Văn Bàn: Tìm nguyên nhân khiến cây hồng rụng quả bất thường

Trước tình trạng cây hồng không hạt ở vùng trồng thuộc 2 xã Tân An và Tân Thượng bị rụng quả non đang có chiều hướng gia tăng, các chuyên gia bảo vệ thực vật đã đến tìm nguyên nhân và đưa ra giải pháp hỗ trợ các hộ dân phòng, chống sâu bệnh hại.

Theo thông tin từ Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Văn Bàn, hiện nay, do tác động tiêu cực của khí hậu và một số yếu tố khác, gây ra tình trạng rụng quả non hoặc lép quả trên diện tích hồng không hạt ở các xã Tân Thượng, Tân An, ảnh hưởng đến năng suất và chất lượng quả hồng trong vụ thu hoạch năm 2024.

Trước tình hình đó, huyện Văn Bàn đã đề nghị Viện Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ, Trung tâm quan trắc môi trường tỉnh Lào Cai đến quan trắc, nghiên cứu, tìm hiểu nguyên nhân để hỗ trợ các hộ dân giải pháp phòng, chống.

Người dân xã Tân Thượng lo lắng khi cây hồng không hạt bị rụng quả nhiều.

Trao đổi với phóng viên, Thạc sĩ Nguyễn Hồng Tuyên, Viện Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết: Đơn vị đang phối hợp với cơ quan chức năng và chính quyền 2 xã Tân Thượng, Tân An tổ chức quan trắc không khí, khảo sát thổ nhưỡng và cách chăm sóc của người dân để làm căn cứ xác định nguyên nhân dẫn đến tình trạng cây hồng bị rụng quả. Sau khi có dữ liệu đầy đủ, các chuyên gia sẽ phân tích, đánh giá và đưa ra giải pháp.

Các kỹ thuật viên quan trắc không khí và môi trường ở khu vực thôn Thùng 1, xã Tân Thượng.

Theo đánh giá sơ bộ ban đầu, hiện nay, có một số nguyên nhân dẫn đến tình trạng rụng quả hoặc lép quả trên diện tích hồng không hạt, như nhiệt độ tăng cao so với trung bình nhiều năm, một phần do ô nhiễm không khí và đã xuất hiện bệnh gây hại. Tuy nhiên, nguyên nhân chính gây rụng quả hồng có thể là do cây bị nhiễm nấm.

Sau khi khảo sát, đánh giá tổng thể, các chuyên gia của Viện Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) đang thử nghiệm các biện pháp khắc phục như: sử dụng chế phẩm sinh học, thuốc bảo vệ thực vật phun phòng trừ nấm bệnh ở một số vườn hồng (để đối chứng); hướng dẫn người dân bón bổ sung phân bón vi lượng để cây phát triển tốt, tăng khả năng chống chịu với sâu bệnh, hạn chế rụng quả; hướng dẫn các hộ dân tỉa thưa cành và phương pháp phòng, chống sâu bệnh khác…

Chưa rõ nguyên nhân khiến cây hồng không hạt ở xã Tân Thượng bị rụng quả nhiều bất thường.

Trao đổi với phóng viên, ông Chu Hồng Hà, Chủ tịch UBND xã Tân Thượng, huyện Văn Bàn cho biết: Thời gian qua, người dân trên địa bàn xã phản ánh, có một số thời điểm, Nhà máy phân lân nung chảy Lào Cai xả khí thải có mùi khó chịu, ảnh hưởng đến sức khỏe người dân. Vì vậy, người dân nghi ngờ việc cây hồng bị rụng quả có thể do ô nhiễm không khí.

Ông Phạm Văn Lợi, một người dân xã Tân Thượng (Văn Bàn) chia sẻ: Cử tri và người dân đã nhiều lần kiến nghị với các cơ quan chức năng cần tổ chức quan trắc môi trường xung quanh khu vực để đánh giá tác động khí thải, nước thải đối với môi trường, tuy nhiên vẫn chưa có phản hồi về kết quả quan trắc. Việc cây hồng không hạt và nhiều loại cây trồng ở các xã Tân An và Tân Thượng (Văn Bàn) bị rụng quả bất thường khiến người dân hết sức lo lắng.

Các chuyên gia Viện Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) hướng dẫn người dân phương pháp chăm sóc cây hồng không hạt để nâng cao năng suất.

Hiện nay, ở 2 xã Tân Thượng và Tân An, huyện Văn bàn đang có gần 200 ha cây hồng không hạt với khoảng 80 ha đang cho thu hoạch. Trung bình mỗi năm, cây hồng không hạt cho sản lượng khoảng gần 1.000 tấn quả thương phẩm, mang lại doanh thu cho người dân khoảng 250 triệu/ha.

Nguồn Lào Cai: https://baolaocai.vn/van-ban-tim-nguyen-nhan-khien-cay-hong-rung-qua-bat-thuong-post382874.html