Vận chuyển hàng hóa nguy hiểm phải có biểu trưng nhận dạng

Nghị định số 34/2024/NĐ-CP quy định rõ điều kiện vận chuyển hàng hóa nguy hiểm bằng phương tiện giao thông cơ giới đường bộ.

Không được vận chuyển xăng, dầu qua hầm dài từ 100m trở lên.

Điều kiện đối với người tham gia vận chuyển hàng hóa nguy hiểm

Nghị định 34/2024/NĐ-CP quy định người điều khiển phương tiện vận chuyển hàng hóa nguy hiểm phải đảm bảo có đủ các điều kiện điều khiển phương tiện và được huấn luyện, cấp giấy chứng nhận đã hoàn thành chương trình huấn luyện an toàn hàng hóa nguy hiểm theo quy định tại Nghị định này.

Người áp tải, người thủ kho, người xếp dỡ hàng hóa nguy hiểm phải được huấn luyện an toàn và cấp giấy chứng nhận đã hoàn thành chương trình huấn luyện an toàn về loại hàng hóa nguy hiểm do mình áp tải, xếp, dỡ hoặc lưu kho.

Điều kiện đối với phương tiện vận chuyển hàng hóa nguy hiểm

Nghị định quy định phương tiện vận chuyển phải đủ điều kiện tham gia giao thông theo quy định của pháp luật. Thiết bị chuyên dùng của phương tiện vận chuyển hàng hóa nguy hiểm phải bảo đảm tiêu chuẩn quốc gia hoặc quy chuẩn kỹ thuật quốc gia hoặc theo quy định của Bộ quản lý chuyên ngành.

Phương tiện vận chuyển hàng hóa nguy hiểm phải dán biểu trưng hàng hóa nguy hiểm. Nếu trên một phương tiện có nhiều loại hàng hóa nguy hiểm khác nhau thì phương tiện phải dán đủ biểu trưng của các loại hàng hóa đó. Vị trí dán biểu trưng ở hai bên, phía trước và phía sau của phương tiện đảm bảo dễ quan sát, nhận biết.

Phương tiện vận chuyển hàng hóa nguy hiểm, sau khi dỡ hết hàng hóa nguy hiểm nếu không tiếp tục vận tải loại hàng hóa đó thì phải được làm sạch và bóc hoặc xóa biểu trưng nguy hiểm trên phương tiện vận chuyển hàng hóa nguy hiểm. Đơn vị vận tải, người điều khiển phương tiện có trách nhiệm làm sạch và bóc hoặc xóa biểu trưng nguy hiểm trên phương tiện khi không tiếp tục vận chuyển loại hàng hóa nguy hiểm đó.

Xếp, dỡ hàng hóa nguy hiểm trên phương tiện và lưu kho bãi

Nghị định nêu rõ tổ chức, cá nhân liên quan đến việc xếp, dỡ hàng hóa nguy hiểm trên phương tiện vận chuyển và lưu kho, bãi phải tuân thủ đúng chỉ dẫn về bảo quản, xếp, dỡ, vận chuyển của từng loại hàng hóa nguy hiểm hoặc trong thông báo của người thuê vận tải.

Việc xếp, dỡ hàng hóa nguy hiểm phải do người thủ kho, người thuê vận tải hoặc người áp tải trực tiếp hướng dẫn và giám sát. Không xếp chung các loại hàng hóa có thể tác động lẫn nhau làm tăng mức độ nguy hiểm trong cùng một phương tiện. Đối với loại, nhóm hàng hóa nguy hiểm quy định phải xếp, dỡ, lưu giữ ở nơi riêng biệt thì việc xếp, dỡ phải thực hiện tại khu vực kho, bến bãi riêng biệt.

Trường hợp vận chuyển hàng hóa nguy hiểm không quy định phải có người áp tải thì người vận tải phải thực hiện xếp, dỡ hàng hóa theo chỉ dẫn của người thuê vận tải.

Sau khi đưa hết hàng hóa nguy hiểm ra khỏi kho, bãi thì nơi lưu giữ hàng hóa nguy hiểm phải được làm sạch để không ảnh hưởng tới hàng hóa khác.

Không được vận chuyển xăng, dầu qua hầm dài từ 100m trở lên

Nghị định quy định không được vận chuyển các loại thuốc nổ, khí đốt, xăng, dầu và các chất dễ cháy, nổ, chất rắn khử nhạy khác đi qua các công trình hầm có chiều dài từ 100m trở lên.

Không được vận chuyển đồng thời người (người tham gia giao thông hoặc hành khách) cùng phương tiện (đã được cấp phép vận chuyển hàng hóa nguy hiểm) đang thực hiện vận chuyển các loại thuốc nổ, khí ga, xăng, dầu và các chất dễ cháy, nổ khác trên cùng một chuyến phà.

5 trường hợp được miễn cấp Giấy phép vận chuyển hàng hóa nguy hiểm

Nghị định số 34/2024/NĐ-CP quy định tổ chức, cá nhân khi vận chuyển hàng hóa nguy hiểm thuộc một trong các trường hợp sau đây được miễn cấp Giấy phép vận chuyển hàng hóa nguy hiểm theo quy định:

1- Vận chuyển hàng hóa nguy hiểm là khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) và khí thiên nhiên nén (CNG) có tổng khối lượng nhỏ hơn 1.080 ki-lô-gam;

2- Vận chuyển hàng hóa nguy hiểm là khí dầu mỏ hóa lỏng (LPG) có tổng khối lượng nhỏ hơn 2.250 ki-lô-gam;

3- Vận chuyển hàng hóa nguy hiểm là nhiên liệu lỏng có tổng dung tích nhỏ hơn 1.500 lít;

4- Vận chuyển hàng hóa nguy hiểm là hóa chất bảo vệ thực vật có tổng khối lượng nhỏ hơn 1.000 ki-lô-gam;

5- Vận chuyển hàng hóa nguy hiểm đối với các hóa chất độc nguy hiểm còn lại trong các loại, nhóm hàng hóa nguy hiểm.

Nghị định quy định phương tiện vận chuyển hàng hóa nguy hiểm không phải đề nghị cấp Giấy phép vận chuyển hàng hóa nguy hiểm quy định ở trên phải đảm bảo các điều kiện an toàn phòng cháy, chữa cháy theo quy định pháp luật về phòng cháy, chữa cháy trong quá trình vận chuyển.

4 trường hợp bị thu hồi Giấy phép vận chuyển hàng hóa nguy hiểm

Nghị định quy định, người vận tải vận chuyển hàng hóa nguy hiểm bị thu hồi Giấy phép một trong các trường hợp sau đây:

1- Cung cấp bản sao không đúng với bản chính hoặc thông tin sai lệch trong hồ sơ đề nghị cấp Giấy vận chuyển hàng nguy hiểm;

2- Thực hiện việc vận chuyển hàng hóa nguy hiểm không đúng với hồ sơ đề nghị cấp giấy phép hoặc không đúng với Giấy phép vận chuyển hàng hóa nguy hiểm đã được cấp;

3- Chấm dứt hoạt động theo quy định của pháp luật;

4- Sử dụng người tham gia vận chuyển hàng hóa nguy hiểm khi chưa được huấn luyện an toàn hàng hóa nguy hiểm theo quy định.

Hoa Ngân

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/van-chuyen-hang-hoa-nguy-hiem-phai-co-bieu-trung-nhan-dang.html