Văn Chấn triển vọng từ cây thông Caribe

Được đưa vào trồng từ năm 2020, đến nay hơn 100 ha cây thông Caribê trên địa bàn huyện Văn Chấn đều đang sinh trưởng, phát triển tốt. Qua đánh giá bước đầu, cây thông Caribe phù hợp với nhiều vùng đất trên địa bàn, vừa mang lại hiệu quả kinh tế cao, vừa phù hợp với quy hoạch phát triển trồng rừng gỗ lớn, ứng phó với biến đổi khí hậu.

Cán bộ kiểm lâm huyện Văn Chấn kiểm tra kích thước đường kính thông Caribe tại tổ dân phố Sơn Lềnh, thị trấn Sơn Thịnh.

Những ngày giữa tháng 9, chúng tôi đến tổ dân phố Sơn Lềnh, thị trấn Sơn Thịnh, huyện Văn Chấn để thăm mô hình trồng thâm canh cây thông Caribe của Doanh nghiệp tư nhân Trường Lê. Sau gần 3 năm cắm đất, giờ đây hàng trăm nghìn cây thông Caribe đã bén rễ, vươn lên xanh tốt.

Qua ghi nhận, đa số cây sinh trưởng phát triển tốt, không sâu bệnh với đường kính gốc đạt trên 6,06 cm - 7,2 cm, chiều cao gần 4,0 m.

Theo ông Vũ Đình Trường - Doanh nghiệp tư nhân Trường Lê, ngoài tổ dân phố Sơn Lềnh, cây thông Caribe còn được trồng thâm canh tại tổ dân phố Văn Thi 4, thị trấn Sơn Thịnh và 2 thôn Pang Cáng, Suối Bắc, xã Suối Quyền với tổng diện tích 100 ha. Qua đánh giá ban đầu, đến nay tỷ lệ sống đạt 92% với mật độ hiện tại là 1.021 cây/ha. So với mục tiêu trồng rừng áp dụng theo tiêu chuẩn Quốc gia TCVN 12509-1:2018 thì mô hình đạt yêu cầu kỹ thuật và mục tiêu của Dự án đề ra.

Cùng với mô hình trồng thâm canh, đơn vị thực hiện Dự án còn triển khai vườn ươm giống quy mô 150.000 cây giống/năm tại thôn 1, xã Nghĩa Lộ, thị xã Nghĩa Lộ.

Kết quả triển khai xây dựng mô hình vườn ươm từ tháng 4/2021 đến 5/2022 đã tạo được trên 150.000 cây giống thông Caribe đạt các chỉ tiêu về kỹ thuật khi xuất vườn để phục vụ trồng rừng cho dự án, đạt được mục tiêu của dự án đề ra. Đến tháng 4 - 5 năm 2022 vườn ươm đã xuất cho dự án 47.100 cây để trồng rừng, tương đương 38,6% nhu cầu tổng số cây để phục vụ trồng rừng.

Ngoài ra, sau khi lựa chọn được địa điểm đơn vị chủ trì dự án đã tiến hành triển khai xây dựng được 2,0 ha mô hình vườn giống thông Caribe để cung cấp giống cho địa phương về lâu dài. Kết quả đo tính số liệu vào tháng 5 năm 2023 cho thấy, sau 25 tháng tuổi triển khai trồng mô hình, sinh trưởng của vườn giống thông Caribe đã đạt được các chỉ tiêu như sau: về tỷ lệ sống của vườn giống đạt 90,0% (mật độ hiện tại 1.080 cây/ha) các chỉ tiêu sinh trưởng của cây về đường kính gốc đạt 4,2 cm. Lượng tăng trưởng bình quân về đường kính gốc là 2,1 cm/năm. Về chiều cao vút ngọn đạt 2,8 m, tăng trưởng bình quân về chiều cao đạt 1,4 m/năm.

Được biết, các mô hình trên nằm trong Dự án ứng dụng khoa học và công nghệ trong nhân giống và trồng rừng thâm canh thông Caribe (Pinus caribaea Morelet) cung cấp gỗ lớn tại huyện Văn Chấn. Để Dự án được triển khai hiệu quả, cơ quan chủ trì thực hiện Dự án đã ban hành Quyết định số 01/QĐ ngày 01/06/2020 về việc thành lập Ban Quản lý Dự án và tổ kỹ thuật thực hiện Dự án...

Bên cạnh đó, Doanh nghiệp tư nhân Trường Lê là đơn vị chủ trì tổ chức thực hiện dự án đã phối hợp với cơ quan hỗ trợ ứng dụng công nghệ, UBND các xã, thị trấn và các đơn vị liên quan tổ chức, đôn đốc, giám sát các hoạt động của dự án; đồng thời khảo sát lựa chọn địa điểm để triển khai xây dựng các mô hình của dự án.

Ông Vũ Đình Trường cho biết thêm: "Nằm trong khuôn khổ Dự án, đơn vị cũng đã tổ chức đào tạo 10 kỹ thuật viên nắm chắc và làm chủ quy trình kỹ thuật tạo cây giống bằng hạt; kỹ thuật trồng và chăm sóc rừng thông Caribe theo hướng thâm canh; đồng thời tổ chức mở 5 lớp tập huấn kỹ thuật cho 240 lượt người tham gia dự án về kỹ thuật trồng và chăm sóc rừng thâm canh, vườn giống”.

Theo nghiên cứu của các nhà khoa học và qua đánh giá thực tế tại một số tỉnh đã triển khai trồng thông Caribe trước đó cho thấy, đây là cây trồng rất có triển vọng, phù hợp với nhiều vùng đất, vừa mang lại hiệu quả kinh tế cao, vừa phù hợp với quy hoạch phát triển trồng rừng gỗ lớn, ứng phó với biến đổi khí hậu. Sau 15 năm trồng, thông Caribr có thể khai thác nhựa tận thu với năng suất trung bình đạt 3 kg - 4,5 kg/cây/năm, theo giá hiện hành từ 20.000 đồng - 25.000 đồng/1kg nhựa hiện nay. Như vậy, 1 ha thông Caribe có thể thu 45 triệu - 67 triệu đồng/1 năm từ nhựa trung bình khai thác tận dụng 5 năm.

Bên cạnh đó, gỗ của thông Caribe được xếp vào nhóm gỗ lớn có giá trị thương phẩm cao, tính cho một chu kỳ 15 năm - 20 năm, cây cho đường kính bình quân 25 cm - 28 cm, chiều cao 17 cm - 20m, tăng trưởng bình quân 13 m3/năm với mật độ khoảng 650 cây/ha sẽ cho sản lượng khoảng 260 m3 gỗ, bán theo giá gỗ lớn hiện hành là 2 triệu đồng/m3 cho thu nhập khoảng 520 triệu đồng; cộng với 300 triệu đồng tiền thu được từ khai thác nhựa trong 5 năm thì tổng thu nhập cho một chu kỳ trồng thông Caribe vào khoảng 0,8 tỷ đồng /ha.

Ngoài ra, thực tế cho thấy, thông Caribe sống lâu năm có vai trò rất lớn trong việc bảo vệ môi trường không khí. Theo tính toán của các nhà khoa học, 1ha rừng thông có khả năng hút 36,4 tấn bụi trong không khí/năm. Đặc biệt, cây thông Caribe có bộ rễ cọc khỏe, có chức năng hạn chế xói mòn, góp phần bảo vệ nguồn nước.

Có thể thấy, với những hiệu quả bước đầu từ mô hình trồng thâm canh, vườn ươm cũng như vườn giống trên địa bàn huyện Văn Chấn, cây thông Caribe gỗ lớn mang lại hiệu quả, giá trị kinh tế cao cũng như bền vững về môi trường. Kết quả của dự án là cơ sở khoa học để khuyến khích người dân trên địa bàn tỉnh trồng rừng thông Caribe thâm canh gỗ lớn, nâng cao thu nhập cho người dân trên địa bàn huyện Văn Chấn nói riêng và tỉnh Yên Bái nói chung.

Hùng Cường

Nguồn Yên Bái: https://baoyenbai.com.vn/12/301175/van-chan-trien-vong-tu-cay-thong-caribe.aspx