Vai trò lãnh đạo của Đảng trong phát triển giao thông nông thôn

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: 'Giao thông là mạch máu của tổ chức. Giao thông tốt thì mọi việc dễ dàng. Giao thông xấu thì các việc đình trệ'. Thấm nhuần tư tưởng của Người, thời gian qua, xác định đầu tư cho giao thông nông thôn (GTNT) là điều kiện phát triển giao thương, thu hút đầu tư, tạo liên kết vùng…

Kỳ I: Khi “Ý Đảng - lòng dân” cùng hòa nhịp

Người dân xã Liên Hoa, huyện Phù Ninh tự nguyện hiến đất, ủng hộ ngày công để nâng cấp, mở rộng tuyến đường nối xã Liên Hoa và xã Minh Phú, huyện Đoan Hùng.

(baophutho.vn) - Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Giao thông là mạch máu của tổ chức. Giao thông tốt thì mọi việc dễ dàng. Giao thông xấu thì các việc đình trệ”. Thấm nhuần tư tưởng của Người, thời gian qua, xác định đầu tư cho giao thông nông thôn (GTNT) là điều kiện phát triển giao thương, thu hút đầu tư, tạo liên kết vùng… Đảng bộ và chính quyền tỉnh Phú Thọ đã có nhiều giải pháp quyết liệt, đồng bộ trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo tuyên truyền, vận động, tạo sự hòa hợp, thống nhất lòng dân, ý Đảng, từng bước hoàn thiện hạ tầng GTNT, góp phần thay đổi diện mạo các địa phương, nhất là vùng nông thôn, miền núi.

Khi đảng viên đi trước
Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII đề ra mục tiêu đến năm 2020, tỉ lệ đường giao thông nông thôn đạt kiên cố hóa đạt 70%, theo đó, các sở ngành, đơn vị liên quan và các huyện, thành, thị coi đây là nhiệm vụ quan trọng để góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế- xã hội. Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện, thành, thị nhiệm kỳ 2015-2020 đã nhấn mạnh nội dung này để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo phát triển giao thông nông thôn. Nhờ vậy, nhiều con đường “ý Đảng, lòng dân” được hình thành trên các vùng quê, tạo thuận lợi cho phát triển kinh tế- xã hội, xây dựng nông thôn mới thành công.Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Thanh Ba nhiệm kỳ 2020 - 2025 xác định tiếp tục đầu tư phát triển GTNT, coi đây là tiêu chí “mở đường” để thực hiện hai khâu đột phá về xây dựng kết cấu hạ tầng thu hút đầu tư công nghiệp, dịch vụ và phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, ứng dụng công nghệ cao. Từ năm 2015 đến nay, 100% đường huyện được cứng hóa; 95% đường trục xã, liên xã được nhựa hóa, bê tông hóa; 90% đường trục thôn, xóm cứng hóa; 74% đường ngõ, xóm được cứng hóa; 19% đường trục chính nội đồng cứng hóa. Năm 2021, 18/18 xã trên địa bàn huyện đã đạt chuẩn về tiêu chí giao thông (trong đó có 4 xã sáp nhập). Theo đồng chí Nguyễn Kim Chi- Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy Thanh Ba, phát triển giao thông là mấu chốt quan trọng để phục vụ nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, tuy nhiên để thực hiện được điều đó phải có sự vào cuộc đồng bộ của cả hệ thống chính trị, vì thế nhiều địa phương xác định năm nay và những năm tiếp theo là năm giải phóng mặt bằng. Cấp ủy Đảng các cấp đóng vai trò hết sức quan trọng trong việc định hướng, ra chủ trương, đảng viên phải khẳng định được vai trò hạt nhân trong tuyên truyền, vận động nhân dân ở khu dân cư đồng thuận, thống nhất cao trong triển khai làm GTNT, phải lồng ghép và sử dụng hợp lý các nguồn lực cho phát triển hạ tầng GTNT. Trong mỗi con đường được xây dựng, hoàn thiện đều công khai dân chủ để “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”; ở mỗi khu đều có Ban thanh tra nhân dân, Ban giám sát đầu tư cộng đồng đứng ra giám sát công trình, bảo đảm chất lượng và tiến độ. Có như thế mới tạo được niềm tin của nhân dân vào Đảng, phát huy được vai trò của Đảng nói chung và từng đảng viên nói riêng để hoàn thành mục tiêu phát triển GTNT. Việc coi trọng tổng kết thực tiễn, đúc rút kinh nghiệm, lan tỏa những cách làm hay, sáng tạo trong phát triển GTNT, tạo sự hài hòa giữa ý Đảng lòng dân ở mỗi địa phương đã giúp Thanh Ba cơ bản hoàn thành được mục tiêu phát triển GTNT.Cũng như Thanh Ba, Tam Nông là huyện có nhiều đảng viên phát huy tốt tinh thần gương mẫu trong hiến đất làm đường GTNT. Đã từng được rèn luyện qua môi trường quân ngũ nên khi xuất ngũ về địa phương, đồng chí Dương Văn Cường, đảng viên, Chi hội trưởng Chi hội cựu chiến binh khu 1, xã Thọ Văn, huyện Tam Nông luôn tâm niệm lời dạy của Bác “Đảng viên đi trước, làng nước theo sau” trong mọi công việc. Khi UBND xã quyết định mở rộng tuyến đường và xây dựng khu tập kết rác thải tại khu 9, nhiều hộ dân nơi tuyến đường đi qua chưa đồng tình với việc hiến đất để mở rộng đường, xây dựng công trình. Để vận động các hội viên và nhân dân làm theo, đồng chí Cường đã mạnh dạn hiến hơn 550m2 đất của gia đình, tự tay chặt hạ cây cối, hoa màu để bàn giao cho đơn vị thi công. Theo tấm gương của đồng chí, nhiều hộ nằm trong công trình đã vui vẻ hiến thêm gần 1.000m2, góp phần mở rộng tuyến đường từ 2m lên 7m, thuận tiện cho các phương tiện đi lại.

Theo báo cáo của Sở Giao thông - Vận tải, đến nay, mạng lưới đường GTNT trên địa bàn tỉnh có gần 11.000km. Hết năm 2021, tỉ lệ đường GTNT được cứng hóa đạt 72,1%; dự kiến hết quý 2/2022, đạt 72,5%. Có được kết quả đáng khích lệ ấy là nhờ sự quan tâm của các cấp, các ngành, sự vào cuộc quyết liệt của cấp ủy, chính quyền từ tỉnh đến địa phương, thể hiện chủ trương “Nhà nước và nhân dân cùng làm” trong xây dựng GTNT thực sự hợp với ý nguyện của nhân dân. Hệ thống GTNT phát triển đã góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tạo thuận lợi để các địa phương trở thành điểm đến hấp dẫn, thu hút các nhà đầu tư nước ngoài vào các khu, cụm công nghiệp, tạo động lực phát triển nông thôn theo hướng bền vững.
Thay đổi diện mạo nông thôn
Với vai trò tiên phong, gương mẫu, trên địa bàn tỉnh nhiều đảng viên đã đi đầu trong việc hiến đất, vận động nhân dân tham gia góp sức, góp của xây dựng các công trình giao thông, nhờ đó, hệ thống hạ tầng GTNT tại các huyện, thị địa bàn tỉnh giờ đây tương đối đồng bộ, đường liên xã, thôn, xóm, nội đồng được bê tông hóa; hệ thống kênh mương được sửa sang kiên cố, đáp ứng nhu cầu sản xuất nông nghiệp của người dân.Được sự quan tâm của tỉnh, huyện cùng với ủng hộ của các đơn vị, doanh nghiệp và người dân, hàng ngàn km đường nông thôn đã được cứng hóa theo các tiêu chuẩn kỹ thuật của Bộ Giao thông - Vận tải. Đặc biệt, thực hiện Quyết định số 800/QĐ-TTg, ngày 4/6/2010 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, giai đoạn 2010-2020, tỉnh xác định, xây dựng và phát triển GTNT là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, chiến lược, góp phần thực hiện thành công mục tiêu giảm nghèo bền vững và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Nỗ lực cải thiện hệ thống GTNT trong xây dựng NTM đã nhận được sự đồng thuận to lớn của người dân. Ông Nguyễn Mạnh Hùng - Phó Chủ tịch UBND huyện Tam Nông khẳng định: Là đầu mối giao thông quan trọng, tạo nên sự liên kết Thủ đô Hà Nội và các tỉnh vùng Tây Bắc, Đảng bộ, chính quyền huyện Tam Nông luôn xác định phát triển nhanh kết cấu hạ tầng GTNT với phương châm “đi trước một bước” là đòi hỏi bức thiết của thực tiễn. Những định hướng phát triển hệ thống giao thông hoàn thiện không chỉ là chủ trương đúng đắn, hợp lòng dân mà còn tạo luồng gió mới, góp phần nâng cao chất lượng các tiêu chí giao thông hiện đại, thúc đẩy kinh tế - xã hội ở các địa phương phát triển. Các dự án hạ tầng GTNT sẽ được UBND huyện lựa chọn, phân kỳ đầu tư trong thời gian tới là giải pháp hiệu quả để đẩy mạnh thu hút đầu tư, tạo sự kết nối vùng, liên vùng giữa huyện và các huyện khác trong tỉnh, ngoại tỉnh nhanh và bền vững.

Kỳ II: Tạo động lực phát triển nông thôn bền vững

Nhóm PV Kinh tế

Nguồn Phú Thọ: http://baophutho.vn/chinh-tri/xay-dung-dang/202204/vai-tro-lanh-dao-cua-dang-trong-phat-trien-giao-thong-nong-thon-183709