Vấn đề đoàn kết trong xây dựng chuẩn mực con người

Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI xác định: 'Tăng cường chăm lo xây dựng con người Gia Lai phát triển toàn diện, trọng tâm là bồi dưỡng tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc, đạo đức, lối sống và nhân cách, tạo môi trường văn hóa lành mạnh'. Do những đặc điểm về dân cư, dân tộc và cả những vấn đề lịch sử, đoàn kết là một trong những giá trị cần được quan tâm vun đắp trong xây dựng chuẩn mực con người để đưa tỉnh nhà phát triển bền vững.

Gia Lai có 44 dân tộc cùng chung sống. Cũng như các tỉnh Tây Nguyên, cư dân Gia Lai gồm 2 bộ phận: cư dân tại chỗ và cư dân nhập cư. Cư dân tại chỗ gồm 2 dân tộc Bahnar và Jrai. Trong mỗi dân tộc có nhiều nhóm địa phương và mỗi nhóm địa phương lại có sự khác biệt nhất định trong văn hóa (hiểu theo nghĩa rộng).

Các dân tộc nhập cư vào tỉnh gồm người Kinh (Việt) và các dân tộc thiểu số khác. Người Kinh lập nên những xóm làng đầu tiên của mình ở Gia Lai khoảng thế kỷ XVII tại vùng An Khê và tăng nhanh từ khi chính quyền thực dân Pháp lập tỉnh Pleiku (năm 1932), tiếp đó là những đợt di dân từ đồng bằng lên lập dinh điền dưới thời Việt Nam cộng hòa (giai đoạn 1957-1962) và đặc biệt là từ chính sách phân bố lại dân cư của Đảng và nhà nước ta những năm sau giải phóng. Đến năm 2022, người Kinh chiếm gần 54,2% trong tổng dân số toàn tỉnh, dân tộc Jrai chiếm 30,09% và dân tộc Bahnar chiếm gần 12,5%. Các dân tộc thiểu số mới nhập cư chiếm hơn 3,2%.

Thư của Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi Đại hội các dân tộc thiểu số miền Nam được khắc trên khối đá lớn, đặt trong khuôn viên Quảng trường Đại Đoàn Kết (TP. Pleiku). Ảnh: Phương Linh

Trong lịch sử, Tây Nguyên nói chung, Gia Lai nói riêng thường xuyên phải chịu ảnh hưởng từ các cuộc chiến tranh. Sau khi đặt ách thống trị lên Tây Nguyên, thực dân Pháp tiếp tục thực hiện chính sách “chia để trị”, dựa vào nhóm này để chống nhóm kia, khuyến khích chiến tranh giữa các dân tộc. Chính vì vậy, để có một Gia Lai trong Tây Nguyên bình yên và phát triển bền vững, vấn đề đoàn kết cần luôn được quan tâm.

Từ năm 1946, khi cả dân tộc Việt Nam bước vào cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp lần thứ 2, trong thư gửi Đại hội các dân tộc thiểu số miền Nam tại Pleiku, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết: “Đồng bào Kinh hay Thổ, Mường hay Mán, Gia Rai hay Ê Đê, Sê Đăng hay Ba Na và các dân tộc thiểu số khác đều là anh em ruột thịt”. Vì thế, chúng ta phải: “sống chết có nhau, sướng khổ cùng nhau”. Trong thư, Bác chỉ rõ nguyên nhân trước kia các dân tộc chưa thắt chặt được khối đoàn kết là do “chúng ta xa cách nhau, một là thiếu giây liên lạc, hai là vì có kẻ xúi giục chia rẽ chúng ta”.

Đọc toàn bộ bức thư, từ “chung” cùng các đại từ nhân xưng ở ngôi thứ nhất như: “ta”, “chúng ta” được Bác lặp đi lặp lại, như sự tiếp tục khẳng định của người đứng đầu Chính phủ về chân lý “Nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một”. Ở thời điểm ấy, sự khẳng định này có ý nghĩa như một cam kết cần thiết. Chính sự cam kết ấy đã tạo được niềm tin của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên vào Bác Hồ và đặc biệt là vào Chính phủ nước Việt Nam dân chủ cộng hòa lúc đó còn rất non trẻ.

Tiếng gọi thiết tha trong Thư Bác đã “chạm” đến nhiều người Tây Nguyên, Gia Lai, nâng bước chân họ trên con đường đồng hành cùng cả dân tộc Việt Nam trong cuộc cách mạng dân tộc dân chủ và chủ nghĩa xã hội. Đồng chí Nguyễn Văn Sỹ (dân tộc Jrai), nguyên Bí thư Tỉnh ủy sau này còn nhớ và ghi lại trong cuốn sách Bác Hồ trong lòng dân Gia Lai: Năm 1959, trong suốt 120 ngày đêm vượt Trường Sơn để trở về Nam chiến đấu, ông đã luôn thầm hứa: “Bác ơi, đường Bác dắt chúng cháu đi là con đường thương dân, yêu nước, yêu chủ nghĩa xã hội, đoàn quân của chúng cháu ngày nào còn non nớt nay đã trưởng thành, chúng cháu nguyện trung với nước, với Đảng, hiếu với dân... quyết tâm giải phóng miền Nam, thống nhất nước nhà, thỏa lòng mong ước của Bác”.

Sau ngày thống nhất đất nước (năm 1975), vấn đề đoàn kết dân tộc đối với vùng đất này lại càng trở nên bức thiết. Để đoàn kết, các dân tộc cùng chung sống cần có sự thấu hiểu lẫn nhau, nhất là sự thấu hiểu về văn hóa truyền thống (tập quán sinh hoạt, sản xuất, tín ngưỡng…) để tránh từ xích mích nhỏ dẫn đến mâu thuẫn lớn, từ việc của cá nhân trở thành việc của cộng đồng, tộc người.

Từ thực tiễn, vấn đề đoàn kết đối với Gia Lai luôn được Đảng bộ, chính quyền và các đoàn thể, địa phương quan tâm vun xới. Hiện Gia Lai có quảng trường mang tên Đại Đoàn Kết giữa lòng TP. Pleiku thơ mộng như một sự nhắc nhớ, là khẩu hiệu hành động của Đảng bộ và Nhân dân các dân tộc trong tỉnh.

NGUYỄN THỊ KIM VÂN

Nguồn Gia Lai: https://baogialai.com.vn/van-de-doan-ket-trong-xay-dung-chuan-muc-con-nguoi-post258453.html