Vẫn còn nhiều bất cập trong phát triển đại lí thuế

(HQ Online)- Tại Hội thảo “Giải pháp phát triển đại lí thuế (ĐLT) tại TP.HCM" do Tổng cục Thuế, Cục Thuế TP.HCM phối hợp với Hội Tư vấn thuế Việt Nam tổ chức cuối tuần qua, nhiều ý kiến cho rằng, mặc dù đã phát triển hơn trước, nhưng vẫn còn nhiều bất cập trong việc phát triển ĐLT.

Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Hữu Chí trao Bằng khen của Bộ Tài chính cho Đại lý thuế Trương Gia. (Ảnh: T.HÒA)

Đại lí thuế còn èo uột

Theo ông Nguyễn Đức Nghĩa, Chủ tịch Câu lạc bộ ĐLT TP.HCM, hiện nay, mặc dù số người được cấp chứng chỉ hành nghề thuế ở TP.HCM là hơn 1.000 người, nhưng số ĐLT chỉ hơn 200 đơn vị. Trong đó, có khá nhiều ĐLT là công ty kiểm toán và công ty kế toán. Do đó, số đơn vị thực tế hoạt động ổn định, liên tục chuyên về ĐLT chỉ trên dưới 100 đơn vị. Trong khi đó, bản thân các ĐLT còn khó khăn, một số còn hoạt động cầm chừng hoặc chờ giải thể.

Nhận định về hoạt động của các ĐLT hiện nay, bà Trần Thị Lệ Nga, Phó Cục trưởng Cục Thuế TP.HCM cho biết, so với thời gian trước, hiện nay các doanh nghiệp ĐLT đang từng bước khẳng định mình và phát triển thông qua chuyên môn, dịch vụ, sự phối hợp của các Chi cục Thuế, dần tạo được uy tín đối với DN. Tuy nhiên, sự phối hợp của cơ quan Thuế còn hạn chế trong khâu tuyên truyền về ĐLT đến các DN.

"Những khó khăn vướng mắc trong hoạt động của ĐLT thuộc nhiều về cơ chế, chính sách. Cơ sở pháp lí cho hoạt động của ĐLT còn chậm ban hành, chưa rõ ràng về trách nhiệm, quyền hạn của ĐLT, chưa có quy chế về sự phối hợp giữa cơ quan Thuế và ĐLT..."- bà Nga nhấn mạnh.

Cũng theo bà Trần Thị Lệ Nga, thực hiện Nghị quyết 35 của Chính phủ về hỗ trợ, nâng cao năng lực cho doanh nghiệp, TP.HCM phấn đấu đến năm 2020 có 500.000 DN, để đạt được con số này, TP.HCM còn phải phát triển 330.000 DN. Theo kế hoạch, TP.HCM sẽ phát triển DN từ các hộ kinh doanh. Song các hộ kinh doanh chủ yếu khai thuế theo chế độ khoán, nên có hạn chế về dịch vụ kế toán, khai thuế. Chính vì thế, Cục Thuế TP.HCM coi ĐLT như “cánh tay nối dài” nhằm giúp người nộp thuế nắm bắt và thực hiện tốt chính sách thuế. Cục Thuế TP.HCM đặt hàng các ĐLT phát triển hơn nữa để hỗ trợ các hộ kinh doanh phát triển dịch vụ kế toán, dịch vụ khai thuế…

Ông Lê Thanh Hải, Phó Vụ trưởng Vụ Tuyên truyền hỗ trợ- Tổng cục Thuế cho rằng, ngành Thuế là một ngành dịch vụ, nên hoạt động ĐLT phát triển sẽ hỗ trợ rất nhiều, tuy nhiên, trên thực tế, sự phát triển của ĐLT chưa được như kì vọng. Để hỗ trợ các ĐLT, cơ quan Thuế địa phương là một trong những tác nhân hỗ trợ hiệu quả nhất. Mới đây, Tổng cục Thuế đã có văn bản gửi các Cục Thuế địa phương đề nghị hỗ trợ các ĐLT phát triển hoạt động dịch vụ thuế...

Cơ quan Thuế sẽ hỗ trợ tuyên truyền

Đứng ở góc độ doanh nghiệp ĐLT, đại diện ĐLT Trọng Tín cho biết, đã nhận được sự hỗ trợ tích cực của Cục Thuế TP.HCM. Tuy nhiên, các ĐLT hiện vẫn gặp vướng về cơ chế chính sách, do đó đề nghị cơ quan Thuế nên kết hợp tổ chức tập huấn chính sách thuế và phổ biến những văn bản mới cho các ĐLT để hỗ trợ tốt cho các DN.

Ông Nguyễn Đức Nghĩa, Chủ tịch Câu lạc bộ ĐLT TP.HCM cho rằng, nên nâng cấp Thông tư 117 thành Nghị định. “ĐLT thuế là dịch vụ công mang tính chất đặc thù, vì vừa mang tính chất nhà nước vừa mang tính chất thương mại cung cấp dịch vụ cho người nộp thuế. ĐLT vừa có quyền vừa có trách nhiệm với khách hàng. ĐLT căn cứ vào pháp luật để hành nghề, như vậy cần có nhận thức khác về ĐLT, phải được ghi nhận, quy định trong một nghị định”- ông Nghĩa nói.

Theo ông Nguyễn Đức Nghĩa, nguyên nhân khiến cho ĐLT chưa phát triển là do địa vị pháp lí của ĐLT trong hệ thống hành thu còn thấp. Hiện các ĐLT chỉ có chức năng kê khai thuế mà không có chức năng tư vấn thuế và soát xét báo cáo tài chính. Bên cạnh đó, hệ thống ĐLT chưa đủ mạnh và ổn định để tạo niềm tin cho các DN, cơ quan Thuế chưa thực sự tin tưởng vào hệ thống ĐLT và xem ĐLT như một người bạn đồng hành, bởi vậy chưa chuyển giao một số giải pháp dịch vụ công cho ĐLT. Cùng quan điểm này, đại diện ĐLT thuế Chuyên Gia cho biết, muốn phát triển ĐLT trên địa bàn TP.HCM cần có sự hỗ trợ tích cực từ cơ quan Thuế. Mặc dù đã nhận được sự hỗ trợ của cơ quan Thuế, nhưng ĐLT thuế Chuyên Gia đề nghị ngành Thuế cũng tuyên truyền cho người nộp thuế về ĐLT qua các kênh tuyên truyền của ngành Thuế.

Liên quan đến vướng mắc về thể chế cho hoạt động các ĐLT, Hội Tư vấn thuế TP.HCM cho rằng, hiện nay mới chỉ có ĐLT có tư cách pháp nhân mới được công nhận, còn ĐLT mang tư cách cá nhân thì vẫn chưa được công nhận trong khi nhu cầu sử dụng các ĐLT cá nhân để thực hiện kê khai quyết toán thuế Thu nhập cá nhân là không nhỏ. Ông Nguyễn Thái Sơn, Công ty CP Tư vấn thuế Sài Gòn cho rằng, cá nhân có chứng chỉ hành nghề ĐLT lại không được làm ĐLT để hỗ trợ cho những cá nhân người nộp thuế khác trong việc làm dịch vụ thủ tục thuế. Theo mô hình ĐLT như hiện nay dẫn đến hệ quả là khó có thể bàn đến những giải pháp đột phá để phá vỡ những lực cản và phát triển mạnh mẽ hệ thống ĐLT theo mong muốn của Bộ Tài chính và Tổng cục Thuế. Bởi vì, mô hình ĐLT chỉ ghi nhận ĐLT là một tổ chức kinh doanh theo Luật Doanh nghiệp; không làm rõ được sứ mệnh của ĐLT là hỗ trợ người nộp thuế trong việc tuân thủ pháp luật về thuế. Nếu không có cơ chế thành lập Hội, Hiệp hội ĐLT dưới sự quản lý của cơ quan Thuế các cấp thì không thể phát triển hoạt động ĐLT thành hệ thống. Chúng ta chỉ đang có những ĐLT hoạt động “cò con”, đơn lẻ và tiếp tục sẽ là như thế trong nhiều năm sau nữa.

Kết thúc buổi hội thảo, bà Trần Thị Lệ Nga cam kết, trong thời gian tới, Cục Thuế TP.HCM sẽ triển khai một số giải pháp để phát triển ĐLT, giảm áp lực cho cơ quan Thuế. Định kỳ hàng quý, Cục Thuế sẽ tổ chức trao đổi về mặt chính sách, bồi dưỡng nghiệp vụ cho các ĐLT để các ĐLT nắm bắt; đồng thời công khai minh bạch hoạt động của ĐLT; Cục Thuế TP.HCM sẽ có trách nhiệm tuyên truyền về hoạt động của ĐLT cho người nộp thuế tại các hội nghị tập huấn, đối thoại; phát tờ rơi giới thiệu ĐLT tại một số chi cục Thuế...

Về ý kiến nên có Luật ĐLT, theo đại diện Công ty Kiểm toán Thủy Chung, hiện ĐLT có 3 hội: Hội tư vấn thuế, Hội kế toán, Hội kiểm toán hành nghề, nhưng 3 hội này lại hoạt động độc lập với nhau, thiếu sự liên kết hỗ trợ, trong khi ở các nước các hội này lại hoạt động gắn kết với nhau. Từ thực tế này, đại diện Công ty Kiểm toán Thủy Chung đề xuất sửa quy định cấp phép hành nghề cho ĐLT, ngoài việc được quyền kê khai thuế còn được quyền thực hiện dịch vụ kế toán thuế. “Theo quy định hiện hành, ĐLT được phép thực hiện kê khai thuế Thu nhập doanh nghiệp, nhưng lại không cho cung cấp dịch vụ kế toán thuế thì làm sao kê khai thuế Thu nhập DN”.

Nguồn Hải Quan: http://www.baohaiquan.vn/pages/van-con-nhieu-bat-cap-trong-phat-trien-dai-li-thue.aspx