Vấn đề sử dụng chất tăng trọng, tạo nạc trong chăn nuôi bắt đầu nổi sóng trở lại

Sử dụng chất tăng trọng, tạo nạc trong chăn nuôi từ lâu đã là vấn đề gây nhức nhối trong dư luận. Tuy nhiên, vì lợi nhuận trước mắt mà những người kinh doanh, chăn nuôi vẫn cố tình lén lút sử dụng, gây nguy hại cho sức khỏe của người tiêu dùng.

Một sản phẩm chứa chất Cysteamine giúp tăng trọng, tạo nạc cho vật nuôi. Ảnh: NNVN

Những chất đã có trong danh mục cấm

Trong danh sách 22 chất cấm kinh doanh, nhập khẩu, sản xuất và sử dụng trong chăn nuôi gia súc, gia cầm tại Việt Nam thì 3 chất là Salbutamol, Clenbuterol và Ractopamine được sử dụng nhiều nhất.

Đây là 3 hóa chất được tổng hợp thuộc nhóm chủ vận β- agonist, được sử dụng làm thuốc giãn phế quản, điều trị hen suyễn hoặc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính giúp cho người bệnh thở dễ dàng hơn.

Trong chăn nuôi (nhất là chăn nuôi heo), 3 chất Salbutamol, Clenbuterol, Ractopamin sẽ giúp heo mau lớn, chuyển hóa làm tiêu mỡ, tăng khối lượng cơ (tăng lượng nạc), thịt có màu đỏ bắt mắt.

Còn đối với người khi sử dụng thịt heo có chứa chất tạo nạc sẽ có các triệu chứng như: tim đập nhanh, tăng – hạ huyết áp, run tay chân, buồn nôn, đau nhức các cơ, nhiễm trùng đường hô hấp.

Đặc biệt, người sử dụng thịt heo có chứa chất Clenbuterol về lâu dài có thể biến chứng gây ung thư, đồng thời cũng gây tổn hại cho hệ thần kinh, hệ tuần hoàn, thậm chí gây chết người.

Để ngăn chặn các hành vi gây nguy hiểm đến sức khỏe, tính mạng người tiêu dùng, Bộ Luật hình sự 2015 sửa đổi có hiệu lực kể từ ngày 1/7/2016 đã quy định các hành vi dùng chất cấm, ngay cả khi chưa xác định được hậu quả nghiêm trọng, sẽ bị phạt tù từ 1 - 5 năm. Nếu có tình tiết tăng nặng, có thể xử phạt tù lên đến 20 năm.

Cấm chất này đã có chất khác...chưa cấm

“Thần dược tăng trọng, tạo nạc” nhập lậu từ Trung Quốc với thành phần chính là chất Cysteamine Hydrochloride hiện đang được người chăn nuôi sử dụng một cách đại trà, bởi đây là chất không có trong danh mục cấm sử dụng trong chăn nuôi tại nước ta.

Cysteamine đã xuất hiện tại nước ta từ lâu nhưng không được dùng phổ biến bằng 3 chất kể trên. Tuy vậy, kể từ sau ngày 1/7/2016 (thời điểm Bộ Luật hình sự 2015 có sửa đổi, bổ sung) chính thức có hiệu lực thì chất này đã được người chăn nuôi sử dụng rộng rãi.

Từ tháng 8 đến nay, lực lượng chức năng liên tục đã phát hiện nhiều vụ nhập khẩu (chủ yếu từ Trung Quốc và Thái Lan), kinh doanh, sử dụng Cysteamine.

Ngày 5/8, lực lượng chức năng phát hiện 1 công ty ở quận Tân Bình, TP.HCM đã nhập 2 loại sản phẩm dinh dưỡng bổ sung là Maxsure và Synergrown từ Thái Lan để bán cho các cơ sở kinh doanh thức ăn gia súc và các trang trại heo. Qua kiểm tra phát hiện, hàm lượng Cysteamine trong 2 sản phẩm trên lần lượt là 29.898 mg/kg (29.898 ppm) và 30.645 mg/kg (30.645 ppm).

Được biết, một công ty ở huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam đã nhập 7 tấn Maxsure chỉ trong vòng có 3 tháng. Còn tại các tỉnh Hưng Yên, Hải Dương, Thái Bình, Sơn La việc sử dụng chất này trong chăn nuôi diễn ra khá phổ biến.

Theo ông Phạm Tiến Dũng - Trưởng Phòng Thanh tra chuyên ngành, Thanh tra Bộ NN – PTNT thì việc buôn bán chất này mang lại lợi nhuận rất cao, nên sẽ rất khó kiểm soát trong thời gian tới.

Được biết, vật nuôi khi được cho sử dụng Cysteamine sẽ tăng trọng nhanh chóng, lượng nạc cũng tăng lên đáng kể. Dùng Cysteamine với liều lượng càng cao, tốc độ tăng trọng sẽ càng khủng khiếp. Gà sẽ tăng thêm từ 5 – 17 % trọng lượng. Heo trong thời kỳ vỗ béo sẽ tăng trọng thêm 12 %, đồng thời lượng nạc tăng thêm 4,6 % trong khi tỷ lệ mỡ sẽ giảm 8,5%.

Về tác hại của Cysteamine đối với con người, GS.TS Vũ Duy Giảng, chuyên gia trong lĩnh vực dinh dưỡng vật nuôi cho biết, người sử dụng Cysteamine sẽ làm gia tăng đột biến, kéo theo chất IGF - 1 (yếu tố tăng trưởng) gia tăng và tồn dư trong cơ thể làm cho gan, thận, lá lách,...to ra, gây rối loạn cương dương, yếu cơ, mệt mỏi, nhức đầu, rối loạn thị giác, đau và sưng khớp, rối loạn kinh nguyệt...

Các nghiên cứu cho thấy, tồn dư chất IGF-1 trong sữa có thể gây nguy cơ ung thư vú, ung thư kết tràng và tuyến tiền liệt ở người.

Trong khi đó, IGF-1 tồn dư trong thịt và phủ tạng lợn, gà có thể gây nguy cơ ung thư cho con người hay không thì đến nay vẫn chưa có câu trả lời rõ ràng và vẫn đang là mối nghi ngại lớn.

Cysteamine là chất đã bị Liên minh châu Âu (EU) cấm hoàn toàn trong việc làm phụ gia trong thức ăn chăn nuôi.

Nhiều tổ chức về thú y ở các nước trên thế giới cũng chỉ khuyến cáo chỉ dùng Cysteamine cho những trường hợp vật nuôi riêng lẻ, cụ thể, không dùng trong chăn nuôi đại trà, thương mại.

Tuy nhiên tại Trung Quốc, đây lại là chất đang được nước này cho phép sử dụng làm phụ gia trong thức ăn chăn nuôi.

Vậy nên cấm hay không cấm Cysteamine trong chăn nuôi

Vấn đề này đã được Bộ NN – PTNT đưa ra họp bàn trong cuộc họp vào ngày hôm qua 13/10. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều luồng ý kiến tranh cãi xung quanh việc cấm hay không cấm chất Cysteamine trong chăn nuôi.

Ông Nguyễn Văn Việt - Chánh Thanh tra Bộ NN - PTNT nêu rõ, việc cấm chất Cysteamine sẽ mang lại nhiều lợi ích, nhất là xây dựng uy tín sản xuất sạch, an toàn để thúc đẩy xuất khẩu thịt heo sang thị trường Trung Quốc.

Bà Nguyễn Thu Thủy - Phó Cục trưởng Cục Thú y cũng đồng tình với quan điểm trên. Bà cho biết thêm, Cục Thú y hiện không cho phép nhập Cysteamine.

Tuy vậy, theo ông Nguyễn Xuân Dương - Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi, chưa nên đưa chất Cysteamine vào danh mục các chất cấm sử dụng, nhưng cũng không cho phép sử dụng để chờ thêm bằng chứng khoa học rõ ràng về tác hại của Cysteamine đối với sức khỏe vật nuôi và con người.

Còn Thứ trưởng Vũ Văn Tám thì cho biết “Trước hết, phải khuyến cáo người dân không nên sử dụng Cysteamine vì nền chăn nuôi sạch, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm chứ không phải vì lợi ích của một nhóm người”.

Bên cạnh đó, ông cũng giao Cục Chăn nuôi tổng hợp ý kiến các đại biểu, hoàn chỉnh báo cáo chính thức để gửi về bộ NN – PTNT. Đồng thời, phối hợp với Thanh tra bộ tăng cường xử lý vi phạm trong sử dụng Cysteamine.

Như vậy có thể thấy, vấn đề về việc sử dụng chất tạo nạc trong chăn nuôi ở nước ta sẽ còn nhiều diễn biến khó lường.

Và người tiêu dùng vẫn sẽ là những người đầu tiên và trực tiếp “lãnh đủ” mọi tác hại về sức khỏe và tính mạng của việc lạm dụng những “thần dược tăng trọng, tạo nạc” trên.

Minh Luân

Nguồn Người Tiêu Dùng: http://www.nguoitieudung.com.vn/van-de-su-dung-chat-tang-trong-tao-nac-trong-chan-nuoi-bat-dau-noi-song-tro-lai-d48090.html