Ván cờ lớn ở Thái Bình Dương

Mỹ và Chính phủ mới của Australia đều đang khẩn trương thúc đẩy quan hệ với các quốc đảo Thái Bình Dương trong bối cảnh tham vọng của Trung Quốc ở khu vực trở nên ngày càng rõ ràng.

Australia: Đưa Thái Bình Dương thành tâm điểm chính sách

Chính phủ Công đảng của Australia bước vào tuần đầu tiên tại nhiệm với những nhiệm vụ vô cùng nặng nề. Các nhà quan sát cho biết, kể từ khi John Curtin trở thành Thủ tướng Australia vào tháng 10.1941 - chỉ vài tuần trước khi Chiến tranh Thái Bình Dương nổ ra, đây là lần đầu tiên một Chính phủ mới của Australia phải đối mặt với những thách thức cấp bách và tức thời như vậy.

Ngoại trưởng Australia Penny Wong và Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị cùng có các chuyến thăm tới các quốc đảo Thái Bình Dương trong tháng 5 và tháng 6

Thủ tướng Anthony Albanese, lãnh đạo Công đảng Australia và Bộ trưởng Ngoại giao, Thượng nghị sĩ Penny Wong, trong ngày thứ hai tại nhiệm, đã gấp rút tham dự Hội nghị Thượng đỉnh Bộ Tứ, diễn ra tại Tokyo ngày 24.5, nơi họ đã gặp những người đồng cấp Mỹ, Nhật Bản và Ấn Độ. Trước khi bay đến Tokyo, Bộ trưởng Penny Wong đã gửi thông điệp đến các quốc gia Thái Bình Dương, nhấn mạnh các chính sách, chương trình nghị sự của Chính phủ mới ở Australia đối với các quốc đảo Thái Bình Dương sẽ hoàn toàn khác biệt, trong đó khẳng định chắc chắn rằng, Australia sẽ lắng nghe và sau đó hành động theo nhu cầu của các nước này.
Vào ngày 26.5, ngày thứ tư tại nhiệm, Bộ trưởng Penny Wong đã có bài phát biểu tại Diễn đàn Quần đảo Thái Bình Dương ở Suva, Fiji, trong đó, bà cũng nhấn mạnh đến những điểm khác biệt trong chính sách của chính quyền mới so với chính quyền tiền nhiệm trong mối quan hệ với các quốc gia ở Thái Bình Dương.
Bài phát biểu của bà Penny Wong tại Diễn đàn Quần đảo Thái Bình Dương đã thu hút sự chú ý của các quần đảo bởi những mối quan tâm mới thực sự thú vị hơn so chính sách dưới thời Chính phủ tiền nhiệm. Hành động vì khí hậu hiện là trọng tâm hàng đầu của chính phủ mới, được bảo đảm bởi cả đảng cầm quyền và nhóm đảng “Mòng biển độc lập”, vốn coi hành động vì khí hậu là ưu tiên số một của họ. Bà Penny Wong cũng đưa ra các giải pháp cho các nhu cầu kinh tế, như tạo thuận lợi cho người dân của các quốc đảo Thái Bình Dương đến Australia làm việc với điều kiện tốt hơn. Điều này đã được đón nhận rất tích cực ở các nền kinh tế Thái Bình Dương.

Việc nhanh chóng đưa khu vực Thái Bình Dương thành ưu tiên số một trong chính sách ngoại giao của Australia xuất phát từ chương trình nghị sự táo bạo gần đây của Trung Quốc với tham vọng tạo ra một khối được gọi là “Trung Quốc - Các quốc đảo Thái Bình Dương”. Trung Quốc đã tìm cách thuyết phục các chính phủ Thái Bình Dương ký kết thỏa thuận trên tại Diễn đàn Các đảo Thái Bình Dương diễn ra ngày 30.5.
Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị bắt đầu chuyến công du một loạt quốc đảo này từ ngày 26.5 với điểm dừng chân đầu tiên là Quần đảo Solomon, quốc gia mà một tháng trước đã ký một thỏa thuận an ninh với Trung Quốc. Tiếp đó cho tới ngày 4.6, Bộ trưởng Vương Nghị sẽ đến thăm Kiribati, Samoa, Fiji, Tonga, Vanuatu, Papua New Guinea và Đông Timor.
Hành trang của ông mang đến Thái Bình Dương có hai hồ sơ quan trọng, bao gồm: “Tầm nhìn phát triển chung của các quốc gia quần đảo Thái Bình Dương” và “Kế hoạch 5 năm về phát triển chung của Trung Quốc - các quốc đảo Thái Bình Dương”.

Mỹ: Những động thái ngoại giao và khuôn khổ pháp lý

Mỹ trong những nỗ lực tìm lại vị thế ở khu vực cũng giành được chiến thắng ngoại giao đáng kể vào ngày 26.5, khi Nhà Trắng thông báo Fiji sẽ tham gia Khuôn khổ Kinh tế Ấn Độ - Thái Bình Dương vì sự thịnh vượng (IPEF), vừa được Tổng thống Joe Biden ra mắt tại Tokyo vào ngày 23.5, dự kiến chiếm 40% GDP của thế giới. IPEF được thiết kế để tăng cường sự can dự kinh tế của Mỹ ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Việc Fiji gia nhập IPEF sẽ là lực cản đối với những nỗ lực của Ngoại trưởng Vương Nghị.

Cùng với việc đề ra IPEF và các chính sách rộng lớn khác ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, trong những tháng qua, Nhà Trắng đã gấp rút thúc đẩy các nỗ lực ở khu vực. Vào tháng 2, Nhà Trắng đã đạt được kỳ tích hiếm hoi là đoàn kết được các đảng viên Dân chủ và Cộng hòa trong Quốc hội thúc đẩy các cuộc đàm phán Hiệp ước Liên kết Tự do (Compact of Free Association - COFA, vốn là hiệp ước định cho phép ba quốc gia có chủ quyền: Liên bang Micronesia, Cộng hòa Quần đảo Marshall và Cộng hòa Palau trở thành các quốc gia liên kết với Hoa Kỳ).
Trước đó, Quốc hội Mỹ cũng cho thấy mối quan tâm rõ ràng với khu vực. Từ năm 2021, một loạt dự luật và nghị quyết đã được thông qua nhằm tái khẳng định mối quan hệ với các quốc gia Thái Bình Dương vốn đã bị bỏ quên. Có tới 10 quốc gia và vùng lãnh thổ ở Thái Bình Dương mà Mỹ hoàn toàn không có sự hiện diện ngoại giao, một tình huống mà Quốc hội và Nhà Trắng hiện mong muốn giải quyết. Với việc Quốc hội thông qua các đạo luật như Đạo luật Thái Bình Dương xanh, Đạo luật Đại bàng và Đạo luật Vinh danh Châu Đại Dương đều chứng tỏ Mỹ đang hồi sinh chính sách can dự vào Thái Bình Dương.

Đây là những câu trả lời của Mỹ trước những động thái quyết đoán của Trung Quốc đối với khu vực Thái Bình Dương. Trung Quốc đã khai thác sự vắng mặt của Mỹ và chính sách ngoại giao sai lầm của chính phủ Liên minh ở Australia suốt 9 năm qua, vốn không chỉ thiếu những ưu tiên về biến đổi khí hậu.

Tuy nhiên, Trung Quốc cũng phải chịu những “trách nhiệm pháp lý” nghiêm trọng ở Thái Bình Dương, bao gồm cả hồ sơ khí hậu của chính họ. Như Ngoại trưởng Mỹ Blinken đã nhấn mạnh trong bài phát biểu ngày 26.5: “Hiện có khoảng 20 quốc gia phải chịu trách nhiệm cho 80% lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính trên toàn thế giới. Trung Quốc là số 1. Hoa Kỳ là số 2”.

Ngoài ra còn có những khác biệt về hệ thống chính trị và văn hóa giữa Trung Quốc và khu vực. Các quốc gia Thái Bình Dương là những nước có truyền thống tôn giáo khá nặng nề. Họ có thể lo ngại những ảnh hưởng đối với quyền tự do tôn giáo khi trở thành một phần của khối “Trung Quốc - Thái Bình Dương”.

Khi Tổng thống Panuelo của Micronesia đưa ra lời kêu gọi các nhà lãnh đạo ở Thái Bình Dương từ chối ý định của Trung Quốc phát triển một khối các Quốc đảo Thái Bình Dương - Trung Quốc, cần thời gian để biết cuối cùng các quốc gia Thái Bình Dương khác có đồng tình hay không. Trong thời gian đó, sẽ tiếp tục diễn ra cuộc chơi địa chính trị lớn giữa Trung Quốc, Mỹ và Australia ở khu vực.

Quốc Đạt

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/viet-nam-va-the-gioi/van-co-lon-o-thai-binh-duong-i290999/