Vẫn còn tình trạng 'gọt chân cho vừa giày' khi đưa ngữ liệu vào SGK mới

PGS.TS Bùi Thanh Huyền cho rằng, vẫn có tình trạng 'gọt chân cho vừa giày', 'nặn ép' ngữ liệu cho đúng ý đồ của những người xây dựng chương trình, của đội ngũ biên soạn sách dễ dẫn đến phản ứng trái chiều của giáo viên, phụ huynh, học sinh, gây tâm lí hoang mang cho cộng đồng.

Năm học 2023 - 2024, Chương trình GDPT 2018 triển khai năm thứ tư ở bậc tiểu học, năm thứ ba ở cấp THCS và năm thứ hai ở cấp THPT. Tuy nhiên thời gian qua một số ngữ liệu trong SGK môn Ngữ văn vẫn khiến dư luận băn khoăn. Bộ GD-ĐT cũng vừa thông báo về việc tổ chức thẩm định SGK cấp THCS và THPT (lớp 5, lớp 9, lớp 12) biên soạn theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Nhiều chuyên gia kỳ vọng những bộ SGK này sẽ khắc phục được những hạn chế đã được phản ánh trước đó.

Nói về vấn đề sử dụng ngữ liệu môn Ngữ văn, PGS.TS Bùi Thanh Huyền, Trường ĐH Sư phạm TP.HCM cho rằng, quá trình triển khai các bộ sách môn Ngữ văn của Chương trình phổ thông 2018 đến nay đã vào chặng cuối với ba khối lớp 5, 9, 12. Việc chọn văn thơ làm ngữ liệu để dạy học các kiến thức tiếng Việt, văn học, trước hết phải chú trọng đặc trưng của ngữ liệu với tư cách là sản phẩm tinh túy của nghệ thuật ngôn từ. Nếu quá xem trọng tính sư phạm, tính khoa học, tính giáo dục, tính thời sự, độ sát hợp giữa văn bản với cuộc sống, tâm lí, nhận thức của tuổi thơ... mà hạ thấp tính thẩm mĩ của ngữ liệu sẽ duy ý chí, sai lệch trong xây dựng chương trình, viết SGK, định hướng dạy học...

Ngữ liệu trong một số SGK mới thời gian qua vẫn gây tranh cãi (Ảnh minh họa)

Muốn văn học trong nhà trường làm tốt các chức năng của nó, trước hết đó phải là những sản phẩm nghệ thuật đúng nghĩa.

PGS.TS Bùi Thanh Huyền đơn cử như bài thơ "Bắt nạt" của Nguyễn Thế Hoàng Linh (Ngữ văn 6, bộ Kết nối tri thức với cuộc sống) là một minh chứng: “Không phủ nhận tính thời sự, nhân văn của văn bản, nhưng sự thô vụng của câu chữ, đầy tính khẩu ngữ, sự lạ đời trong giải pháp sư phạm với thử thách lòng can đảm, bản lĩnh kẻ hay bắt nạt bằng cách ăn mù tạt - một gia vị chẳng mấy quen thuộc với nông thôn, miền núi, cách dùng tiếng lóng khá xa lạ với trẻ em miền Trung, miền Nam Việt Nam (hôi = xấu)... đã gặp phải sự phản ứng trái chiều của cộng đồng, ảnh hưởng không tốt đến hoạt động dạy học.

Nếu đề cao tính khoa học của nghệ thuật ngôn từ, đội ngũ biên soạn sẽ cân nhắc, thận trọng hơn trong tuyển chọn ngữ liệu. Với sản phẩm chưa hoàn thiện như thế, một trong những yêu cầu, mục tiêu quan trọng trong Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng là: “Quan tâm chăm lo công tác giáo dục, bồi dưỡng và bảo vệ trẻ em, thiếu niên, nhi đồng” của văn học nghệ thuật làm sao hiện thực hóa”.

Theo PGS.TS Bùi Thanh Huyền, sẽ vô cùng nguy hiểm nếu không biết làm cho học sinh yêu thơ văn - một nhân tố quan trọng để tâm hồn trẻ thơ không trở nên cằn cỗi, để trẻ có thể rung động với những chân lí thiêng liêng như yêu Tổ quốc, yêu nhân dân, yêu cha mẹ, yêu con người... Những nền tảng làm người được kiến tạo, đắp bồi từ nhỏ ấy sẽ là động lực để học sinh tiểu học phát triển, hoàn thiện nhân cách, có sức đề kháng với những độc hại trong môi trường sống của các em hiện nay.

Bởi vậy, PGS.TS Bùi Thanh Huyền cho rằng, văn bản đưa vào chương trình không quá đặt nặng chức năng giáo dục khô khan, mòn cũ mà nội dung, hình thức thể hiện cũng thật sinh động, hấp dẫn, phù hợp với hoạt động cảm thụ văn học đặc trưng của lứa tuổi học sinh, tránh biến những ngữ liệu dạy học ngôn ngữ, văn học thành những bài học chỉ đơn thuần mang tính chất nêu gương, lên lớp.

"Tác phẩm chỉ thực sự để lại ấn tượng sâu đậm với trẻ, hướng các em đến những giá trị nhân văn muôn thuở của con người chỉ khi nó là một công trình nghệ thuật bằng ngôn từ đúng nghĩa dành cho tuổi thơ. Sâu sắc mà không đao to búa lớn, khuyên nhủ mà không cứng nhắc, lên gân mới là con đường để văn học tìm đến với các em - một hướng đi đặc trưng nhưng cực kì hiệu quả, bởi nó chinh phục bạn đọc - học sinh bằng hình ảnh, bằng nhạc điệu, bằng ngôn ngữ nghệ thuật nhuần nhị chứ không đến trực tiếp bằng thứ ngôn ngữ thuyết lí trừu tượng, khô khan.

Mỗi văn bản được chọn lọc đưa vào sách học của trẻ cũng phải là phần tinh túy nhất của mỗi tác giả viết cho các em, không phải vì đó là gương mặt quen thuộc hoặc người có vai vế, lão làng”, PGS.TS Bùi Thanh Huyền nhấn mạnh.

Nhiều bài thơ, văn đưa vào SGK bị cắt cơ học dẫn đến khó hiểu

Theo dõi ngữ liệu môn Ngữ văn hiện nay, PGS.TS Bùi Thanh Huyền cũng nhận định vẫn có tình trạng “gọt chân cho vừa giày”, “nặn ép” ngữ liệu cho đúng ý đồ của những người xây dựng chương trình, của đội ngũ biên soạn sách dễ dẫn đến phản ứng trái chiều của giáo viên, phụ huynh, học sinh, gây tâm lí hoang mang cho cộng đồng. Cưỡng ép câu chữ để phục vụ ý tưởng, tham vọng dạy học hình thành, phát triển năng lực tiếng Việt, văn học cho học sinh, trong khi trẻ em không yêu thích, không nhớ, không thuộc thơ văn, thì những kiến thức, bài học giáo dục cũng sẽ “tuột nhanh không vạch nét”.

Chuyên gia này cũng cho rằng, ngữ liệu dạy học trong SGK Tiếng Việt, Ngữ văn hiện nay đa phần là những văn bản nghệ thuật (thơ, văn xuôi) có chất lượng của Việt Nam và thế giới. Ngoài các tiêu chí sư phạm, khoa học, do đặc điểm tư duy, nhận thức của học sinh từng cấp học, từng khối lớp, đặc trưng của các phân môn, ngữ liệu này đã được đội ngũ biên soạn điều chỉnh, gia giảm (dung lượng, câu chữ) cho phù hợp. Ngoài ưu điểm sát hợp với đối tượng người học, việc sửa đổi, biên tập của những người làm sách cũng không tránh khỏi những bất cập, hạn chế đáng tiếc dẫn đến tình trạng dở khóc dở cười cho tác giả có tác phẩm được tuyển chọn cũng như giáo viên và học sinh.

"Việc tuyển chọn, chỉnh biên SGK là thẩm quyền của đội ngũ viết sách. Nhưng cắt xén, sửa đổi, ngoài những yêu cầu của về tính khoa học, giáo dục, sư phạm của bộ sách, cần phải giữ lại hồn cốt của tác phẩm, ý đồ của nhà văn. Tuy nhiên, không ít bài thơ, bài văn được đưa vào SGK hiện nay đã thiếu sự cẩn trọng cần thiết: mạch thơ, mạch văn bị cắt cơ học dẫn đến đứt đoạn, khó hiểu. Đôi lúc kết cấu tác phẩm cũng bị đảo lộn làm sai lệch ý đồ của người viết; giá trị nội dung, nghệ thuật của nguyên bản theo đó cũng giảm sút rất nhiều.

Bên cạnh kiến thức về giáo dục cùng kĩ năng sư phạm, năng lực tiếp nhận văn chương, độ tinh nhạy trong phẩm bình văn học cũng tối cần thiết với những người “làm dâu trăm họ” này. Đọc kĩ các bộ sách, sẽ dễ thấy một số ngữ liệu không có sự thống nhất. Cũng là những dòng thơ, đoạn văn trong cùng một tác phẩm, một tác giả nhưng không hiểu sao vẫn có tình trạng “dị bản” xảy ra. Điều này gây khó khăn không nhỏ cho hoạt động dạy học, tiếp nhận văn chương của cả thầy và trò", PGS.TS Bùi Thanh Huyền lo ngại.

Một thay đổi theo hướng tích cực của chương trình Ngữ văn 2018 là bên cạnh hệ thống văn bản trong SGK còn có các văn bản đọc mở rộng. Xây dựng, hình thành ngữ liệu dạy học này phần lớn tùy thuộc vào năng lực của nhà trường, giáo viên, học sinh...

Giảng viên ĐH Sư phạm TP HCM cũng nhận thấy, hiện nay, ở nhiều địa phương, giáo viên có cách tuyển chọn văn bản đọc mở rộng khá đơn giản, qua loa, nếu dạy bộ sách này thì lấy ngữ liệu ở những bộ sách khác, và ngược lại. Rất nhanh và rất thụ động. Việc làm này không khỏi tạo ra sự “đồng phục” trong một nhà trường, tỉnh thành, cả nước. Tinh thần tự do, phóng khoáng, tôn trọng tối đa sự chủ động, cá tính thầy trò của chương trình 2018, khó đảm bảo.

Theo PGS.TS Bùi Thanh Huyền, để dạy học đọc mở rộng đạt được mục đích, hiệu quả như kì vọng, cần phải có những tiêu chí cụ thể, rõ ràng trong lựa chọn ngữ liệu: đáp ứng mục tiêu chương trình, phù hợp về chủ đề, đảm bảo số lượng, phù hợp về thể loại (thơ, truyện, bài văn miêu tả; văn bản nghệ thuật, văn bản nghị luận, văn bản thông tin); tính bao quát về vùng miền, quốc gia; sự kế thừa, tiếp nối thế hệ nhà văn...

"Ngữ liệu trong SGK là phương diện quan trọng để cụ thể hóa, hiện thực hóa nội dung chương trình. Đó cũng là yếu tính cho thấy cái tầm và cái tâm của đội ngũ biên soạn sách nói riêng, ngành Giáo dục nói chung. Hi vọng với những ưu điểm đã được thừa nhận trong thời gian qua, cùng với sự cởi mở, thiện chí, cầu toàn, những người liên quan trực tiếp đến chương trình, SGK Tiếng Việt, Ngữ văn sẽ có sự chỉnh sửa, hoàn thiện để sớm có được những tài liệu tốt nhất, tích cực góp phần cải thiện, nâng cao chất lượng dạy học tiếng mẹ đẻ và dạy học văn ở trường phổ thông. Đó cũng là cơ sở để giáo dục, phát triển toàn diện nhân cách học sinh, để việc dạy học ở trường phổ thông tích cực tham dự vào quá trình đổi mới, hiện đại hóa đất nước", PGS.TS Bùi Thanh Huyền nhấn mạnh.

Nguyễn Trang/VOV.VN

Nguồn VOV: https://vov.vn/xa-hoi/van-con-tinh-trang-got-chan-cho-vua-giay-khi-dua-ngu-lieu-vao-sgk-moi-post1073099.vov