Vẫn câu chuyện ý thức

Chiến dịch ra quân thiết lập lại trật tự văn minh đô thị của UBND Thành phố Hà Nội đã đạt được nhiều kết quả khả quan, nhiều tuyến phố trở nên thông thoáng, quy củ. Tuy nhiên, hiện tại một số địa bàn do chính quyền địa phương buông lỏng quản lý nên vỉa hè, lòng đường lại tiếp tục bị lấn chiếm với muôn vàn hình thức.

Theo quan sát của phóng viên, mặc dù lực lượng chức năng của các phường có kiểm tra, tuy nhiên tình trạng hàng quán thản nhiên bày bán kín vỉa hè diễn ra khá phổ biến trên nhiều tuyến phố như: Chùa Láng, Lò Sũ, Bà Triệu,,…

“Thản nhiên" kinh doanh trên vỉa hè phố Lò Sũ.

Tại phố Chùa Láng (Quận Đống Đa), việc kẻ vạch vôi trên hè phố không đảm bảo chiều rộng để đỗ xe dẫn đến xe đỗ kín vỉa hèm, khiến người đi bộ không có đủ chỗ để đi lại. Trên tuyến phố Kim Mã, Hai Bà Trưng... hàng loạt ô tô vẫn lấy vỉa hè, lòng đường làm điểm dừng. Người dân tại đây cho biết, tình trạng này diễn ra liên tục nhưng không mấy khi thấy lực lượng chức năng đến xử lý.

Thậm chí tại phố Chùa Láng, bậc tam cấp đã được dọn sạch để lấy lại vỉa hè cho người đi bộ, thì nay nhiều hộ gia đình đã xây mới lại hoặc “sáng tạo” ra nhiều loại tam cấp di động để đối phó với lực lượng chức năng. Ông Nguyễn Tiến Thành, cư dân phố Chùa Láng chia sẻ: “ Nhà có người già nên bắt buộc tôi phải “chế” kệ gỗ làm bậc tam cấp để dễ đi lại, vừa tiết kiệm lại dễ di chuyển nhằm tránh việc kiểm tra của công an phường”.

Người dân tiếp tục "chế" các bậc tam cấp để đối phó với lực lượng chức năng

Thời điểm lấn chiếm vỉa hè nhiều nhất là vào buổi chiều tối, những hàng ăn uống, cafe mở cửa đón khách. Tại một số tuyến phố trên khu vực phố cổ như Tạ Hiện, Mã Mây, Hàng Bồ, Hàng Gà, Bà Triệu... vỉa hè bị tận dụng thành nơi kinh doanh bia, nước ép, cafe, quán ăn... Thậm chí, ngay tại trước cửa ngôi nhà 48 phố Hàng Ngang một trong các điểm di tích tiêu biểu về Chủ tịch Hồ Chí Minh, đến buổi chiều hàng ăn vẫn được bày bán công khai. Rác, xe máy, khách hàng ngồi la liệt trước cửa di tích phần nào làm ảnh hưởng nghiêm trọng tới giá trị của nơi đây.

Hàng rong tràn xuống lòng đường tại phố Hàng Ngang

Điều đáng nói, người dân tại các tuyến phố bị tái lấn chiếm thừa nhận hằng ngày lực lượng chức năng vẫn luôn thường xuyên kiểm tra, xử lý nhưng có lẽ càng kiểm tra thì người dân lại càng nghĩ nhiều cách để lấn chiếm vỉa hè. Nhiều cơ sở kinh doanh bị phạt hôm nay, ngày mai tiếp tục lấn chiếm, hoặc lúc nào xe tuần tra công an đến thì trật tự, vắng công an thì đâu lại vào đấy.Vừa bán, vừa nhìn công an là tâm lý chung của các cơ sở kinh doanh.

Theo quan sát, cứ khi nào lực lượng chức năng đi kiểm tra thì các hàng quán đều chạy ráo rác, thu dọn đồ đạc. Đến khi, lực lượng chức năng đi khỏi thì “đâu lại hoàn đấy”. Chị Minh, chủ một quán cà phê trên phố Chợ Gạo (Quận Hoàn Kiếm) cho biết: “Buổi sáng, họ kiểm tra liên tục thì không bày bán được. Nhưng buổi tối, công an đi kiểm tra 2-3 lần nên cứ lựa mà bán thôi”.

Những câu chuyện muôn năm cũ về lấn chiếm vỉa hè dường như vẫn còn phải nói mãi bởi ý thức, cách hành xử văn hóa của người dân. Một cán bộ công an quận Ba Đình trăn trở, về cơ bản, tình trạng lấn chiếm vỉa hè trên nhiều địa bàn ở Hà Nội đã được xử lý khá triệt để. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều vấn đề phải bàn, trong đó nguyên nhân chủ yếu là do người dân chưa nhận thức được đầy đủ chủ trương của Thành phố khiến các lực lượng chức năng dù có “ba đầu, sáu tay” cũng rất vất vả giải quyết triệt để.

ThảoTrang

Nguồn LĐTĐ: http://laodongthudo.vn/van-cau-chuyen-y-thuc-54836.html