năm 2021 của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có giá trị trung bình cao nhất từ trước đến nay, đạt 86,37%, cao hơn 2,65% so với năm 2020 (đạt 83,72%) và có năm thứ 3 liên tiếp đạt giá trị trung bình trên 80%.

Phó Chủ tịch Nguyễn Hữu Dũng phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: Văn Điệp/TTXVN.

Tích cực, chủ động thực hiện cải cách, nâng cao chất lượng cung ứng dịch vụ công

Phát biểu tại Hội nghị, Phó Chủ tịch Nguyễn Hữu Dũng khẳng định, sự nỗ lực của các cơ quan, tổ chức tham gia Chương trình phối hợp, các hoạt động điều tra xã hội học, đo lường sự hài lòng về sự phục vụ hành chính năm 2021 đã đem lại nhiều kết quả đáng ghi nhận.

“Kết quả của Chương trình phối hợp có ý nghĩa sâu sắc, không chỉ giúp cơ quan HCNN nắm bắt được cảm nhận, yêu cầu, mong đợi của người dân, tổ chức đối với chất lượng giải quyết thủ tục hành chính, từ đó đề ra các giải pháp phù hợp để cải thiện chất lượng cung cấp dịch vụ hành chính công, nâng cao sự hài lòng của người dân, tổ chức; góp phần xây dựng một nền hành chính phục vụ mà còn tạo cơ chế mở để người dân, tổ chức tham gia góp ý, giám sát quá trình xây dựng, tổ chức thực hiện chính sách, đặc biệt là trong lĩnh vực cung ứng dịch vụ hành chính công”, ông Nguyễn Hữu Dũng nhấn mạnh.

Phó Chủ tịch Nguyễn Hữu Dũng cho biết, trong những năm qua, nhiều địa phương đã tích cực, chủ động thực hiện cải cách, nâng cao chất lượng cung ứng dịch vụ công, do đó, chất lượng của nhiều dịch vụ công ngày càng tốt hơn và người dân, tổ chức ngày càng hài lòng hơn.

Điều đó đã được khẳng định qua kết quả Chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan HCNN năm 2021, trong đó Chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính của các cơ quan hành chính nói chung trong cả nước đạt 87,16% (tăng 1,68% so với năm 2020).

Để tiếp tục nâng cao chất lượng, phương pháp đo lường sự hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan HCNN trong thời gian tới, Phó Chủ tịch Nguyễn Hữu Dũng đề nghị, các bên tham gia Chương trình phối hợp cần tập trung triển khai xây dựng Đề án đo lường sự hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan HCNN giai đoạn mới, trong đó cần hoàn thiện phương pháp điều tra xã hội học, đo lường sự hài lòng phù hợp với tình hình thực tiễn hiện nay.

Đồng thời, Bộ Nội vụ, Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam và Trung ương Hội Cựu chiến binh Việt Nam tiếp tục chỉ đạo, hướng dẫn các cơ quan, tổ chức trong hệ thống của mình phối hợp tổ chức thực hiện để bảo đảm phát huy dân chủ, tăng cường vai trò, trách nhiệm của các tổ chức chính trị - xã hội đối với quá trình triển khai cải cách hành chính tại các địa phương.

Phó Chủ tịch Nguyễn Hữu Dũng mong muốn, các bên tiếp tục tăng cường thông tin, tuyên truyền về kết quả Chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan HCNN 2021; về mục đích, ý nghĩa, nội dung, hình thức triển khai đo lường sự hài lòng của người dân, tổ chức nhằm nâng cao hiểu biết và tinh thần trách nhiệm của người dân, tổ chức trong việc tham gia đánh giá kết quả cải cách hành chính; vận động nhân dân tích cực tham gia giám sát quá trình cung ứng dịch vụ hành chính công và tích cực phản hồi ý kiến thông qua cung cấp thông tin cho điều tra xã hội học, qua đó đảm bảo khách quan, trung thực, đầy đủ.

Tiến Đạt

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/van-dong-nhan-dan-tich-cuc-tham-gia-giam-sat-dich-vu-hanh-chinh-cong-5687237.html