Vấn đề 'thực chất' trong học và thi trực tuyến

Khi dạy và học trực tuyến được xác định là giải pháp ổn định, lâu dài, ngành GD&ĐT vẫn quyết tâm thực hiện 'mục tiêu kép': Phòng chống dịch an toàn và kiên trì mục tiêu chất lượng. Tuy nhiên, câu chuyện thực chất trong học và thi trực tuyến còn nhiều vấn đề tồn tại, cần nhìn nhận một cách thẳng thắn.

Khó đảm bảo chất lượng

“Quá mệt mỏi”, “không hiệu quả”… là những cụm từ được không ít thầy, trò lẫn phụ huynh thừa nhận trong giai đoạn học trực tuyến. Chưa bao giờ, yêu cầu về sự phối kết hợp giữa nhà trường- phụ huynh- học sinh lại cao đến thế. Về phía nhà trường, thầy cô cần chuẩn bị tốt kế hoạch, bài giảng, giáo án, phần mềm dạy học; phía phụ huynh cần chuẩn bị trang thiết bị, đường truyền đầy đủ còn phía học sinh cần có sức khỏe, tinh thần cầu thị, ý thức tự học, tự nghiên cứu. Thiếu một trong các yếu tố kể trên, việc dạy và học trực tuyến không thể đạt hiệu quả như mong muốn. Vậy ngành Giáo dục đã đáp ứng được đến đâu?

Học trực tuyến không thể đảm bảo chất lượng như học trực tiếp

Trong một tiết học online có thời lượng 35 phút (đối với tiểu học) và 45 phút (đối với trung học), người giáo viên thường mất 5-7 phút cho công tác nhắc nhở, ổn định lớp hoặc cô gọi mà học sinh không trả lời, giảng lại, nhắc lại… Mạng kém, mạng chập chờn, cả cô lẫn trò out ra- out vào, cô lại mất thời gian phê duyệt tài khoản… làm không khí lớp học bị loãng hoặc tiết học tuy giảm tải nội dung nhưng vẫn bị kéo dài.

Về phía thầy cô giáo, dù đã chuyển đổi số tích cực, nhà trường liên tục có các chương trình tập huấn công nghệ thông tin, phần mềm dạy học nhưng khó tránh tình trạng bê nguyên giáo án, bài giảng trực tiếp sang dạy trực tuyến. Ngoài ra, vẫn còn không ít giáo viên ngại học hỏi, trung thành với cách thức dạy truyền thống khiến học sinh ngáp dài suốt giờ học, làm việc riêng hoặc học không tập trung. Học sinh sử dụng thiết bị chất lượng kém; đường truyền mạng không ổn định cũng gây rào cản lớn cho việc tương tác. Với những học sinh ngại học, không có ý thức học thì học trực tuyến là cơ hội để bỏ tiết, xem phim, chơi game; cô giáo không thể ngồi cạnh để kèm cặp, thúc giục như trên lớp. Chính bởi vậy chất lượng giáo dục giai đoạn trực tuyến khó cao và đồng đều.

Chưa đồng nhất giữa học và kiểm tra, đánh giá

Chương trình cốt lõi hoặc chương trình giảm tải là giải pháp chuyên môn được Bộ GD&ĐT đưa ra và hướng dẫn thực hiện từ đầu năm học. Nhận xét về việc giảm tải chương trình trong dạy và học trực tuyến, một giáo viên dạy môn Vật lý tại trường THPT thuộc huyện Chương Mỹ chia sẻ: “Thực tế, chương trình năm nay đã giảm tải rất nhiều, chỉ giữ nội dung cốt lõi, bỏ hầu hết phần kiến thức phụ. Tuy nhiên, việc giảm tải như vậy ẩn chứa nhiều “nguy hiểm” bởi kiến thức là liền mạch, phần này liên quan đến phần kia. Muốn học sinh nắm được “cốt lõi” còn bỏ qua phần “không cốt lõi” thì chất lượng giáo dục có thể còn “báo động” hơn do không phải học trò nào cũng có ý thức tự học, tự đọc. Yêu cầu “giảm tải nhưng vẫn đảm bảo chất lượng”, thì dù chỉ là chất lượng cốt lõi cũng rất khó khăn, thậm chí không thể thực hiện được”.

Nhiều phụ huynh cho rằng, nội dung kiểm tra trực tuyến vẫn khắt khe, nhất là với lớp 1, lớp 2

Từ mục tiêu “đảm bảo chất lượng” đó mà dù đã có kinh nghiệm tổ chức kiểm tra đánh giá trực tuyến ở năm trước nhưng công tác kiểm tra học kỳ 1 vừa qua vẫn bộc lộ nhiều bất cập, vấn đề chính nằm ở nội dung và cách thức ra đề. “Học trực tuyến không thể như trực tiếp nhưng rốt cuộc, đề kiểm tra vẫn yêu cầu các nội dung kiến thức như học trực tiếp, nghĩa là vẫn giữ nguyên về độ khó. Đề kiểm tra online với học sinh lớp 1, 2 vừa khó vừa dài, yêu cầu nhiều kỹ năng trong một khoảng thời gian ngắn. Rõ ràng việc kiểm tra đánh giá trực tuyến chỉ là tương đối vì có bố mẹ hỗ trợ. Và nếu chỉ đánh giá tương đối thì yêu cầu của đề thi không cần phải quá khắt khe như vậy. Việc đánh giá học sinh trong giai đoạn học online không chỉ căn cứ vào riêng bài thi mà theo dõi xuyên suốt cả quá trình học”- chị Nguyễn Thị Thu Hà, quận Hà Đông bày tỏ.

Còn Nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học (Bộ GD&ĐT) Đặng Tự Ân cho rằng, đừng quá coi trọng hoạt động kiểm tra, đánh giá khi học trực tuyến. Nếu kiểm tra, cần có yêu cầu nhẹ đi để không gây áp lực cho giáo viên, học sinh và nhà trường. Học trực tuyến chất lượng thấp, vì vậy không nên đặt ra yêu cầu đảm bảo chất lượng theo chuẩn bởi thực tế chất lượng thấp hơn chuẩn và đây là điều phải đối diện và thẳng thắn nhìn nhận.

“Trong hai năm qua, hoạt động dạy học trực tuyến được thực hiện bởi yêu cầu ứng phó bắt buộc với dịch bệnh nên việc triển khai còn bị động, thiếu đồng bộ và thiếu nhiều điều kiện cần thiết. Phương thức dạy học trực tuyến chưa thể thay thế ngay phương thức học trực tiếp. Trong thực tế, hoạt động dạy học trực tuyến đang cho thấy những vấn đề bất cập như kế hoạch, nội dung, phương pháp dạy học chưa được chuẩn bị bài bản, thống nhất, chưa chuyển đổi phù hợp với phương thức dạy học trực tuyến, truyền hình; thiếu học liệu. Dạy học trực tuyến hay dạy học truyền hình không thay thế được học trực tiếp đối với các cháu mầm non và chưa đáp ứng các yêu cầu chất lượng đối với học sinh tiểu học; quá trình học trực tuyến đòi hỏi gia đình học sinh (bố, mẹ) tham gia hỗ trợ nhiều hơn, trong khi vẫn phải thực hiện các công việc khác; tâm lý và sức khỏe của học sinh bị ảnh hưởng khi phải dành hàng giờ trước màn hình tivi, máy tính để hoàn thành các nội dung học tập… - đại diện Bộ GD&ĐT.

Nam Du -

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/van-de-thuc-chat-trong-hoc-va-thi-truc-tuyen.html